Đi, ta đi giải phóng miền Nam…
“Chúng tôi rời mái trường vào chiến trường tự nhiên như hơi thở, dù biết là bom đạn, là hy sinh. Lời kêu gọi của Bác Hồ Không có gì quý hơn độc lập, tự do như lời hiệu triệu thôi thúc cả dân tộc, đặc biệt với thế hệ trẻ, sẵn sàng từ bỏ tất cả, hy sinh cả tính mạng cho sự nghiệp giành độc lập dân tộc. Nhiều người đã tự cắt tay lấy máu viết đơn tình nguyện đi bộ đội, coi đó là vinh hạnh lớn lao” - Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn ThaiBinh Seed, nhớ lại động lực mà ông và bạn bè đồng trang lứa hăng hái lên đường nhập ngũ năm 1968, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất.
Sau 2 tháng huấn luyện, ông Báo và những người lính mới của Trung đoàn 51 (E51) Thái Bình nhận lệnh vào Nam chiến đấu. Đến Tĩnh Gia, Thanh Hóa, ông được biên chế vào tiểu đoàn bộ của Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 52 (E52), tiếp tục được huấn luyện chiến đấu trong rừng núi, phối hợp quân binh chủng. Bổ sung quân và huấn luyện xong, E52 được điều động trở lại vĩ tuyến 17.

“Thanh niên thế hệ chúng tôi, được ra mặt trận, tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là lẽ sống, là khát vọng. Có những lần ngồi dưới hầm từ sáng đến tối không lúc nào trên đầu ngớt tiếng máy bay; nước ngập ngang cổ mà vẫn cứ ngồi, để giữ đất… Trải qua như vậy mới thấy giá trị của tự do, hòa bình, thống nhất lớn đến nhường nào. Thế hệ những người lính chúng tôi rồi sẽ ra đi, nhưng 50 năm hay 100 năm nữa, cảm xúc này, giá trị này phải được truyền lại cho thế hệ sau, để họ hiểu lịch sử, biết trân trọng và gìn giữ thành quả của cha ông”.
Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo
Vượt Trường Sơn vào Quảng Trị, nhiệm vụ đầu tiên ông Báo được giao là nằm giữa một cánh rừng giáp giới tuyến 17, để đón quân từ Bắc vào và từ Nam ra. “Một mình giữa rừng già mênh mông, xung quanh là giặc, hiếm hoi lắm mới gặp một vài bà con Vân Kiều đi qua. Trang bị chỉ có một khẩu tiểu liên AK47, một con dao găm, một cái xẻng, một tăng, một võng, hai quả lựu đạn và hai bộ quần áo. Tất tật mọi việc phải tự mình lo liệu”.
Để tránh pháo chụp của giặc, ông Báo dùng xẻng đào một cái hố, dùng lá cây le rải xuống thay chiếu nằm chứ không dám mắc võng. Đơn vị của ông ở đó 6 tháng, vừa làm đường, vừa chi viện cho miền Nam, vừa sẵn sàng chiến đấu nếu có lệnh của Trung ương. “Mãi sau này tôi mới biết đó là một cách nghi binh của ta, chống lại sự phát hiện của tình báo địch”.
Lần thứ hai ông Báo vượt Trường Sơn là khi Campuchia xảy ra đảo chính, đơn vị của ông, lúc này đã tách ra, chuyển phiên hiệu thành E46 thuộc F1 (mật danh Công trường 1) quân giải phóng miền Nam, nhận nhiệm vụ hành quân sang giải phóng 6 tỉnh miền Nam của đất nước Chùa Tháp và 3 tỉnh miền Tây Nam Bộ của ta. Đến giờ ông Báo vẫn không thể quên cuộc hành quân vô cùng gian khổ, đi bộ ròng rã 6 tháng trời, vượt không biết bao nhiêu là đèo dốc, vừa đổ dốc này, dốc khác lại hiện ra.
Có hôm 6 giờ sáng bắt đầu leo dốc, 6 giờ tối mới đến nơi. Có lúc đi qua những dãy núi tai mèo, “chỉ cần trượt chân ngã xuống đã có thể mất mạng, chưa cần phải chiến tranh”. Ngước mắt nhìn lên dốc cheo leo/ Vai mỏi, chân run, vẫn cứ trèo/ Đánh Mỹ ta đi, vai không mỏi/ Chân cũng chẳng run, vẫn bước đều… Những câu thơ ông Báo làm để động viên đồng đội, cũng là khí thế chung của thanh niên thời đó.
“Hành quân khổ cực là thế, vào chiến trường thì đánh nhau hết trận này đến trận khác, có những lúc nghĩ rằng sẽ phải hy sinh, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy nhẹ như không. Tất cả vì khát khao được chứng kiến chiến tranh kết thúc và đất nước thống nhất, hòa bình. Đó là hoài bão, khát vọng của cả một thế hệ và chúng tôi đã hoàn thành”, ông Báo chia sẻ.
Đền đáp sự hy sinh của đồng đội
Trưa ngày 30.4.1975, quân ta tiến vào Sài Gòn, chiếm Dinh Độc Lập. Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh lên đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. “Khi Đài Tiếng nói Việt Nam vừa đưa dứt thông tin đó, chúng tôi nhảy cẫng lên ôm chầm lấy nhau, nước mắt lưng tròng. Đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc. Chỉ có những người đã trải qua chiến tranh mới thấy được giá trị của hòa bình. Chúng tôi đã mong ngày này từ khi lên đường nhập ngũ”.
Ông Báo đón tin vui chiến thắng từ miền Nam khi đang an dưỡng tại miền Bắc. Ông bị thương trong một trận đánh ở Hà Tiên ngày 17.12.1972, ngay trước ngày Mỹ ném bom B52 Hà Nội. Trở về từ chiến trường, sức khỏe gần như cạn kiệt (thương binh loại 2), cân nặng chỉ 47kg, bệnh sốt rét khiến ông gần như mù màu. Tuy nhiên, những năm trong chiến tranh đã rèn luyện cho ông bản lĩnh không khuất phục trước khó khăn, dám chấp nhận hy sinh. “Ở chiến trường, hàng chục lần đối diện hay cận kề cái chết, chưa bao giờ trong tôi xuất hiện ý nghĩ thoái lui”. Đây cũng là điểm tựa tinh thần để ông bước vào một hành trình mới mà giờ nhìn lại không ít chông gai.

