Nhìn chung, các bản hiến pháp trên thế giới được thông qua (ban hành) bằng những cách thức sau đây: hiến pháp do Hội nghị lập hiến soạn thảo thông qua; do Quốc hội lập hiến hoặc Quốc hội lập pháp thông qua nhưng theo một trình tự, thủ tục đặc biệt; do trưng cầu ý dân; hoặc hiến pháp do người đứng đầu Nhà nước (thường là nhà vua) ban hành.
![]() | |
Các nghị sỹ sẵn sàng ấn nút biểu quyết thông qua Hiến pháp | Nguồn: Novinite |
Người đứng đầu nhà nước ban hành hiến pháp: Trong các cách thức thông qua (ban hành) hiến pháp nói trên, Hiến pháp do người đứng đầu nhà nước ban hành là kém dân chủ nhất. Ví dụ, Hiến chương năm 1814 của Pháp, Hiến pháp Nhật Bản năm 1889, Hiến pháp Morocco năm 1911.
Hội nghị lập hiến: Bản hiến pháp thành văn đầu tiên trên thế giới là bản Hiến pháp của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1787 do Hội nghị lập hiến soạn thảo và thông qua. Hội nghị lập hiến gồm đại biểu đại diện cho 13 bang của nước Mỹ lúc bấy giờ. Hội nghị ban đầu vốn chỉ nhằm mục tiêu sửa đổi các Điều khoản Hợp bang. Nhưng sau đó, các đại biểu Hội nghị đã soạn thảo một bản Hiến pháp để thay thế cho các Điều khoản Hợp bang nhằm thành lập một chính quyền liên bang mạnh, có đủ ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp. 39 trong tổng số 55 đại biểu tham dự Hội nghị đã ký vào bản dự thảo Hiến pháp. Theo quy định, khi nào có 9 bang (tức 3/4) trên tổng số 13 bang phê chuẩn thì Hiến pháp có hiệu lực. Ngày 7.12.1787, bang Delaware là bang đầu tiên phê chuẩn Hiến pháp, đến ngày 21.6.1788, bang New Jersey là bang thứ 9 phê chuẩn và Hiến pháp Hoa Kỳ bắt đầu có hiệu lực. Đến tháng 1.1789, tất cả các bang của Hoa Kỳ đều phê chuẩn Hiến pháp.
![]() Chuẩn bị phiếu cho cuộc trưng cầu dân ý sửa đi Hiến pháp ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2010 |
Nguồn: AP |
Quốc hội thông qua hiến pháp: Phần lớn các bản hiến pháp hiện hành do Quốc hội thông qua. Trên thế giới, người ta phân biệt hai loại Quốc hội: Quốc hội lập hiến và Quốc hội lập pháp. Quốc hội lập hiến: là Quốc hội được thành lập ra để thực hiện một vụ duy nhất (hoặc nhiệm vụ chủ yếu) là soạn thảo và thông qua bản Hiến pháp. Quốc hội lập hiến thường do nhân dân (cử tri) bầu ra theo nguyên tắc bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Quốc hội lập hiến chấm dứt hoạt động sau khi thông qua bản Hiến pháp. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Quốc hội lập pháp được thành lập và về nguyên tắc Quốc hội này chỉ được thực hiện quyền lập pháp theo quy định của Hiến pháp. Ví dụ, Quốc hội lập hiến Italy được thành lập để thông qua Hiến pháp 1947, ở Pháp (năm 1946), ở Bồ Đào Nha và Hy Lạp (năm 1975), ở Bungaria (1990), Romania (1991)... Có trường hợp, sau khi thông qua hiến pháp, Quốc hội lập hiến không giải thể mà chuyển thành Quốc hội lập pháp như ở Hy Lạp năm 1975.
Trong số Quốc hội lập hiến nói trên, có Quốc hội lập hiến được thành lập để soạn thảo hiến pháp, sau đó dự thảo hiến pháp được đưa ra trưng cầu ý dân để nhân dân quyết định cuối cùng (thông qua), như: Quốc hội lập hiến của Italy năm 1947, Bồ Đào Nha năm 1975, Tây Ban Nha năm 1978, Romania năm 1991… Còn lại là các Quốc hội lập hiến vừa thực hiện nhiệm vụ soạn thảo hiến pháp, vừa đồng thời thông qua hiến pháp do mình soạn thảo.
Quốc hội vừa lập hiến, vừa lập pháp: là Quốc hội được thành lập không phải với nhiệm vụ duy nhất là soạn thảo và thông qua Hiến pháp, mà ngoài nhiệm vụ này còn thực hiện những chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khác. Đây là mô hình Quốc hội được áp dụng phổ biến ở các nước XHCN trước đây, của Việt Nam, Trung Quốc hiện nay.