Cụ thể hơn, ở Pháp có một luật dành riêng cấm “khinh thường công chức” để bảo vệ các quan chức thi hành công vụ khỏi bị xúc phạm, lăng mạ, miệt thị, bắt nguồn từ Bộ luật Hình sự do Hoàng đế Napoléon Bonaparte ban hành năm 1810. Văn bản pháp lý chống khinh miệt này đã được sửa đổi bốn lần trong giai đoạn 1994-2017 để mở rộng phạm vi vi phạm và tăng hình phạt, chủ yếu là vì lý do chống khủng bố và chống lại các hành vi phạm pháp của trẻ vị thành niên.
Quá trình sửa đổi đạo luật về chống xúc phạm công chức ở Pháp phát triển như sau: Năm 1994, luật mở rộng bảo vệ đối với nhân viên công vụ, những người thực thi pháp luật. Năm 1996, luật tăng hình phạt đối với các tội do một nhóm thực hiện. Năm 2002, tăng hình phạt đối với các hành vi vi phạm trong khu vực trường học. Và đến năm 2017, tăng gấp đôi hình phạt đối với hành vi phạm tội nhắm vào nhân viên thực thi pháp luật.
Sau những sửa đổi này, các đặc điểm nổi bật của luật hiện tại được tóm tắt ngắn gọn dưới đây:
Công chức được bảo vệ: Luật bảo vệ người “nắm giữ công quyền” và người thi hành “nhiệm vụ công vụ”. Vì từ ngữ pháp lý có vẻ khá mơ hồ, các tài liệu của Chính phủ và các vụ kiện của tòa án cung cấp các ví dụ cụ thể. Nhóm đầu bao gồm các thẩm phán và nhân viên thực thi pháp luật (ví dụ: cảnh sát, nhân viên hải quan và nhân viên nhà tù). Nhóm sau bao gồm những người cung cấp dịch vụ công (ví dụ: tài xế xe buýt, nhân viên cứu hỏa, bưu tá, giáo viên và thậm chí là các quan chức thông qua bầu cử)
Hành vi xúc phạm bị nghiêm cấm: Hành vi xúc phạm được đặc trưng bởi 4 yếu tố chính. Đầu tiên, nó có thể ở dạng lời nói, cử chỉ, bài viết, hình ảnh và cách trình bày của các đối tượng khác. Thứ hai, nó phải được nhắm trực tiếp đến nạn nhân (tức là không thông qua các phương tiện truyền thông). Những lời xúc phạm thông qua các phương tiện truyền thông có thể bị truy tố theo Luật Tự do báo chí năm 1881. Mà theo luật này, người vi phạm chỉ bị phạt tiền chứ không bị ngồi tù. Thứ ba, nó nhằm mục đích xâm phạm nhân phẩm hoặc sự tôn trọng của nạn nhân, bất kể có sử dụng những lời tục tĩu hay không. Thứ tư, hành vi xúc phạm được thực hiện liên quan đến chức năng thực hiện nhiệm vụ công của nạn nhân. Tuy nhiên, việc xúc phạm một cán bộ lúc không thi hành công vụ vẫn có thể cấu thành hành vi phạm tội khi việc xúc phạm đó thực hiện vì vai trò công.

Nguồn: AFP
Hình phạt tối đa: Đối với tội miệt thị người thi hành công vụ, hình phạt tối đa là 7.500 euro và 6 tháng tù nếu vi phạm được thực hiện trong khu vực trường học hoặc bởi một nhóm. Đối với hành vi miệt thị người “nắm giữ quyền công quyền”, hình phạt tối đa là 1 năm tù và phạt 15.000 euro. Điều này sẽ bị tăng gấp đôi lên 2 năm tù và phạt 30.000 euro nếu hành vi phạm tội được thực hiện bởi một nhóm.
Bồi thường dân sự: Ngoài việc khiếu nại lên cảnh sát để truy cứu trách nhiệm hình sự, các nạn nhân có thể yêu cầu bồi thường thông qua các thủ tục tố tụng dân sự, thường dao động trong khoảng 300 euro đến 700 euro. Hơn nữa, họ có thể tìm kiếm sự trợ giúp pháp lý từ Chính phủ dựa trên luật pháp bảo vệ công chức.
Luật chống khinh thường công chức được áp dụng tích cực ở Pháp, với trung bình khoảng 28.310 vụ được xử lý mỗi năm trong giai đoạn 2009 - 2019, khi phạm vi bao phủ của luật được mở rộng sau khi sửa đổi năm 1994. Khoảng 2/3 trong số các vụ truy tố này dẫn đến kết án.
Tuy nhiên, việc thực thi luật gây tranh cãi ở xứ sở chú gà trống Gaulois. Nhiều người chỉ trích rằng, nó được sử dụng để trấn áp các cuộc biểu tình, đặc biệt là trong Phong trào Áo vàng năm 2018 - 2019. Tuy nhiên, Chính phủ Pháp và các nghiệp đoàn cảnh sát đã lên tiếng phản bác. Theo họ, luật pháp là cần thiết để khôi phục quyền hạn của cảnh sát và bảo vệ các sĩ quan khỏi bị quấy rối, đặc biệt là ở những khu vực nhiều tội phạm. Gần đây nhất vào tháng 4.2021, Hội đồng Hiến pháp đã khẳng định tính hợp hiến của luật khi xem xét lại Hiến pháp. Hội đồng tuyên bố, sự khinh thường các nhân viên thực thi công vụ “cấu thành sự lạm dụng quyền tự do ngôn luận”, phá hoại “trật tự công cộng và quyền của các bên thứ ba”.