Ngày càng khẳng định vai trò then chốt
Sau gần 40 năm thực hiện chính sách đổi mới, doanh nghiệp, doanh nhân đã luôn khẳng định được vai trò then chốt trong nền kinh tế. Minh chứng là, đến nay, cả nước đã có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh.
Chỉ tính riêng năm 2023, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động. Trong đó, đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích luỹ đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, như: Tập đoàn Vingroup, Thaco, Hòa Phát…
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp tư nhân lớn đã chủ động chuyển đổi, mạnh dạn đầu tư vào các ngành công nghiệp mới; tiên phong đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng xanh, tuần hoàn; từng bước phát triển trở thành lực lượng dẫn dắt, lan tỏa, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh được hưởng lợi từ mối liên kết kinh doanh với các doanh nghiệp dẫn đầu này.
Không chỉ tạo ra doanh thu, góp phần tăng trưởng kinh tế, các doanh nghiệp tư nhân lớn cũng đã và đang đóng góp quan trọng cho công tác bảo đảm an sinh xã hội, phòng chống dịch bệnh, thiên tai, cứu trợ nhân dân bị nạn… Mới nhất, trong công tác khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 (bão Yagi), các doanh nghiệp tư nhân lớn, trong đó có những doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề, đã đóng góp lên tới hàng trăm tỷ đồng cho công cuộc tái thiết.
Liên kết doanh nghiệp nhỏ và vừa thế nào?
Hiện, khu vực doanh nghiệp tư nhân lớn nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao. Dẫn ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 80% lợi nhuận toàn cầu được tạo ra bởi 10% doanh nghiệp lớn nhất, các doanh nghiệp lớn bình quân đóng góp đến 1/3 kim ngạch xuất khẩu, một nửa tốc độ tăng xuất khẩu của quốc gia.
Tại Việt Nam, chỉ tính riêng các doanh nghiệp lớn tham dự hội nghị này, tổng tài sản đạt khoảng 70 tỷ USD vào cuối năm 2023. Nếu huy động được khối tài sản này, cùng với công nghệ, trình độ quản trị, nguồn nhân lực chất lượng cao, sẽ bổ sung một nguồn lực lớn cho nền kinh tế.
Tuy vậy, đây vẫn đang là bài toán khó! Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, khu vực tư nhân nói riêng, vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Các doanh nghiệp lớn còn nhiều rào cản, hạn chế; chưa phát huy hết tiềm lực, chưa thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt như kỳ vọng. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột địa chính trị, đứt gãy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào...
Không những thế, mặc dù đã xuất hiện đội ngũ doanh nghiệp vừa và lớn song chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng. Tỷ trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là trong các lĩnh vực mới như sản xuất năng lượng sạch, chip, vi mạch, bán dẫn, hydrogen... thấp, chưa có các dự án quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, tạo sức lan tỏa lớn.
Đáng chú ý, hiện, các doanh nghiệp lớn hoạt động còn tương đối độc lập, tính liên kết, lan tỏa, dẫn dắt chưa thể hiện rõ khi tỷ lệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn trong nước và FDI còn thấp…
Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10.10.2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, đặt mục tiêu đến năm 2030, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.
Để cụ thể hóa được mục tiêu đó là nhiệm vụ không đơn giản, nhất là khi bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến khó lường; trong nước, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai… Đặt trong bối cảnh của năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá cho kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, nếu phát huy được các động lực tăng trưởng, trong đó có vai trò của các doanh nghiệp tư nhân lớn, chắc chắn sẽ đóng góp quan trọng để thực hiện thắng lợi kế hoạch đề ra.
Và bởi thế, rất nhiều trông đợi, cả những kỳ vọng đang đặt ra cho “Hội nghị Diên Hồng” đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân lần này; đó không chỉ bàn về những khó khăn của các doanh nghiệp lớn, đề ra được giải pháp tháo gỡ, mà cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực mới như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), xe điện... cũng như trong việc thực hiện cam kết phát triển bền vững, hướng đến phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Đặc biệt, trong bối cảnh 98% doanh nghiệp ở nước ta có quy mô nhỏ và vừa, hội nghị cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp tư nhân lớn trong việc liên kết, dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này cùng tham gia phát triển theo chuỗi giá trị. Khi đó, vai trò tiên phong, dẫn dắt của các doanh nghiệp tư nhân lớn mới được khẳng định, qua đó góp phần cụ thể hóa các mục tiêu mà Nghị quyết số 41-NQ/TW đã đề ra.