Gia hạn cắt giảm đến cuối 2025
Theo chính sách sản lượng chính thức của OPEC+, khối này đã đồng ý gia hạn mức cắt giảm 3,66 triệu thùng/ngày đã công bố vào năm 2022 và 2023, thêm một năm, kéo dài cho đến tháng 12.2025. Như vậy OPEC+ sẽ khai thác tổng cộng 39,725 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2025, ngang bằng với mức sản lượng chính thức của năm nay, với tổng lượng cắt giảm là 3,66 triệu thùng/ngày.
Ngoài ra, một nhóm gồm 8 nước trong OPEC+, dẫn đầu là Ảrập Xêút và Nga, tuyên bố sẽ gia hạn kế hoạch giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày, thêm 3 tháng, tức là vào tháng 9.2024. “Sau đó, lượng cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày sẽ dần được dỡ bỏ hàng tháng, đến cuối tháng 9.2025 sẽ không còn kế hoạch cắt giảm này”, tuyên bố của OPEC+ cho biết.
Như vậy, ở thời điểm hiện tại, OPEC+ hiện đang thực hiện giảm sản lượng tổng cộng 5,86 triệu thùng/ngày, tương đương 5,7% nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông dịu đi, giá dầu thế giới hiện đã giảm khoảng 10% sau khi đạt đỉnh 5 tháng vào đầu tháng 4.
Giá dầu thô Brent đang giao dịch ở mức gần 80 USD/thùng trong những ngày gần đây, thấp hơn mức mà nhiều thành viên OPEC+ cần để cân bằng ngân sách của mình. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ảrập Xêút cần giá dầu Brent ở mức khoảng 81 USD/thùng để cân bằng ngân sách chính phủ.
Giá dầu khó tăng một phần do sản lượng khai thác dầu của Mỹ đạt kỷ lục, một phần khác do mối lo về sự ảm đạm của nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - và các nền kinh tế lớn khác. Trong báo cáo hàng tháng gần đây nhất, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm nay sẽ chỉ tăng khoảng 140.000-1,1 triệu thùng/ngày do nhu cầu yếu tại các nền kinh tế phát triển, nhất là châu Âu.
OPEC dự kiến nhu cầu đối với dầu thô OPEC+ sẽ đạt trung bình 43,65 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2024, tương đương với mức tồn kho giảm 2,63 triệu thùng/ngày nếu nhóm này duy trì sản lượng ở mức 41,02 triệu thùng/ngày trong tháng 4. Mức tồn kho sẽ giảm ít hơn khi OPEC+ bắt đầu loại bỏ dần việc cắt giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày vào tháng 10.
Ông Amrita Sen, đồng sáng lập của tổ chức nghiên cứu Energy Aspects, cho biết: “Thỏa thuận này sẽ xoa dịu nỗi lo của thị trường về việc OPEC+ bổ sung thêm dầu vào thời điểm mà mối lo ngại về nhu cầu vẫn còn đầy rẫy”. Trước đó, các nhà phân tích đã dự đoán OPEC+ sẽ kéo dài thời gian cắt giảm tự nguyện thêm vài tháng do giá dầu giảm và nhu cầu trì trệ.
Hoãn đề ra mục tiêu sản lượng
Một trong những bất ngờ của cuộc họp ngày 2.6 là OPEC+ đã quyết định hoãn xem xét vấn đề năng lực sản xuất của từng thành viên đến tháng 11.2025. Thay vào đó, nhóm này đã đồng ý rằng họ sẽ sử dụng số liệu công suất được đánh giá độc lập làm hướng dẫn cho sản lượng năm 2026 thay vì năm 2025 - một quyết định đã giúp OPEC+ tránh được một cuộc thảo luận khó khăn.
Hoàng tử Abdulaziz cho biết một trong những lý do dẫn đến sự chậm trễ trong việc đánh giá năng lực sản xuất là các nhà tư vấn độc lập chưa thể đánh giá dữ liệu của Nga trong bối cảnh nước này đang phải chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Mục tiêu sản lượng được các nhà quan sát dự đoán sẽ là nội dung căng thẳng nhất trong cuộc họp. Chẳng hạn, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất muốn thúc đẩy hạn ngạch sản xuất cao hơn, cho rằng con số công suất của họ từ lâu đã bị đánh giá thấp. Tuy nhiên, tại cuộc họp, OPEC+ đã đồng ý cho UAE tăng dần mục tiêu sản lượng thêm 0,3 triệu thùng/ngày, tăng từ mức 2,9 triệu thùng hiện tại.
Các nguồn tin của OPEC+ cho biết Hoàng tử Abdulaziz, Bộ trưởng có ảnh hưởng nhất trong nhóm OPEC, đã dành nhiều ngày để chuẩn bị cho thỏa thuận này ở hậu trường. Ông đã mời một số bộ trưởng chủ chốt - chủ yếu là những người đóng góp vào việc cắt giảm tự nguyện - tới thủ đô Riyadh của Ảrập Xêút dù các cuộc họp trước đó chủ yếu được tiến hành trực tuyến. Các quốc gia đã tự nguyện cắt giảm sản lượng là Algeria, Iraq, Kazakhstan, Kuwait, Oman, Nga, Ảrập Xêút và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất.
Ông Amrita Sen đánh giá: “Đây nên được coi là một chiến thắng to lớn của sự đoàn kết và của cá nhân Bộ trưởng Abdulaziz”, đồng thời cho biết thêm rằng thỏa thuận này sẽ làm giảm bớt lo ngại về việc Ảrập Xêút bổ sung thêm sản lượng cho Aramco's của nước này.
Vấn đề về mục tiêu sản lượng thường xuyên gây ra những bất đồng mạnh mẽ trong nội khối. Một số quốc gia có trữ lượng sản xuất đáng kể hoặc những quốc gia khác chỉ đơn giản muốn bơm thêm dầu sẽ không muốn thực hiện nếu không có nguồn thu sinh lợi từ dầu mỏ. Angola đã rời OPEC vào cuối năm 2023, do không hài lòng với mục tiêu sản lượng đã được giao.