Năm 2020, chúng ta phải ứng phó với đại dịch Covid - 19, với quan điểm chỉ đạo chúng ta chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm an toàn tính mạng người dân. Nhưng kết quả cuối cùng đạt được đã làm cho thế giới phải ngưỡng mộ về thành công trong kiểm soát dịch cũng như là nước dẫn đầu trong khu vực về tăng trưởng kinh tế, một trong những “ngôi sao sáng” của thế giới về mức tăng trưởng kinh tế dương.
Trong bối cảnh gặp muôn vàn khó khăn, nhưng chúng ta vẫn đạt được thành tựu như trên, điều đó cho phép chúng ta có quyền ước mơ đến khát vọng phồn vinh, đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Vấn đề là làm thế nào để khát vọng trên sẽ trở thành hiện thực. Có nhiều tiêu chí để xếp các nước vào nhóm các nước phát triển. Có 2 tiêu chí rất cơ bản, đó là chỉ số về HDI (chỉ tiêu tổng hợp của 3 chỉ số về giáo dục, chăm sóc sức khỏe và thu nhập) phải đạt từ 0,8 trở lên và mức GDP bình quân đầu người phải đạt được trên 40.000 USD. HDI của Việt Nam hiện đang đạt 0,693, được xếp vào nhóm cao của nước phát triển khá, có nghĩa chúng ta chỉ thiếu 0,07 sẽ đạt được nhóm có HDI cao, trong khi thu nhập quốc dân của chúng ta thấp.
Như vậy, mấu chốt để Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao sẽ phụ thuộc chủ yếu vào vấn đề làm thế nào để tăng trưởng kinh tế đạt được mốc 40.000 USD vào năm 2045. Về lý thuyết, nếu chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6,5 - 7%/năm thì cứ sau 10 năm, chúng ta có mức tăng lên gấp đôi. Như vậy, đến năm 2030 tính theo GDP đã được tính lại, thì GDP bình quân đầu người cũng chỉ đạt được từ 7.000 - 8.000 USD, đến năm 2045 chúng ta cũng chỉ có thể đạt được từ 20.000 - 25.000 USD. Như vậy, khoảng cách của chúng ta với các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc và Malaysia còn giãn cách.
Theo kinh nghiệm của các nước, cất cánh trở thành những con rồng châu Á thì phải có giai đoạn tăng trưởng rất cao, có thể đạt đến 10%/năm dựa vào đầu tư, đổi mới, sáng tạo và chuyển giao công nghệ, phát triển các tập đoàn lớn làm trụ cột trong chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng. Tôi đề nghị trong chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, trước hết, phải tập trung nguồn lực đầu tư và hỗ trợ để phát triển những tập đoàn kinh tế mạnh, làm trụ cột cho các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế. Cần lưu ý rằng, các tập đoàn kinh tế tư nhân nếu được hỗ trợ của Chính phủ có thể thực hiện được những mục tiêu này nhanh hơn, hiệu quả hơn nhiều so với các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.
Thứ hai, cần ưu tiên nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Chỉ có đổi mới sáng tạo mới có khả năng đặt chân vào các khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị để tăng năng suất lao động, tạo ra được mức tăng trưởng đột phá. Và, các trường đại học chính là “cái nôi” của nguồn nhân lực chất lượng cao để đổi mới sáng tạo. Mức đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam hiện rất thấp, chỉ chiếm 0,33% GDP, trong khi các nước OECD có số lượng sinh viên ít hơn và quy mô GDP thì lớn hơn, mức đầu tư giáo dục đại học cũng đã chiếm đến 1,1% GDP. Mức chi cho giáo dục của một sinh viên ở trường đại học top đầu Việt Nam hiện nay cũng chỉ chiếm bằng 1/10 - 1/15 của sinh viên các nước phát triển. Tuy vậy, sản phẩm đào tạo trong nước của trường đại học top đầu vẫn được các nhà tuyển dụng đánh giá không có sự khác biệt rõ ràng về năng lực chuyên môn so với người tốt nghiệp ở nước ngoài, trừ trình độ ngoại ngữ. Vì vậy, phải tập trung đầu tư cho cơ sở giáo dục đại học để các trường top đầu trở thành các trường đẳng cấp quốc tế thì sẽ nhanh và hiệu quả hơn nhiều lần so việc chúng ta đang dành tiền để đầu tư cho các trường mới để những trường này trở thành trường đẳng cấp quốc tế.
Thứ ba, phải huy động các nguồn lực vốn lớn cho đầu tư phát triển. Kinh nghiệm các nước, trải qua giai đoạn phát triển thành công cho thấy vấn đề không phải là Chính phủ đi tìm cách để làm, để hạ thấp tỷ lệ nợ công mà vấn đề cốt yếu là phải làm thế nào để quản lý nợ công một cách có hiệu quả. Chúng ta đang chuyển sang giai đoạn là thu hút FDI có chọn lọc và tỷ lệ nợ công của Việt Nam ở đây đang giảm xuống một mức khá thấp. Do vậy, tôi cho rằng, phải nghĩ đến chiến lược đi huy động nguồn tiền bên ngoài vào để các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước vay để tự đầu tư, kinh doanh sẽ có hiệu quả hơn nhiều lần so với chúng ta dựa vào các nguồn vốn đầu tư FDI từ bên ngoài để tạo ra sự cạnh tranh với chính sự phát triển của các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước.
Mong rằng, tất cả những quan điểm trên không phải chỉ nằm trong kế hoạch của 2021 - 2025, mà phải trở thành đường lối hành động cho Chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2030 trong nghị quyết của Đảng cũng như là chiến lược phát triển của Chính phủ hành động trong thời gian tới.