Sự phục hồi tích cực của nền kinh tế Việt Nam
-Ông nhận định như thế nào về con số tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022? Những con số này nói lên điều gì về sức chống chịu cũng như sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, thưa ông?
- Năm 2022, khả năng cao chúng ta sẽ đạt được con số tăng trưởng kinh tế trên 8%, khi mà mức tăng trưởng quý 3 đạt 13,67% và 9 tháng đầu năm đã đạt 8,83% so cùng kỳ năm trước. Bây giờ đã trung tuần tháng 11 rồi và với diễn tiến kinh tế này, chỉ cần quý 4 đạt mức 6% thì cả năm sẽ đạt mức 8,1%.
Rõ ràng đây là một con số khá ấn tượng khi so sánh với thành tích các nước trên thế giới và trong khu vực, thể hiện sức chống chịu dẻo dai của doanh nghiệp, của người dân, và của Chính phủ Việt Nam cũng như sự phục hồi tích cực của cả nền kinh tế Việt Nam nói chung. Nhiều tổ chức quốc tế và trong nước cơ bản đều có nhận định lạc quan như vậy.
Đóng góp vào thành tích này phải kể đến sự thành công của chính sách chống dịch Covid-19 của Việt Nam nói chung, tác động tích cực của các gói hỗ trợ hồi phục kinh tế, chủ lực là chính sách tài khóa mở rộng, nói riêng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy kinh tế Việt Nam có một độ trễ, độ lệch nhịp đáng kể so với kinh tế thế giới. Cụ thể, khi thế giới đã bước qua giai đoạn phục hồi mạnh, đang chững lại hoặc suy giảm, thì quý 3 vừa rồi chúng ta mới đạt đỉnh hồi phục (một phần nhờ yếu tố nền quý 3 năm trước của ta rất thấp, âm 6,17%) ...
- Chính vì vậy Chính phủ cũng đã dự kiến chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 2023 thấp đi so mức ước tính của năm nay và nếu đạt được kế hoạch đó cũng rất tích cực rồi. Theo ông, đâu là động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam trong năm 2023?
- Tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, rủi ro địa chính trị quốc tế và khu vực đang ở mức rất cao và khó lường định. Kinh tế thế giới đang đối mặt với nguy cơ suy thoái, còn Việt Nam, với độ lệch nhịp như đã đề cập, tốc độ tăng trưởng kinh tế 2023 sẽ chậm trở lại, trong khi áp lực lạm phát sẽ được bộc lộ đầy đủ hơn, đồng thời các vấn đề trục trặc về an toàn vĩ mô sẽ nảy sinh.
Lý do tăng trưởng chậm lại là: (i) nền kinh tế đã và đang quay trở lại mức bình thường của thời “tiền dịch Covid”; (ii) cầu kinh tế thế giới suy giảm với các điều kiện tiền tệ đang bị thắt chặt; (iii) các động lực tăng trưởng chính của ta có khá ít sự cải thiện mang tính đột phá.
Như chúng ta đều biết, các động lực tăng trưởng chính yếu của kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn gồm: đầu tư nước ngoài, xuất khẩu và đầu tư công.
Với hai động lực đầu, xu hướng khó khăn khách quan là có thể thấy được, khi mà lãi suất quốc tế tăng nhanh khiến dòng vốn quốc tế đang bị rút ra khỏi các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển quay về Mỹ, đồng thời cầu kinh tế thế giới suy giảm, đặc biệt ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của ta.
Với động lực thứ 3, dù nguồn tài lực của ta đang khá dồi dào, nhưng nhiều rào cản, vướng mắc cố hữu vẫn đang tiếp tục kìm hãm tiến độ giải ngân đầu tư công theo kế hoạch.
Thúc đẩy giải ngân đầu tư công là giải pháp cần quan tâm số 1
- Với triển vọng tăng trưởng trong năm 2023 của Việt Nam như trên, ông đánh giá về các rủi ro mà nền kinh tế sẽ phải đối mặt? Cần lưu ý những gì để sự phục hồi diễn ra thuận lợi, đạt được mục tiêu tăng trưởng đã định?
