Có thể nói, đây là nguồn lực lớn nhất mà Chính phủ dự kiến đầu tư cho một chương trình mục tiêu quốc gia, cao hơn so với mức đầu tư của 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện và cao hơn gấp nhiều lần so với Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã thực hiện các giai đoạn trước đó (chỉ khoảng hơn 18 nghìn tỷ đồng cho hai giai đoạn 2012 - 2015 và 2016 - 2020).
Việc dự kiến dành nguồn lực đầu tư lớn như vậy cho Chương trình được các đại biểu Quốc hội đánh giá rất cao tại phiên thảo luận tổ cuối tuần trước. Bởi qua đó cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa đã được Đảng, Nhà nước ta đề ra. Một nguồn lực đủ lớn, xứng tầm cũng là nền tảng vững chắc cho việc xem xét, quyết định đầu tư cho “ra tấm, ra món”, từ đó giải quyết được các thách thức đang đặt ra trong lĩnh vực văn hóa cũng như tạo ra được những đột phá để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong một thế giới nhiều biến động khó lường như hiện nay.
Dù vậy, điều khiến các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội băn khoăn cũng chính là ở nguồn vốn thực hiện Chương trình, nói chính xác hơn là băn khoăn về tính chắc chắn, khả thi của từng nguồn vốn thành phần.
Từ góc độ cơ quan chuyên môn của Quốc hội tham gia thẩm tra Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã chỉ rõ, việc Chính phủ dự kiến khả năng huy động nguồn vốn ngân sách Trung ương từ dự kiến tổng thu ngân sách nhà nước theo dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 - 2024, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, các khoản thu từ thuế, phí, thu từ bán tài sản nhà nước, chuyển nhượng quyền sử dụng đất... làm cơ sở huy động nguồn vốn là “chưa rõ về căn cứ để xác định nguồn vốn ngân sách trung ương dự kiến cho Chương trình”.
Còn với tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình, hiện Chính phủ đang dự kiến là 24,6%. Đây là tỷ lệ rất cao, nhiều địa phương không đáp ứng được. ĐBQH Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) cho biết, qua khảo sát tại các địa phương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã nhận được ý kiến phản ánh của nhiều địa phương về vấn đề này. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng lưu ý, cần thận trọng trong việc xác định nguồn lực ngân sách địa phương dành cho Chương trình, tránh áp lực lớn cho ngân sách địa phương.
Đối với nguồn vốn khác, Báo cáo của Chính phủ đang đề xuất cho cả giai đoạn 2025 - 2035 là 35 nghìn tỷ đồng, tương ứng với 13,65% tổng nguồn vốn. Nhưng việc xác định nguồn vốn này, theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, cũng “chưa có căn cứ rõ ràng”. Không khó để nhận diện được nguồn vốn xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa rất đa dạng, từ các khoản thu phí tham quan, thu dịch vụ liên quan khác, nguồn đóng góp, tài trợ, bảo trợ văn hóa - nghệ thuật của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, đóng góp khi thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo di tích, vận động các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ, huy động sự đóng góp tự nguyện của cộng đồng dân cư... - nhưng đây cũng vẫn là những khoản thu “rất khó đoán định”.
Trường hợp lý tưởng nhất, tức là nguồn vốn ngân sách trung ương, vốn đối ứng địa phương, nguồn vốn hợp pháp khác đều đạt được những con số như dự kiến của Chính phủ, thì việc triển khai được nguồn lực rất lớn như vậy trong thời gian 10 năm với rất nhiều mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ “đầy tham vọng” của Chương trình cũng vẫn là một thách thức hiện hữu.
Trong đợt 2 của Kỳ họp thứ Bảy vào tuần tới, Quốc hội sẽ thảo luận tại phiên họp toàn thể về chủ trương đầu tư Chương trình. Những vấn đề rất lớn, căn cốt liên quan đến mục tiêu, chỉ tiêu, cách thức thiết kế và nguồn lực bảo đảm thực hiện Chương trình... đã được các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đặt ra đòi hỏi phải được giải trình thấu đáo, đặc biệt là không để mắc lại những tồn tại, hạn chế đã được Quốc hội chỉ ra trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vừa qua.
Dành nguồn lực lớn đầu tư cho phát triển văn hóa là chủ trương rất đúng đắn. Nhưng điều quan trọng hơn là, các nguồn lực này phải được rà soát, tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm tính chắc chắn, khả thi, hiệu quả cả về khả năng phân bổ, huy động, thực hiện, giải ngân...