Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội thông tin, trường hợp nữ bệnh nhân V.T.L (56 tuổi) bị đau tức ngực, ho lâu không khỏi, đi khám bất ngờ phát hiện ung thư phổi giai đoạn muộn, khối u lan rộng hai bên phổi, di căn gan, dù chưa từng hút thuốc lá.
Người bệnh cho biết, gia đình không có ai mắc ung thư phổi, bản thân không hút thuốc nhưng chồng nghiện thuốc lá nặng. Mỗi ngày người chồng hút 1-2 bao thuốc, thường xuyên hút trong nhà.
Qua thăm khám, kết quả trên phim chụp cắt lớp vi tính của bệnh nhân phát hiện nhiều khối u rải rác hai bên phổi, u lớn nhất đường kính 51 x 49 x 35 mm. Bác sĩ sinh thiết khối u, kết quả cho thấy đây là ung thư biểu mô tuyến có đột biến gen EGFR L585R exon 21.
Người bệnh ung thư phổi ở giai đoạn muộn, khối u di căn sang phổi, gan và được điều trị thuốc đích EGFR TKI. Hiện, sức khỏe người bệnh ổn định, đi lại, ăn uống, sinh hoạt tốt.
Tương tự, trường hợp nữ bệnh nhân T.T.N (37 tuổi) phát hiện ung thư phổi dù không hút thuốc lá, có chồng và bố chồng thường xuyên hút thuốc lá, thuốc lào.
Rất may mắn, người bệnh phát hiện ở giai đoạn sớm (IIA), được bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ thùy phổi bên có khối u, kết hợp điều trị hóa chất để loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật, làm giảm tỉ lệ tái phát và di căn.
TS.BS Vũ Hữu Khiêm, Trưởng khoa Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, gần đây bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp ung thư phổi không hút thuốc, chủ yếu là nữ. Đa số bệnh nhân thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá tại nhà hoặc nơi làm việc.
Chính vì tâm lý chưa bao giờ hút thuốc nên người bệnh có phần chủ quan, khi có triệu chứng thường ít nghĩ tới ung thư phổi để tầm soát, dẫn đến phát hiện ở giai đoạn muộn.
Theo bác sĩ Vũ Hữu Khiêm, nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ ung thư phổi ở người không hút thuốc đang gia tăng.
Nghiên cứu của Thụy Điển trên 2.170 bệnh nhân ung thư phổi từ năm 2008 đến 2017 cho thấy tần suất người không bao giờ hút thuốc hàng năm tăng hơn gấp đôi trong 7 năm, phần lớn có triệu chứng không rõ ràng và phát hiện tình cờ.
Nghiên cứu khác của Mỹ trên hơn 10.500 bệnh nhân ung thư phổi trong 23 năm cũng cho thấy tỷ lệ người mắc ung thư phổi chưa từng hút thuốc ngày càng tăng qua từng năm.
TS.BS Vũ Hữu Khiêm cho biết thêm, ung thư phổi ở người không hút thuốc chủ yếu xảy ra ở nữ giới, đa phần là ung thư phổi không tế bào nhỏ. Trong đó, 15–35% trường hợp do tiếp xúc với khói thuốc thụ động.
Nguy cơ mắc bệnh cũng tăng lên đối với những người không hút thuốc nhưng có vợ hoặc chồng hút thuốc. Trong một phân tích tổng hợp trên 55 nghiên cứu, người ta phát hiện ra rằng những phụ nữ kết hôn với người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi tăng 27%.
Ngoài khói thuốc lá, một số yếu tố nguy cơ gây phát triển ung thư phổi ở người không hút thuốc gồm tuổi tác, yếu tố di truyền, khói nấu ăn, ô nhiễm môi trường, bệnh phổi tiềm ẩn, virus gây ung thư.
Bên cạnh đó, sử dụng hoặc hít khói thuốc lá điện tử thường xuyên cũng tăng nguy cơ ung thư phổi. Khói của thuốc lá điện tử chứa rất nhiều chất hóa học như formaldehyde, benzene và nitrosamines, acetaldehyde và các chất gây ung thư khác có hại cho người hít phải.
Bác sĩ khuyến cáo, mọi người không sử dụng thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, thuốc lào. Không hút trong nhà hoặc khi ở gần trẻ nhỏ, phụ nữ, người cao tuổi.
Các chất độc trong khói thuốc lá bám rất lâu trên tường, nội thất, quần áo. Do đó, gia đình có người hút thuốc lá nên thường xuyên mở cửa để lưu thông không khí, giặt chăn, ga, gối, rèm cửa, thảm để loại bỏ mùi khói thuốc.
Đồng thời, khi một người trong gia đình mắc ung thư phổi liên quan đến thuốc lá, những người sống cùng cũng nên tầm soát ung thư phổi. Việc khám sức khỏe định kỳ và đánh giá nguy cơ giúp phát hiện ung thư phổi giai đoạn sớm, tăng cơ hội điều trị khỏi bệnh, tránh các biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe.