Chính sách đến đúng địa chỉ
Chia sẻ về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở LĐ, TB và XH cho hay, kết quả thực hiện, giai đoạn 2021 - 2024, toàn tỉnh triển khai hỗ trợ được 80 mô hình, dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo cho trên 1.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo tại các huyện, thành phố.
Đối với hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, đã triển khai xây dựng và phê duyệt được 42 dự án, gồm 28 dự án chăn nuôi và 14 dự án trồng trọt.
Sở LĐ,TB và XH, Sở NN - PTNT, Sở Thông tin - Truyền thông và UBND các huyện, thành phố đã triển khai tổ chức 101 lớp tập huấn nâng cao năng lực với 11.710 lượt người tham gia. 100% các huyện, thành phố đã thực hiện triển khai công tác giám sát tại địa phương, trong đó tập trung giám sát việc thực hiện rà soát phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các xã, phường, thị trấn; hỗ trợ các điều tra viên trong thực hiện đánh giá phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Năm 2024, Thái Nguyên bố trí gần 94 tỷ đồng để thực hiện các dự án thành phần của Chương trình giảm nghèo bền vững gồm: đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình.
Đối với các chính sách giảm nghèo thường xuyên, dự ước năm 2024 cấp thẻ BHYT cho 15.396 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn tỉnh với kinh phí khoảng 12 tỷ đồng; hỗ trợ tiền điện cho 100% số hộ nghèo trên địa bàn, ước kinh phí thực hiện là 570 triệu đồng; đối với chính sách đã giáo dục, đào tạo, hỗ trợ 29.433 học sinh, sinh viên, với kinh phí 28 tỷ đồng; hỗ trợ nhà ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 153 hộ, kinh phí ước là 4,5 tỷ đồng; vận động Chương trình an sinh xã hội “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo năm 2024”, là 34,9 tỷ đồng và Quỹ vì người nghèo phấn đấu từ 25 tỷ đồng.
Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Sau 4 năm thực hiện chương trình, tỷ lệ giảm hộ nghèo toàn tỉnh là 4,58%, bình quân hàng năm giảm 1,14%, vượt chỉ tiêu đề ra hàng năm (1%), trong đó hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3,36% năm 2022, giảm 2,72% năm 2023.
Các chính sách trợ giúp xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được các cấp, ngành chức năng của tỉnh phối hợp, thực hiện đồng bộ, minh bạch, đúng, đủ, kịp thời. Nhờ đó, các đối tượng được thụ hưởng chính sách yên tâm lao động sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống vật chất, tinh thần và tích cực tham gia các phong trào thi đua tại địa phương.
Nắm bắt cơ hội
Xóm Khuổi Mèo (xã Sảng Mộc, Võ Nhai) là một trong số xóm khó khăn nhất của tỉnh Thái Nguyên với 119 hộ, 100% hộ dân tộc Mông; ông Ngô Văn Tô, Bí thư chi bộ xóm cho biết năm 2016 xóm có 2 hộ đầu tiên thoát nghèo chuyển sang cận nghèo, năm 2018 thêm 3 hộ. Hiện cả xóm còn 114 hộ nghèo và cận nghèo, năm nay dự kiến có thêm 10 hộ thoát nghèo.
Ông Tô phấn khởi với sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của bà con trong xóm nhờ biết nắm bắt sự hỗ trợ của Nhà nước như vay vốn ưu đãi, tập huấn kỹ thuật, trợ giúp giống cây trồng, vật nuôi… Những năm gần đây, bà con đã bắt đầu có lực để đầu tư trồng rừng và cây ăn quả, quan trọng nhất là thay đổi tư duy từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Cả xóm hiện có khoảng hơn 10ha cam sành của 15 hộ, hộ ít 300 cây, hộ nhiều cả nghìn cây. Nhà nước cấp giống và tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây có múi. Bà con tự rủ nhau đến các vùng cam lớn tại Hàm Yên (Tuyên Quang) để học cách tỉa cành, tra phân. Một số vườn cam đã cho thu hoạch, chất lượng rất thơm, ngọt do được chăm sóc theo hướng hữu cơ hoàn toàn không sử dụng hóa chất để trừ sâu bệnh. Hầu hết các giống cam ngon đều đã bắt đầu bói quả như cam sành Hàm Yên, cam Vinh, cam Cao Phong, các giống mới lai tạo như VH, V02, V06…
Hộ chị Lý Thị Vàng vay 50 triệu từ nguồn vốn ưu đãi để chuyển đổi nương ngô sang trồng cam diện tích khoảng 5 sào, hiện cho thu lãi gần 300 triệu đồng/năm, đã xây được nhà mới và thoát nghèo. Hộ anh Vương Văn Lầu, cách đây mấy năm được cấp 1 con bò theo diện hộ nghèo, nhờ chăm chỉ và áp dụng tốt kiến thức chăn nuôi, Lầu đã tăng đàn lên tới 5 - 6 con, xây cất được ngôi nhà rất khang trang nhờ tiền bán bò, kinh tế hiện khá hơn nhiều.
Ông Mai Duy Yến, Chủ tịch UBND xã Sảng Mộc chia sẻ, thời gian vừa qua, nhờ hiệu quả việc thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia trên địa bàn xã, bà con nhân dân Sảng Mộc và đặc biệt xóm Khuổi Mèo đã rất tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa với quy mô phù hợp với đặc điểm địa phương để nâng cao hiệu quả kinh tế. Cùng với phát triển nuôi nhốt trâu bò, các hộ dân đã đưa cây quế vào trồng với diện tích khá lớn. Xã đã bắt đầu hình thành được vùng cam đặc sản tại nhiều xóm với tổng diện tích trên 100ha, bắt đầu phát triển cây quế mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sự nỗ lực của đồng bào đã đem lại cuộc sống ấm no cho vùng cao, người dân giờ đây không chỉ ăn no mặc ấm mà đã được ăn ngon mặc đẹp, các cháu nhỏ được ăn những bữa sáng giàu dinh dưỡng, thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo hàng năm giảm mạnh.
Từ nhiều năm nay, cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan chuyên môn mở các lớp đào tạo nghề may công nghiệp, chăn nuôi… Với đặc điểm vùng cao, hướng đi chắc chắn và bền vững nhất trong phát triển sản xuất là chăn nuôi trâu, bò hàng hóa. Nhiều hộ dân được hỗ trợ mua trâu, bò, được tập huấn kỹ thuật và trồng cỏ voi để thay đổi từ nuôi thả sang làm chuồng nuôi nhốt mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh hỗ trợ sinh kế, cách tốt nhất là trang bị cho người dân kiến thức và cách thức làm ăn. Người dân không chỉ biết cách “câu cá” mà còn biết “nuôi cá” để thoát nghèo bền vững.