Xây dựng nền kinh tế xanh, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên
Những năm gần đây biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, tần suất thiên tai, hạn hán, lũ lụt ngày càng nhiều, diễn biến bất thường và các điều kiện khí hậu cực đoan. Những ưu thế của vùng đồng bằng sông Cửu Long đang bị mai một do các tác động của biến đổi khí hậu, khai thác quá mức và các yếu tố môi trường khác.
Một trong những nguy cơ lớn nhất là biến đổi khí hậu, gây ra các hiện tượng như xâm nhập mặn, hạn hán và lũ lụt. Điều này dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Theo các chuyên gia, đòi hỏi hành động khẩn cấp để giảm thiểu tác động. Bên cạnh đó, phân mảnh sản xuất, với đất đai trồng trọt nhỏ lẻ và thiếu sự liên kết giữa các nông dân, khiến cho hiệu quả sản xuất chưa cao và khó tạo ra giá trị gia tăng. Rủi ro thị trường là một thách thức lớn, khi mùa màng và giá cả biến động không ổn định, làm giảm thu nhập của nông dân. Thiếu ứng dụng công nghệ trong sản xuất cũng dẫn đến năng suất thấp, trong khi ô nhiễm môi trường gia tăng do việc sử dụng quá mức các hóa chất và khai thác tài nguyên không bền vững.
Để ứng phó với những thách thức trên, việc xây dựng nền kinh tế xanh, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cải thiện hiệu quả sản xuất, ứng phó với hiệu quả với biến đổi khí hậu là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững. Theo đó, mô hình nông nghiệp xanh là mô hình được đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh triển khai. Bởi lẽ, nông nghiệp xanh mang lại nhiều lợi ích, có tác động tích cực đến hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội, giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Thay đổi tư duy sản xuất
Một số mô hình nông nghiệp xanh đã được nghiên cứu ứng dụng, ngày càng hoàn thiện; nhiều quy trình sản xuất nông nghiệp xanh đã được xây dựng, sản xuất nông nghiệp xanh được duy trì phát triển bởi những người tâm huyết, quan tâm đến môi trường, sức khỏe cộng đồng và các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp chính xác, bảo vệ rừng và trồng dược liệu dưới tán rừng…
Về chuyển đổi sản xuất nông nghiệp xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long thì vùng có diện tích tự nhiên 4.092.000 ha, với 2.575.000 ha đất sử dụng canh tác nông nghiệp; trong đó: diện tích gieo trồng lúa: hơn 3.823.000 ha, sản lượng đạt: 23 - 24 triệu tấn lúa; chiếm trên 55% sản lượng lúa và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Phát thải khí nhà kính trong hệ thống sản xuất lúa với canh tác lúa nước phát thải trung bình 43,79 triệu tấn CO2 tương đương/năm, chiếm 49,35% tổng lượng phát thải nông nghiệp và 15,42% tổng lượng phát thải khí nhà kính cả nước.
Nhiều chương trình, dự án thực hiện xuyên suốt, kiên trì để hỗ trợ người nông dân tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học vào mô hình canh tác cây lúa nước theo hướng phát triển bền vững, có thể kể đến như: Chương trình 3 giảm 3 tăng, chương trình 1 phải 5 giảm, tiết kiệm nước, ngập khô xen kẻ, tái sử dụng các phụ phẩm trong chuỗi giá trị lúa gạo, chương trình phát triển giống cây trồng, sử dụng giống lúa xác nhận, chương trình giảm lượng giống gieo sạ xuống 120 kg/ha rồi đến 60 - 80 kg/ha, chương trình IPM, ICM, IPHM, chương trình ứng dụng công nghiệp công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, chương trình cơ giới hóa trong nông nghiệp, chương trình sản xuất đạt SRP, chương trình nâng cao chất lượng lúa gạo VietGAP, GlobalGAP, sản xuất sinh thái, hữu cơ…
Dấu ấn trong liên kết tổ chức quốc tế đưa cuộc cách mạng xanh thay đổi tư duy sản xuất lúa qua các dự án như: dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT - WB), triển khai tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2015-2022, trên diện tích 180.000 ha lúa, hiện nay, HTX đã tự mở rộng được hơn 8.000 ha và Dự án sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính AgResults - SNV tại Thái Bình năm 2016-2021.