Hiệu quả từ tư duy khác biệt trong huy động nguồn lực
3 năm qua, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Từ thực tiễn có tới 67/177 xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo; đồng bào DTTS chiếm 12,31% dân số nhưng lại cư trú rải rác ở trên 85% diện tích của tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, ngày 17.5.2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06 về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Nghị quyết số 06 được đánh giá là nghị quyết chiến lược, thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh trong xây dựng, phát triển vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo bền vững trên mọi lĩnh vực; từng bước hiện thực hóa khâu đột phá về phát triển văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã quyết nghị.
Quá trình thực hiện, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các văn bản, cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và quy định của Trung ương để phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo và xây dựng NTM; trong đó, tập trung cơ chế, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. Trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy, các thành viên trong tập thể Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thường xuyên kiểm tra tiến độ, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình theo từng tháng, quý và cả năm. Nhất là đối với các địa phương khu vực đồng bào DTTS, biên giới, miền núi, hải đảo…
3 năm qua, Quảng Ninh đã huy động trên 82.000 tỷ đồng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và Nghị quyết 06. Điểm nổi bật và khác biệt là ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp và vốn ngân sách nhà nước lồng ghép chỉ chiếm khoảng 25%, còn vốn tín dụng chiếm tới 73,1%. Như vậy, từ một đồng ngân sách nhà nước, Quảng Ninh thu hút được 4 đồng ngoài ngân sách để thực hiện mục tiêu nâng cao được chất lượng đời sống Nhân dân, nhất là vùng đồng bào DTTS.
Lập nên kỳ tích mới
Từ chủ trương đúng đắn, quyết tâm quyết liệt trong công tác lãnh đạo chỉ đạo, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, từ sự chung sức và phát huy vai trò trung tâm của người dân, Quảng Ninh đã hoàn thành sớm từ 2 - 3 năm các mục tiêu về văn hóa, xã hội, con người, lập nên kỳ tích mới. Tỉnh đã hoàn thành trước 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, chuyển sang giai đoạn xây dựng và triển khai theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Đồng thời, là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025. 3 năm qua, có thêm 21 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 16 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thêm 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM và 4 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong đó, 2 huyện Đầm Hà, Tiên Yên là huyện đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM nâng cao; 2 huyện Hải Hà, Vân Đồn đang hoàn thiện hồ sơ trình…
Diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét, đời sống người dân được cải thiện, văn hóa xã hội và môi trường khu vực nông thôn có nhiều tiến bộ; dân chủ cơ sở được mở rộng; hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; quốc phòng an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 73,43 triệu đồng/năm (trong đó các xã vùng đồng bào DTTS, biên giới, hải đảo đạt 73 triệu đồng/năm)…
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, quá trình tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và Nghị quyết 06 trong 3 năm qua đã khẳng định rõ nỗ lực vượt bậc của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, các ngành, địa phương; thể hiện sự thay đổi căn bản trong nhận thức về tổ chức thực hiện, tư duy phát triển, về huy động và tổ chức nguồn lực; phát huy được sức mạnh, giá trị văn hóa, truyền thống của đồng bào các DTTS.
Kết quả thực hiện đã tạo được đột phá về hạ tầng xã hội; đột phá trong tạo ra các mô hình phát triển kinh tế theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ, du lịch với nông nghiệp, giữa đô thị với nông thôn. Qua đó, góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn; tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Nhiều bài học đã được chỉ ra, lớn nhất đó là phải luôn thực hiện tốt quan điểm “dân là gốc, Nhân dân là ngọn nguồn của sức mạnh cách mạng”, “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. Mọi việc làm phải dựa trên nguyện vọng chính đáng của người dân, phát huy vai trò của cộng đồng, quán triệt sâu sắc nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”…