Nhận thức về ESG và tài chính xanh còn thấp
Theo UNEP (Chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc), kinh tế xanh được định nghĩa là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái. Một nền kinh tế xanh phải có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu, đòi hỏi nguồn lực khổng lồ để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Các giải pháp bao gồm chuyển đổi ngành công nghiệp, tăng cường thực thi quy định ESG (môi trường, xã hội, quản trị) và các cam kết quốc tế như COP26, COP27, COP28.
Cơ hội đầu tư vào lĩnh vực tài chính xanh, theo vị chuyên gia này, là rất lớn, với quy mô toàn cầu ước tính lên đến hàng chục nghìn tỷ USD, tập trung vào các dự án thân thiện với môi trường như năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, nông nghiệp xanh và vận tải bền vững. Năm 2023, tổng dư nợ của thị trường nợ bền vững đạt 4,16 nghìn tỷ USD, trong khi tổng giá trị tín dụng và trái phiếu bền vững phát hành trong nửa đầu năm 2024 đạt 807 tỷ USD. Đặc biệt, việc phát hành các loại trái phiếu xanh, xã hội, bền vững và liên kết bền vững đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng.
Việt Nam cũng đang tích cực tham gia vào quá trình này, TS. Cấn Văn Lực nhận xét. Về pháp lý, nhiều văn bản thúc đẩy tín dụng xanh đã được ban hành. Tính đến tháng 9.2024, dư nợ tín dụng xanh đạt 665 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ) và dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,2 triệu tỷ đồng (chiếm hơn 22% tổng dư nợ).
Thị trường trái phiếu xanh còn khá khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 1,52 tỷ USD từ 2019 đến tháng 10.2024. Về cổ phiếu xanh, Việt Nam tham gia Sáng kiến Sở giao dịch chứng khoán bền vững (SSE), thúc đẩy báo cáo ESG, nhưng việc áp dụng còn hạn chế. Chỉ số Phát triển bền vững (VNSI) dù hiệu quả hơn VN-Index song chưa phổ biến. Ngoài ra, các thách thức bao gồm sản phẩm tài chính xanh thiếu đặc thù, khung pháp lý chưa hoàn chỉnh, thẩm định rủi ro khó khăn do thiếu chuyên gia, thiếu cơ chế phối hợp và ưu đãi, độ lệch thời hạn giữa dự án xanh dài hạn và nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng. Thêm vào đó, nhận thức thị trường về ESG và tài chính xanh ở Việt Nam còn thấp, nhiều doanh nghiệp chưa tích hợp ESG vào hoạt động kinh doanh.
Net Zero không phải nhiệm vụ bất khả thi
Phó Tổng giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng cho rằng, khái niệm về kinh tế xanh không còn quá mới. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản về phát triển kinh tế chính sách về phát triển kinh tế xanh, nhưng để thực hiện hiệu quả cần những hành động cụ thể, rất quyết liệt, cũng như những chính sách hoàn toàn mới, mang tính đột phá.
Ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Phát triển cho biết, có nhiều chuyên gia cả trong nước và quốc tế tỏ vẻ ngạc nhiên khi Việt Nam cam kết tại COP 26 sẽ đạt mục tiêu phát thải ròng - Net Zero vào năm 2050, trong khi không ít quốc gia khác có trình độ phát triển kinh tế ngang tầm với chúng ta đẩy mốc Net Zero lùi về 2060. "Đây không phải là nhiệm vụ bất khả thi nếu chúng ta tập trung huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là trí lực", ông Đông nhấn mạnh.
Theo ông, Việt Nam cần bắt đầu bằng việc quy hoạch đô thị ưu tiên giao thông công cộng, hạn chế giao thông cá nhân, hạn chế dần và đi đến cấm xe chạy xăng, dầu trong đô thị. Quy hoạch nhà máy xử lý rác thải đô thị theo mô hình phân tán, ứng dụng công nghệ khí hóa cũng sẽ giúp giảm phát thải hàng trăm triệu tấn khí nhà kính mỗi năm.
Ngoài ra, việc quy hoạch kiến trúc các khu đô thị ứng dụng công nghệ tiên tiến để giảm tiêu thụ điện năng và gián tiếp giảm phát thải CO2. Ví dụ, tính toán hướng gió, hướng mặt trời hợp lý có thể giảm 2 - 3 độ C vi khí hậu đô thị, tương đương với việc giảm hàng tỷ kWh điện dùng cho điều hòa. Hay, ứng dụng công nghệ làm mát trung tâm cho cả khu phố, khu đô thị có thể giảm 40 - 50% lượng điện tiêu thụ so với điều hòa độc lập. Việc quản lý quy hoạch, giao thông, chất thải rắn, nước thải với những công nghệ hiện hữu sẽ góp phần giảm hàng trăm triệu tấn CO2 mỗi năm. Trên cơ sở đó, Việt Nam có cơ sở để tin tưởng rằng mục tiêu Net Zero vào năm 2050 theo cam kết quốc tế là khả thi - ông Đông chia sẻ.
TS. Cấn Văn Lực đề xuất các giải pháp về ban hành Danh mục "phân loại xanh," cơ chế đánh giá tác động môi trường, chính sách định hướng hành vi và hỗ trợ tài chính (thuế, phí, lãi suất, quỹ chuyển đổi xanh), thu hút đầu tư tư nhân, xây dựng hệ sinh thái tài chính xanh (mô hình 5Is), thành lập thị trường tín chỉ carbon, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở dữ liệu.
Đối với tín dụng xanh, theo ông, Việt Nam cần xây dựng quỹ tái cấp vốn, quy trình thẩm định chuyên biệt và đào tạo cán bộ. Chứng khoán xanh cũng cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp phát hành và tăng cường tuyên truyền. Mặt khác, việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam cũng là mục tiêu quan trọng để thu hút đầu tư quốc tế.