Thế giới đang trải qua các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, hạn hán kéo dài và hệ sinh thái bị thay đổi. Những thay đổi môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân, bằng việc phá hủy mùa màng và làm cạn kiệt nguồn nước, biến những khu vực từng có người ở thành không thể ở được. Do đó, làn sóng tị nạn do thiên tai đã trở thành một trong những vấn nạn nhức nhối nhất mà nhân loại đang và sẽ còn phải hứng chịu. Chính vì vậy, họ cũng cần được bảo vệ một cách rõ ràng hơn thông qua luật và Công ước quốc tế.
Làn sóng tị nạn vì biến đổi khí hậu
Theo Giám đốc điều hành của Ủy ban Cứu hộ Quốc tế David Miliband, những nguyên nhân dẫn đến số lượng người tị nạn ngày càng tăng là do các cuộc chiến tranh, xung đột và cả biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu có tác động trực tiếp và gián tiếp đến di cư và di cư bắt buộc. Nó thường dẫn đến sự dịch chuyển trong nước, đến dòng di cư trong các quốc gia. Người dân không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời bỏ nhà cửa và tìm kiếm sự an toàn ở nơi khác. Theo dự đoán, đến năm 2050, có tới 86 triệu người châu Phi sẽ di cư trong nước do những cú sốc thời tiết, và một số sẽ vượt qua biên giới, gây ra nhu cầu bảo vệ quốc tế.
Một trong những thách thức hiện nay là những người vượt biên do thời tiết không đủ tiêu chuẩn được hỗ trợ theo các luật và Công ước. Sự dịch chuyển này có thể là do các sự kiện xảy ra đột ngột, chẳng hạn như núi lửa phun trào hoặc lũ lụt, có thể đe dọa tính mạng ngay lập tức. Hoặc có thể là do các sự kiện diễn ra chậm hơn như sa mạc hóa hoặc mực nước biển dâng cao. Thật khó để nói chính xác điều này ảnh hưởng đến bao nhiêu người vì đây là một chủ đề phức tạp. Tuy nhiên, các chuyên gia biết rằng, việc di cư xuyên biên giới ảnh hưởng đến hàng chục nghìn người mỗi năm. Điển hình như tình trạng hạn hán vào năm 2022, càng trở nên trầm trọng hơn do tình trạng mất an ninh và bất ổn chính trị, đã buộc ít nhất 180.000 người tị nạn từ Somalia và Nam Sudan phải đến các vùng của Kenya và Ethiopia.
Người ta dự đoán rằng số người phải di dời do thay đổi thời tiết hoặc thiên tai sẽ lên tới 1,2 triệu người vào năm 2050. Con số này sẽ phụ thuộc vào những thay đổi của khí hậu diễn ra như thế nào. Nếu không có quy chế tị nạn, những người buộc phải di chuyển qua biên giới do thời tiết có thể không nhận được sự hỗ trợ có giá trị. Tùy thuộc vào từng quốc gia, hỗ trợ có thể bao gồm quyền sống và làm việc, tiếp cận các dịch vụ y tế hoặc giáo dục và quyền tự do đi lại. Một số chuyên gia đã nghiên cứu việc bảo vệ pháp lý đối với những người xin tị nạn, người tị nạn, người di cư và những người di tản trong nước ở Châu Phi. Họ đề xuất sửa đổi luật pháp và Công ước quốc tế để bao gồm rõ ràng những người bị buộc phải di chuyển qua biên giới do các cú sốc thời tiết cũng cần sự bảo vệ.
Sự bảo vệ chưa vẹn toàn
Một số luật đảm bảo quyền con người cơ bản của người tị nạn đã được hình thành như Công ước về Người tị nạn năm 1951; Nghị định thư về vị thế của người tị nạn năm 1967; hay người tị nạn ở Châu Phi cũng được bảo vệ bởi Công ước của Tổ chức Thống nhất Châu Phi (OAU) năm 1969. Những luật này sẽ cung cấp cho những người tị nạn nơi trú ẩn an toàn, tiếp cận các thủ tục tị nạn công bằng và bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử. Một số luật trong nước của nhiều các nước châu Phi cũng kết hợp những nguyên tắc quốc tế này, điều này cung cấp các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ về mặt pháp lý cho người tị nạn, giúp họ tìm kiếm sự an toàn và xây dựng lại cuộc sống.
Trong một nghiên cứu gần đây, thách thức đối với Công ước về Người tị nạn là không đề cập đến những người được xem là nạn nhân của nạn đói hay thiên tai trừ những trường hợp có cơ sở về việc bị ngược đãi. Ví dụ, những người chạy trốn khỏi Ethiopia từ năm 1983 đến năm 1985 do hạn hán sẽ được coi là người tị nạn vì họ lo sợ bị đàn áp bởi chế độ độc tài quân sự do Mengistu Haile Mariam lãnh đạo (Derg), vốn đang cố tình hạn chế nguồn cung cấp lương thực ở nhiều vùng trên đất nước.
Cơ quan của Liên Hợp Quốc có nhiệm vụ hỗ trợ và bảo vệ người tị nạn, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), tuân theo định nghĩa do Công ước về người tị nạn đưa ra. Tương tự như Hiệp ước Toàn cầu về Người tị nạn, một kế hoạch chi tiết do Liên Hợp Quốc chỉ đạo dành cho các chính phủ, tổ chức quốc tế và các bên liên quan khác. Điều này có nghĩa là những người bị buộc phải di dời chỉ do thảm họa môi trường không được hưởng quy chế tị nạn, mặc dù xứng đáng được bảo vệ tạm thời.
Hiện nay, ở Châu Phi đang có một cuộc tranh luận về việc liệu Công ước về Người tị nạn của OAU năm 1969 ban đầu có bao gồm những người phải di dời do thiên tai hay không trong định nghĩa về “người tị nạn” của tổ chức này. Một số học viên tin là có, mặc dù lập trường này dường như chỉ giới hạn ở những thảm họa do con người gây ra. Về luật pháp trong nước, tính đến thời điểm hiện tại, chưa có quốc gia châu Phi nào công nhận người chạy trốn thiên tai là “người tị nạn”. Song, với tình trạng thời tiết biến đổi ngày càng khó lường như hiện nay, những người chạy trốn thảm họa môi trường ngày càng được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Ví dụ, UNHCR công nhận những người “di cư vì biến đổi khí hậu” là nhóm người dễ bị tổn thương cần được bảo vệ. Điều này đã nâng cao nhận thức của thế giới về biến đổi khí hậu như một nguyên nhân gây ra tình trạng di dời, và họ cũng cần được bảo vệ trong bối cảnh thiên tai. UNHCR cũng đang nỗ lực giải quyết các lỗ hổng pháp lý liên quan đến việc di dời do thiên tai xuyên biên giới.
Những người phải di dời do diễn biến thời tiết bất lợi cần được cung cấp nhiều hơn là sự bảo vệ tạm thời. Điều này sẽ đòi hỏi phải thay đổi các quy định quốc tế và luật pháp quốc gia.