Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn; Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên; Ủy viên Thường trực Ban Thư ký, Vụ trưởng Vụ thư ký Văn phòng Quốc hội Phan Thị Thùy Linh; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình Mai Văn Tuất; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc…
Đẩy mạnh tăng trưởng GDP, huy động mọi nguồn lực, thực hiện hiệu quả 7 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển
Phát biểu chỉ đạo kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh vui mừng nhận thấy, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã đoàn kết, nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được kết quả quan trọng, toàn diện, đóng góp rất tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong thành tựu chung đó có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của HĐND tỉnh Ninh Bình cùng sự đồng hành, tâm huyết, trách nhiệm của ĐBQH tỉnh Ninh Bình khóa XV.
HĐND tỉnh Ninh Bình đã luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND tỉnh với UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình, chủ động, sáng tạo, đổi mới trong hoạt động, tổ chức các kỳ họp đúng luật định, khoa học. Các nội dung đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động từ sớm từ xa; phát huy dân chủ và trí tuệ của các đại biểu, kịp thời ban hành nhiều quyết sách về các vấn đề quan trọng, cấp bách, thiết thực của địa phương.
Đánh giá cao các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong báo cáo của HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trước hết, Ninh Bình nâng cao năng lực cụ thể hóa thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII của Đảng bộ tỉnh; Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Quyết định số 218/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, thể chế hóa, cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể trong từng lĩnh vực. Đồng thời, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát huy các tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực để thực hiện hiệu quả 7 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển đã được xác định…
Thứ hai, cần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, nhất là việc rà soát kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Đánh giá, tổng kết từ thực tiễn hoạt động của HĐND các cấp tiến tới phục vụ cho việc xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng các cấp.
Thứ ba, khẩn trương quán triệt, triển khai các luật và các nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy; chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi, tạo sự thống nhất trong nhận thức, bảo đảm hiệu quả triển khai khi các luật có hiệu lực thi hành.
Đặc biệt, vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Theo đó, đã điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành đối với các luật nêu trên từ ngày 1.8.2024. Đây đều là các luật có nhiều nội dung quan trọng phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương.
Nhấn mạnh nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình chủ động rà soát nội dung, thẩm quyền và trình tự, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, bảo đảm thi hành đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, cần sớm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về tăng lương cho các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; sớm triển khai điều chỉnh mức hưởng lương cho cán bộ hưu trí và trợ cấp xã hội, trợ cấp cho người có công có hiệu lực từ ngày 1.7.2024.
Thứ tư, quan tâm quy hoạch đội ngũ cán bộ, chuẩn bị nhân sự của HĐND cho nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII; bầu cử ĐBQH khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Cùng với đó, sớm hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, quan tâm thực hiện chính sách giải quyết lao động dôi dư, chính sách đãi ngộ đối với những người đương chức, những người nghỉ hưu và những người trong diện sắp xếp...
Hướng tới kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp, các ngành của Ninh Bình phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, quan tâm tổ chức các hoạt động thiết thực chăm lo, thăm hỏi, động viên, nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách trên địa bàn.
Sẽ xem xét thông qua 13 dự thảo nghị quyết
Trước đó, trong phát biểu khai mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình Mai Văn Tuất cho biết: Đây là kỳ họp quan trọng, nhằm đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng cuối năm 2024.
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ xem xét một thông báo và 23 báo cáo; xem xét, thông qua 13 dự thảo Nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu sự phát triển của địa phương.
Đồng thời, xem xét, quyết định thực hiện quyền giám sát thông qua hoạt động chất vấn tập trung vào 2 nhóm vấn đề mà cử tri và Nhân dân quan tâm, gồm: Việc duy trì và phát triển các sản phẩm OCOOP cấp tỉnh; sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành y tế.
Nhấn mạnh về ý nghĩa của kỳ họp lần này, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, nghiên cứu kỹ nội dung kỳ họp, nội dung của các dự thảo nghị quyết, thể hiện rõ chính kiến của mình khi thảo luận và quyết định những vấn đề được trình tại kỳ họp.