- Những rủi ro cho triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 chủ yếu đến từ yếu tố quốc tế đầy bất định, khó lường đoán. Triển vọng kinh tế thế giới đang xấu đi khi kinh tế đứng trước nguy cơ suy giảm, thậm chí suy thoái, trong khi lạm phát cao đã bùng nổ trên toàn cầu. Phản ứng chính sách quyết liệt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Fed, theo đó là của nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới nhằm chống lạm phát, đã khiến thị trường tài chính quốc tế nhiều phen chao đảo, kéo theo sự rung lắc của thị trường tài chính – tiền tệ trong nước với áp lực tỉ giá lẫn áp lực lãi suất và thanh khoản hệ thống.
Bên cạnh yếu tố khách quan này, những yếu kém, bất cập trong nước tích tụ qua thời gian dài, nay gặp điều kiện bên ngoài bất lợi, đã và đang hiện ra. Cụ thể như nguy cơ rủi ro chéo đang gia tăng trên thị trường tài chính – tiền tệ Việt Nam với mắt xích xung yếu nằm ở “trái phiếu doanh nghiệp bất động sản”.
Như vậy, việc phân tích bối cảnh kỹ lưỡng và đánh giá nội lực cẩn trọng để từ đó đề ra được các chính sách, giải pháp, biện pháp phù hợp, khôn khéo, hiệu quả nhằm đạt tới mục tiêu tăng trưởng dự kiến, là hết sức quan trọng.
Dù không mới nhưng vẫn cần nhấn mạnh rằng, thúc đẩy giải ngân đầu tư công nên là giải pháp cần quan tâm số 1.
Lý do là lượng tồn đọng ngân quỹ quốc gia đang ngày càng phình lên chủ yếu bởi tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm trong khi Ngân sách nhà nước kết dư lớn. Điều này có nghĩa dòng vốn lưu chuyển trong toàn nền kinh tế đang bị chậm lại, tác động lan tỏa dự tính mất đi và chi phí cơ hội tăng lên.
Đồng thời cần chú trọng các giải pháp nhằm củng cố, tăng cường an toàn vĩ mô, trong đó có lưu tâm đầy đủ, đúng mức tới nguy cơ rủi ro chéo đang hiện hữu trên thị trường tài chính – tiền tệ Việt Nam, xuất phát từ suy giảm của khu vực bất động sản, chứng khoán.
- Đúng như ông vừa đề cập, năm 2022, bất động sản, chứng khoán có dấu hiệu chững lại, tình hình giao dịch có dấu hiệu sụt giảm, điều này tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Theo ông, cần phải có giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ phía Nhà nước ra sao?
- Như vừa đề cập, một trong những rủi ro đối với triển vọng kinh tế Việt Nam đến từ chính trong nước. Đó là sự chững lại và sụt giảm của các thị trường bất động sản, chứng khoán.
Giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ phía Nhà nước tất nhiên đó phải là tìm cách khôi phục thanh khoản, khơi thông dòng tiền trong các thị trường này. Việc siết đồng thời cả 3 kênh dẫn vốn chính cho thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán là tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, tiền ứng trước của nhà đầu tư, người mua, sẽ dẫn đến hệ lụy đình trệ, suy giảm của các thị trường quan trọng đó, khi mà năng lực tài chính của các chủ dự án, các nhà đầu tư luôn không bao giờ đủ.
Bởi vậy, mấu chốt của vấn đề nằm ở cách xử lý khôn ngoan mối quan hệ tay 3 giữa chủ dự án – nhà đầu tư/người mua – ngân hàng hoặc các định chế tài chính trung gian. Liệu Chính phủ có dám dùng vốn mồi đang tồn dư lớn đưa qua các định chế tài chính hoặc hỗ trợ họ gián tiếp để kích cầu có khả năng thanh toán phía người mua, từ đó dòng tiền tới được các chủ dự án tốt, liền đó ngân hàng hoặc các định chế tài chính trung gian tiến hành thu hồi nợ vay?
Chủ trương không hình sự hóa các giao dịch dân sự kinh tế của Chính phủ cũng cần được thấm nhuần trong thực thi và truyền thông thật tốt tới công chúng.
Hơn bao giờ hết, “bàn tay Nhà nước” cần phát huy mạnh mẽ lúc này để nhằm cải thiện cho được 2 vấn đề trọng yếu của nền kinh tế là tính bất định cao và niềm tin thị trường đang suy giảm.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!