Tên trang: Pháp luật quốc tế về chống các hành vi xúc phạm

Nhật Bản: Xúc phạm trên mạng sẽ phải đối mặt với án tù 1 năm

- Chủ Nhật, 03/07/2022, 06:11 - Chia sẻ

Giữa tháng 6 vừa qua, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự nhằm quy định các hình phạt cứng rắn hơn đối với hành vi xúc phạm, lăng mạ trên không gian mạng. Theo các chuyên gia, đây được coi là bước đi quan trọng nhằm giải quyết vấn nạn bắt nạt trên internet ở đất nước mặt trời mọc.

Tăng mạnh hình phạt

Theo đó, dự luật sẽ bổ sung thời hạn án tù 1 năm và tiền phạt lên đến 300.000 yen (tương đương 2.220 USD) đối với những người bị kết án. Động thái này đánh dấu sự thay đổi lớn so với việc chỉ giam giữ ngắn hạn (30 ngày) và tiền phạt dưới 10.000 yen (75 USD) trong pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, một đề xuất thống nhất hai loại hình phạt tù là phạt tù có lao động và phạt tù không lao động thành một hình phạt duy nhất cũng đã được thông qua. Trước đó, dự luật đã được Hạ viện bật đèn xanh. Dự kiến, các quy định mới sẽ chính thức được ban hành vào cuối năm nay.

Thực tế, dự luật sửa đổi Bộ luật Hình sự liên quan đến hành vi xúc phạm đã gây tranh cãi trong nước, vì những người phản đối cho rằng nó có thể cản trở quyền tự do ngôn luận và quyền chỉ trích giới cầm quyền. Tuy nhiên, những người ủng hộ lập luận, luật pháp cứng rắn hơn là cần thiết để trấn áp các hành vi bắt nạt trên mạng và quấy rối trực tuyến. Vì vậy, các cuộc tranh luận tại Quốc hội Nhật Bản đã phải tập trung hết sức vào việc làm thế nào để cân bằng giữa các quy định cứng rắn hơn với quyền tự do ngôn luận được quy định trong Hiến pháp Nhật Bản. Cuối cùng, văn bản pháp lý trên chỉ được thông qua sau khi được bổ sung một điều khoản, theo đó yêu cầu luật được kiểm tra lại ba năm sau khi có hiệu lực để đánh giá tác động của nó đối với quyền tự do ngôn luận.

Theo Bộ luật Hình sự của Nhật Bản, xúc phạm được định nghĩa là công khai hạ thấp vị thế xã hội của ai đó mà không đề cập đến sự kiện cụ thể về họ hoặc một hành động cụ thể. Tội này khác với tội phỉ báng, được định nghĩa là hạ thấp công khai một người nào đó trong khi chỉ ra các sự kiện cụ thể. Cả hai hành vi trên đều bị trừng phạt theo luật. Tuy nhiên, tội phỉ báng theo luật định hiện hành sẽ bị phạt tù có lao động hoặc không lao động lên đến ba năm, hoặc phạt tiền lên đến 500.000 yên, nặng hơn so với tội xúc phạm. Bộ Tư pháp Nhật Bản cho hay, hình phạt theo luật định cho hành vi phỉ báng là nặng nhưng hợp lý. Ngày càng nhiều người nhận thức rằng, hành vi bôi nhọ và vu khống trực tuyến cần được xử lý nghiêm minh, vì đôi khi chúng có thể dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng, bao gồm cả tử vong. Vì vậy, theo Bộ Tư pháp, hình phạt cho hành vi xúc phạm cần phải nghiêm như hình phạt cho hành vi phỉ báng.

Hiện, theo dự luật mới, vẫn còn chưa rõ những lời xúc phạm sẽ bị trừng phạt ở mức độ nào. Nhiều ý kiến băn khoăn về việc không dễ gì phân biệt được đâu là lời lăng mạ và đâu là chỉ trích chính đáng.

Vì sao Israel phải liên miên tổ chức bầu cử ?,Bài 1- Nhật Bản: Xúc phạm trên mạng sẽ phải đối mặt với án tù 1 năm
Nguồn: ITN

Từ cái chết của một ngôi sao

Quốc hội Nhật Bản đã thúc đẩy việc sửa đổi pháp luật về cấm bôi nhọ trên môi trường internet từ tháng 1.2022 sau khi dư luận phẫn nộ trước vụ việc một nữ đô vật và là ngôi sao truyền hình thực tế nước này là Hana Kimura bị bôi nhọ trên mạng, dẫn đến việc tự kết liễu đời mình ở tuổi 22. Tờ Japan Times từng đưa tin, sau cái chết của Hana, hai người đàn ông ở Osaka và Fukui đã bị phạt mỗi người 9.000 yen (khoảng 86 USD) vì đã đăng những lời xúc phạm về cô. Tuy nhiên, nhiều người dân Nhật Bản chỉ trích rằng hình phạt này quá nhẹ, đồng thời kêu gọi phải có hình phạt răn đe nghiêm hơn nữa cho phù hợp với tình hình mới. Thực tế, vấn nạn quấy rối trực tuyến nổi lên ở xứ sở hoa anh đào trong vài năm qua, với những lời kêu gọi ngày càng tăng về việc phải đưa ra luật chống bắt nạt trên mạng.

Hana Kimura, người được biết đến với vai diễn trong chương trình Netflix “Terrace House”, mất vì tự tử năm 2020, đã gây sốc trên toàn đất nước Nhật Bản. Nhiều người ​​chỉ ra rằng, cô đã phải chịu sự lạm dụng kéo dài thông qua những từ ngữ xúc phạm trực tuyến từ những người dùng mạng xã hội trong nhiều tháng, dẫn đến cái chết đầy thương tâm. Ngay sau khi Hana qua đời, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Nhật Bản đã đề cập đến nguy cơ bắt nạt trên mạng, đồng thời cam kết đẩy nhanh các cuộc thảo luận về xây dựng, bổ sung, sửa đổi luật pháp có liên quan.

Mẹ của Kimura, cựu đô vật chuyên nghiệp Kyoko Kimura, đã vận động cho luật chống bắt nạt trực tuyến mạnh mẽ hơn sau cái chết của con gái, và thành lập một tổ chức phi lợi nhuận có tên “Remember Hana” (Tưởng nhớ Hana) để nâng cao nhận thức về bắt nạt trên mạng. Ngay sau khi dự luật sửa đổi được Thượng viện thông qua, bà tổ chức một cuộc họp báo ca ngợi luật pháp mới. “Tôi muốn mọi người biết rằng bắt nạt trên mạng là tội ác”.

Linh Anh