Đồng thời, tích cực tham gia chất vấn, làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, đề xuất các giải pháp khắc phục đối với những tồn tại, hạn chế, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
GRDP ước đạt gần 26.900 tỷ đồng, xếp 12/63 tỉnh, thành trong cả nước
Trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn cho biết: Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, song với sự quyết tâm, đoàn kết của cả hệ thống chính trị, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, bức tranh kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh có nhiều khởi sắc.
Hầu hết các lĩnh vực đều vượt kế hoạch, trong đó, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) ước đạt gần 26.900 tỷ đồng, tăng 8,19% so với vùng kỳ, vượt kịch bản đề ra (7,1%), xếp thứ 12/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Đặc biệt, ngành du lịch có sự bứt phá mạnh mẽ, hàng loạt các chương trình nhằm kích cầu du lịch đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với Ninh Bình.
Minh chứng là 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đạt trên 6,2 triệu lượt khách, tăng 38% so với cùng kỳ, đạt 83,5% kế hoạch năm; doanh thu từ du lịch đạt gần 6.000 tỷ đồng. Qua đó, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Với nỗ lực, kiên trì, đổi mới sáng tạo, 6 tháng đầu năm 2024, Ninh Bình đã hoàn thành trước nhiều mục tiêu của cả giai đoạn. Cụ thể, việc quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công đã góp phần khơi thông tiềm năng, tháo gỡ các “điểm nghẽn”, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Ninh Bình đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công, thường xuyên kiểm tra trực tiếp hiện trường; tổ chức các hội nghị bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tính đến hết ngày 31.5 vừa qua, tổng số vốn giải ngân đạt gần 1.900 tỷ đồng; đứng thứ 25/63 tỉnh, thành về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (theo Bộ Tài chính).
Cùng với đó, Ninh Bình nỗ lực xây dựng bộ máy chính quyền năng động, phục vụ. Điều này được thể hiện qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh năm 2023 tăng cao về điểm số và thứ bậc, đạt 67,83 điểm, xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố, tăng 25 bậc so với năm 2022.
Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023 xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, tăng 6 bậc so với năm 2022; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố, tăng 6 bậc so với năm 2022; chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) đạt 43,39 điểm, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố.
Phấn đấu đạt tốc độ tăng GRDP 8% trở lên
6 tháng cuối năm 2024, dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, song Ninh Bình vẫn kiên định mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng GRDP đạt 8% trở lên, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã đề ra.
Theo đó, tỉnh xác định thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tập trung phát triển các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, để trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn...
Đồng thời, tập trung thực hiện Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025; hoàn thành và triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển TP. Hoa Lư; hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Cùng với đó, thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống; hình thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhằm xây dựng, phát triển văn hóa, con người vùng đất cố đô Hoa Lư, tạo nền tảng vững chắc xây dựng Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững; tăng cường các giải pháp quảng bá, xúc tiến du lịch, tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch; thúc đẩy phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, minh bạch hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2024 “Giữ vững kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, hiệu quả thực chất”.
Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu GDP 2024 đạt từ 8% trở lên
Tại kỳ họp, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn một lần nữa chúc mừng đồng chí Nguyễn Thị Thanh được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới của Ninh Bình, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp, các ngành của tỉnh tập trung quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 35- CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; triển khai thực hiện hiệu quả các công việc liên quan đến công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XXIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030 theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương.
Đồng thời, tập trung rà soát tình hình thực hiện, kết quả đạt được và đánh giá khả năng, mức độ hoàn thành đối với từng chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đồng bộ trong thời gian tới.
Đặc biệt, tập trung cao, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt từ 8% trở lên; chú trọng thu hút có hiệu quả các dự án đầu tư, giải ngân đầu tư công gắn với tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025…
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cũng lưu ý một số nội dung liên quan đến công tác triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2020 - 2030 vừa được công bố, nhất là thực hiện nhất quán Chiến lược xây dựng Ninh Bình đến năm 2035 trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Ngay từ kỳ họp này và các kỳ họp tới, với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, HĐND tỉnh sẽ phải bàn thảo, quyết nghị nhiều nghị quyết liên quan đến vấn đề hệ trọng này. Do đó, đề nghị HĐND tỉnh tiếp tục tăng cường thực hiện chức năng của cơ quan dân cử địa phương theo quy định của pháp luật để hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ, Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh.