Từ những nguồn sử liệu, dấu tích phát lộ qua các đợt đào thám sát, khai quật khảo cổ học và thành phần kiến trúc hiện còn trên mặt đất, các nhà khoa học đã xác định điện Kính Thiên là hạt nhân của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, nơi diễn ra các hoạt động, nghi lễ quan trọng nhất của triều đình phong kiến xưa. Dấu tích không gian chính điện Kính Thiên hiện nay chỉ còn Đoan Môn (phần cửa Ngũ Môn), sân Đan Trì còn vết tích nền gạch vồ dưới lòng đất. Riêng nền điện Kính Thiên, ở phía Nam còn dấu tích xây dựng từ thời Lê sơ cho đến thế kỷ XIX - XX. Ở phía sau đã tìm thấy các móng trụ rất lớn, có thể là dấu tích của điện Kính Thiên thời Lê sơ. Đáng chú ý, dưới lớp văn hóa Lê sơ, một số hố khảo cổ học đã tìm thấy dấu tích lớn của văn hóa thời Lý - Trần. Tất cả cho thấy sự tiềm tàng của các di tích khảo cổ học tại khu vực trục trung tâm khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
![]() Điện Kính Thiên do người Pháp chụp năm 1886 |
Trong hội thảo Nghiên cứu phương án phục dựng điện Kính Thiên do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức mới đây tại Hà Nội, Ts Lê Thành Vinh - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, nêu quan điểm: điện Kính Thiên có vị trí quan trọng như vậy, chức năng, vai trò, ý nghĩa đặc biệt là thế, sự háo hức của bất cứ người nào đến với khu di tích chắc hẳn cũng đặt nhiều vào công trình này. Thế nhưng những thứ nhìn thấy quá ít ỏi. Những bậc thềm đá với thành bậc chạm rồng đặc sắc, mang đặc trưng điêu khắc thế kỷ XV, gây xúc cảm mạnh nhưng không đủ sức truyền tải dù chỉ một phần những đặc điểm, giá trị của công trình lịch sử này. Do đó, việc bổ sung thông tin cho hạng mục công trình điện Kính Thiên là rất cần thiết. “Từ những cái đã có và hiểu biết về điện Kính Thiên, chúng ta có thể phục dựng không gian di tích này. Chắc chắn đó không thể là một điện Kính Thiên đầy đủ như đã từng tồn tại trong quá khứ nhưng sẽ đưa chúng ta đến gần hơn ở mức có thể với diện mạo của một công trình trung tâm quan trọng hàng đầu của Thăng Long xưa” - Ts Lê Thành Vinh nói.
Chương trình nghiên cứu phục dựng không gian điện Kính Thiên của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đáp ứng yêu cầu của một cơ quan quản lý Di sản thế giới cũng như các khuyến nghị của UNESCO về việc đẩy mạnh nghiên cứu, trong đó có công tác nghiên cứu khảo cổ học ở trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Dựa trên kết quả nghiên cứu các thư tịch cổ và cứ liệu khoa học qua các hố thám sát, PGs, Ts Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam nhận định: không gian chính điện Kính Thiên đã có sự biến đổi qua một số thời kỳ lịch sử. Thời Lê sơ không gian chính điện Kính Thiên gồm có: Đoan Môn - Đan Trì - điện Kính Thiên. Thời Mạc, thời Lê Trung hưng thế kỷ XVII, không gian này vẫn giữ nguyên kiến trúc như thời Lê sơ. Đến thế kỷ XVIII, do thay đổi chức năng của điện Kính Thiên cho nên có thể xen giữa điện Kính Thiên và Đoan Môn đã xây thêm điện Thị Triều. Thời Nguyễn, sửa chữa thu nhỏ điện Kính Thiên, đến năm 1820 xây thêm điện Thị Triều ở phía trước điện Kính Thiên. Vì thế, khi tiến hành phục dựng, cần cân nhắc, tính toán kỹ đến cả các yếu tố biến đổi này.
Lấy kinh nghiệm từ các nước châu Âu khi tu bổ, phục dựng kiến trúc nhà thờ cổ dựa trên những bức ảnh cũ, PGs, Ts Phan Khanh - Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, chúng ta may mắn còn lại một số tấm ảnh do người Pháp chụp khoảng những năm 1885 - 1886, ngay trước khi cung điện này bị phá. Tất nhiên, khi đó nhà Nguyễn đã sửa chữa hoặc thu nhỏ chút ít để làm hành cung Bắc Thành. Nhiều nước đã thành công khi phục hồi các công trình kiến trúc cũ bị chiến tranh tàn phá thông qua phương pháp đo đạc chính xác trên ảnh cũ. Do đó, cần sưu tầm tiếp những tấm ảnh về điện Kính Thiên qua một số sách báo cũ ở Hà Nội, thậm chí sang Pháp tìm kiếm. Về việc hoàn trả không gian cho điện Kính Thiên, theo PGs, Ts Phan Khanh, các sáng tạo kiến trúc bao giờ cũng tạo ra ngôn ngữ không gian riêng, có mục đích tư tưởng và ứng dụng riêng, do vậy các công trình kiến trúc Pháp trong khuôn viên di tích chỉ nên chuyển dịch chứ không nên phá bỏ.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, Ts Nguyễn Văn Sơn mong muốn trước mắt thông qua góp ý của các nhà khoa học, Trung tâm sẽ tiến hành một chương trình nghiên cứu tổng thể, tiến tới hoàn trả không gian điện Kính Thiên trên các bản vẽ 3D, xây dựng mô hình để trưng bày phục vụ công chúng trước khi tiến tới mục tiêu xa hơn là phục dựng điện Kính Thiên.