Lễ hội hoa Tam giác mạch năm nay sẽ được khai mạc vào tối 9.11 tại Quảng trường Thanh niên, huyện Đồng Văn. Mặc dù không phải huyện được chọn làm điểm chính cho các chuỗi hoạt động trong khuôn khổ lễ hội hoa Tam giác mạch, nhưng huyện Mèo Vạc cũng đã, đang tích cực triển khai các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các hoạt động trải nghiệm để thu hút du khách; chuẩn bị về cơ sở vật chất, an ninh trật tự, nơi ăn, nghỉ của du khách cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm trong suốt thời gian trước, trong và sau lễ hội.
Là địa phương có nhiều địa điểm tham quan, trải nghiệm nổi tiếng như: cung đường Hạnh Phúc, tượng đài Thanh niên xung phong, đỉnh Mã Pì Lèng, du thuyền trên lòng hồ thủy điện Nho Quế I - ngắm hẻm vực Tu Sản, làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông…
Dịp lễ hội hoa Tam giác mạch dự báo lượng khách đến với Mèo Vạc sẽ tăng cao; do đó, đến thời điểm này, với hơn 100 cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà nghỉ, homestay; 60 cơ sở kinh doanh ăn uống, 35 cơ sở mua sắm và hàng chục cơ sở kinh doanh dịch vụ khác trên địa bàn huyện đã chuẩn bị tốt nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị sẳn sàng đón phục vụ du khách thập phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi để khách du lịch trải nghiệm và lưu lại những ấn tượng tốt đẹp.
Trong đó, chuỗi khách sạn, homestay, nhà hàng Meo Vac Clay house là điểm nghỉ chân lý tưởng và không còn xa lạ cho các du khách khi đến Mèo Vạc. Với công suất phục vụ hơn 350 khách, đến thời điểm này công tác chuẩn bị phòng nghỉ, phục vụ ăn uống cũng đã được cơ sở này lên kế hoạch cụ thể, đón tiếp, chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn thực phẩm tươi, đảm bảo vệ sinh và nhân lực đầy đủ.
Chị Nguyễn Thị Hằng - chủ chuỗi khách sạn, homestay, nhà hàng Meo Vac Clay house cho biết: “Để chuẩn bị các điều kiện chu đáo nhất, trước đó chúng tôi đã đầu tư hơn 600 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, chuẩn bị cơ sở vật chất… tạo cho du khách những giây phút thoải mái khi lưu trú tại đây”.
UBND huyện cũng đã chỉ đạo các ngành, đơn vị và địa phương làm tốt công tác tuyên truyền tới cơ sở kinh doanh bảo đảm công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng cháy chữa cháy; niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết để không xảy ra tình trạng tùy tiện tăng giá, ép khách, gây sốt giá ảnh hưởng đến hình ảnh của du lịch Mèo Vạc.
Theo Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Mèo Vạc, Thiếu tá Trần Thanh Hùng, thời gian trước, trong và sau lễ hội, Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, như: tổ chức phân công lực lượng, triển khai chốt chặn 24/24 giờ bảo đảm an toàn cho tất cả các phương tiện giao thông trên tuyến; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân; phối hợp chặt chẽ với Công an các xã, thị trấn phân tuyến, phân luồng từ xa để chống ùn tắc cục bộ trên tuyến Quốc lộ 4C, khu vực đường xuống sông Nho Quế. Đặc biệt là tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở các chủ thuyền khu vực lòng hồ thủy điện Nho Quế để bảo đảm các điều kiện an toàn cho du khách khi tham quan trên lòng hồ…
Cùng đó, từ tháng 11, Mèo Vạc triển khai không gian văn hóa chợ đêm thị trấn Mèo Vạc vào tối thứ 7 hàng tuần với nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn như: biểu diễn các tiết mục dân ca, dân vũ, văn nghệ dân gian của các dân tộc trên địa bàn, tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP đặc trưng, thưởng thức các món ăn dân tộc…
Đặc biệt, huyện Mèo Vạc sẽ tổ chức khai mạc ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô năm 2024 vào tối 15.11, tại Quảng trường trung tâm huyện; đồng thời tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, các hoạt động trải nghiệm như: Trình diễn Lễ rửa làng của dân tộc Lô Lô, thi kỹ thuật công đoạn thêu, ghép các hoa văn của dân tộc Lô Lô. Các hoạt động trò chơi dân gian: đánh yến, trò chơi đá lợn, kéo co; thi ẩm thực ngô, chế biến đồ uống, món ăn...
Cùng với đó, nhiều hoạt động hứa hẹn đem đến cho du khách trải nghiệm phong phú, hấp dẫn mang đậm nhịp sống, hơi thở của miền cao nguyên đá cũng sẽ được diễn ra tại Nhà văn hóa dân tộc Lô Lô (thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc) như: Hóa thân thành (nam, nữ) dân tộc Lô Lô, chụp ảnh và tham gia các hoạt động trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực chế biến từ ngô (ngô nướng, bánh ngô, mèn mén, rượu ngô, bún ngô, bỏng ngô… một số món ăn truyền thống của dân tộc Lô Lô; trải nghiệm tráng bánh phở của dân tộc Lô Lô…
Trước đó, Mèo Vạc cũng đã tổ chức trồng gần 55,7ha hoa Tam giác mạch, tại các xã: Pả Vi, Pải Lủng, Cán Chu Phìn, Khâu Vai, Giàng Chu Phìn và Tả Lủng. Hiện nay, diện tích cây hoa sinh trưởng phát triển bình thường, một số đã nở rộ, sẵn sàng đón du khách đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm.
Phó chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Ngô Mạnh Cường cho biết: Đối với các điểm nhấn, chúng tôi đã chỉ đạo đồng loạt tổ chức triển khai các hoạt động để trong dịp lễ hội Hoa tam giác mạch cũng như thời gian từ nay đến hết năm, bảo đảm cho du khách có sự trải nghiệm hài lòng nhất khi đến với Mèo Vạc.