“Mình là con em nông dân thì nay có điều kiện phải làm việc gì đó cụ thể cho nông dân”. Ông Báo xin chuyển ngành về Ty Nông nghiệp tỉnh Thái Bình, gắn bó với nông nghiệp và cây lúa cho đến nay tròn 50 năm. Ông đã trải qua nhiều vị trí, từ nhân viên tạp vụ, cán bộ cung ứng vật tư, trại trưởng trại giống… rồi Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed - doanh nghiệp sản xuất lúa giống chất lượng cao hàng đầu Việt Nam.
Những phẩm chất người lính chiến trường được ông Báo phát huy triệt để trong làm kinh tế thời bình, đặc biệt là tinh thần sáng tạo, đấu tranh đến cùng cho mục tiêu, lý tưởng của mình. Theo ông Báo, “trong chiến tranh, người lính không sáng tạo thì không thể thắng được quân địch. Còn nhớ hồi chống Mỹ chúng ta chỉ có tên lửa SAM2 mà bắn được máy bay B52 ở tầm cao trên 15km. Đó là sự sáng tạo, và chúng tôi cũng làm như vậy trong quá trình tạo ra những giống lúa của người Việt. Cũng như ở chiến trường, trên thương trường phải sử dụng trí tuệ, bản lĩnh, sự sáng tạo và có chiến lược thì mới thành công”.

Chính ông Báo là tác giả Đề án “Khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động trong sản xuất nông nghiệp quốc doanh”. Đề xuất này ban đầu bị coi là “phá vỡ cơ chế của Nhà nước”, nhưng sau đó được áp dụng tại Trại Giống lúa Đông Cơ từ vụ xuân năm 1988 và trở thành trường hợp được nghiên cứu trong quá trình xây dựng Nghị quyết số 10-NQ/TW (Khoán 10) của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. Cũng từ đó, Công ty Giống cây trồng Thái Bình (tiền thân của ThaiBinh Seed) trở thành doanh nghiệp nhà nước đầu tiên thực hiện xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa, quan liêu bao cấp, vượt qua khó khăn để bước vào giai đoạn phát triển mới.
Và tới giờ, ThaiBinh Seed đã khẳng định vị trí tiên phong trong hành trình công nghiệp hóa ngành giống cây trồng của đất nước với 3 nhà máy tiêu chuẩn quốc tế gồm: Nhà máy chế biến gạo công suất 40.000 tấn/năm; Nhà máy chế biến hạt giống 30.000 tấn/năm và Nhà máy sấy công nghệ Nhật Bản công suất 120 tấn/lần. Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên trong ngành giống cây trồng Việt Nam xây dựng thành công Viện nghiên cứu trong doanh nghiệp tư nhân. Tập đoàn đang sở hữu bản quyền 30 giống cây trồng quốc gia và cung cấp giống lúa cho 20% diện tích sản xuất nông nghiệp trên cả nước…
“Con người sinh ra phải có lý tưởng. Một khi đã chọn được lý tưởng rồi thì phải xả thân cho lý tưởng đó. Con người sống không chỉ có mưu sinh mà còn phải cống hiến cho xã hội và trả ơn những người đã cho ta cuộc sống này”, Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo đúc kết.