Vẹn nguyên ký ức ngày giải phóng

50 năm đã trôi qua nhưng ký ức về ngày nối non sông liền một dải vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những người đã chiến đấu vì đất nước, trong đó có Đại tá Trương Quang Siều, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình.

Vừa hành quân vừa đánh địch

“Ngày 30.4.1975, mặt trời gần chính ngọ, thời khắc phục kích ở cổng Dinh Độc Lập, chờ cho xe tăng của Lữ đoàn xe tăng 203 húc đổ cổng dinh, tôi tập trung hướng về nhiệm vụ đánh chiếm 4 mục tiêu được giao, xông vào dinh Độc Lập ngay khi cổng sập”, Đại tá Trương Quang Siều (sinh năm 1947) kể.

Đại tá Trương Quang Siều quê ở thôn Tân Lý, xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Tháng 12.1966, như bao thanh niên khác khi đó, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đứng vào hàng ngũ của cách mạng hướng về mục tiêu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, ông Siều rời làng Tân Lý lên đường nhập ngũ. Sau thời gian học tập, rèn luyện, ông tốt nghiệp và biên chế tại Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, đóng quân ở Quảng Trị, đồng thời tham gia nhiều trận đánh, chiến dịch trong suốt các năm sau đó.

z6528952299552-2b554b1b48afe090d0ddd92ca9a7623e.jpg
Đại tá Trương Quang Siều là một trong những chiến sĩ giải phóng có mặt tại Dinh Độc Lập ngày 30.4.1975

Sau khi giải phóng Đà Nẵng, ngày 7.4.1975, khi đang tiếp tục công tác huấn luyện và bổ sung quân, đơn vị ông Siều nhận được bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!".

Ngay lập tức, đội hình sẵn sàng xuất phát đi qua các tỉnh duyên hải miền Trung, vừa hành quân vừa đánh địch.

“Ngày 20.4.1975, tất cả đơn vị tập kết tại đồn điền cao su ông Quế (Đồng Nai) để làm công tác chuẩn bị và tổ chức chiến đấu. Tại đây Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304) và Lữ đoàn tăng thiết giáp 203 của Quân đoàn 2 được giao nhiệm vụ tổ chức thành binh đoàn thọc sâu có nhiệm vụ đánh thẳng vào 4 mục tiêu: Dinh Độc Lập, Tổng nha Cảnh sát, Đài phát thanh và Thương cảng Sài Gòn”, người cựu chiến binh thuật lại từng sự kiện.

Khi ấy, ông Siều là Tiểu đoàn trưởng, được giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng Đại đội 8 cùng với các Đại đội khác và lực lượng của Lữ đoàn 203 đánh vào Dinh Độc Lập.

nhan-dan-da-nang-don-mung-quan-giai-phong-tien-vao-thanh-pho-ngay-2931975.jpg
Nhân dân Đà Nẵng đón mừng quân Giải phóng tiến vào thành phố ngày 29.3.1975. Ảnh tư liệu

“Chỉ nghĩ về nhiệm vụ với Tổ quốc”

Chiều tối ngày 29.4.1975, cũng là thời điểm ác liệt và quan trọng nhất của chiến dịch Hồ Chí Minh, lực lượng thọc sâu phải đối mặt với 2 “cánh cửa sinh tử” là vượt cầu sông Buông và vượt sông Sài Gòn. “Binh đoàn thọc sâu gồm Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 và Lữ đoàn 203 tiến công, hành quân tiến đến cầu sông Buông, đội hình phải dừng lại 3 giờ do cầu bị địch phá hỏng toàn bộ, khắc phục xong mới vượt sông tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Hỏa lực của cấp trên bắn cháy 1 xe tăng địch nằm ngay trên cầu Sài Gòn; hỏa lực của Trung đoàn 66 và Tiểu đoàn 8 bắn cháy 3 ca-nô tuần tiễu trên sông Sài Gòn”, Đại tá Trương Quang Siều nhớ lại.

Nói đến đây, ông chậm lại một nhịp, “chỉ ít giờ trước khi đến Dinh Độc Lập, một chiếc xe giải phóng chở bộ đội của Tiểu đoàn bị địch bắn cháy, 4 đồng chí hy sinh, 9 đồng chí bị thương”.

Trong suốt cuộc nói chuyện với chúng tôi, ông Siều nhiều lần nhắc về những người đồng đội đã nằm xuống vì dáng hình đất nước và hòa bình của Tổ quốc hôm nay. Tại cầu Sài Gòn, trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt, quân địch trong tâm lý không còn gì để mất nên xả hết đạn dược và đó cũng là giây phút “một mất, một còn” giữa quân ta và địch.

z6510907240835-ece42697c573a4a03801f27371402f1b-459.jpg
Đại tá Trương Quang Siều kể lại sự kiện ngày 30.4.1975 khi chỉ huy Đại đội 8 tiến vào Dinh Độc Lập

Vì nhiệm vụ vẫn còn phía trước, lực lượng thọc sâu tiếp tục tiến công, “thẳng đường mà tiến” không chút do dự. Các đại đội được bố trí theo kế hoạch. Tiểu đoàn trưởng Trương Quang Siều chỉ huy Đại đội 8 có nhiệm vụ đánh chiếm Dinh Độc Lập, hồi hộp và căng thẳng trong thời khắc đứng trước cổng Dinh Độc Lập đứng im lìm. Cho đến khi âm thanh chát chúa do xe tăng Lữ đoàn 203 húc đổ cánh cửa thép, cả Đại đội xông lên tiến vào yểm trợ...

“Thời khắc đó là 11 giờ 30 phút ngày 30.4.1975. Đơn vị của chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân giao phó”, Đại tá Trương Quang Siều cho biết.

Cũng trong thời khắc thiêng liêng ấy, hình ảnh người dân phấn khởi, kéo ra hết ngoài đường vẫy chào đoàn xe của quân giải phóng đã tạc ghi trong tim của người lính trẻ. "Nhiều lần nước mắt chúng tôi tuôn trào".

Đất nước thống nhất, ông Trương Quang Siều tiếp tục phục vụ trong Quân đội cho đến khi nghỉ hưu. Sau đó, ông trở về quê hương, trân quý từng ngày hòa bình đắt giá bên gia đình và con cháu.

“Nguyện sống sắc son với Đảng, là chỗ dựa tin cậy về tinh thần của nhân dân. Cựu chiến binh chúng tôi cựu nhưng không già, mãi mãi xứng danh bộ đội Cụ Hồ”, Đại tá Trương Quang Siều tự hào.

Văn hóa

Chính thức ra mắt sách “Con đường tương lai”
Văn hóa

Chính thức ra mắt sách “Con đường tương lai”

Ngày 29.4, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục và Môi trường cùng một số doanh nghiệp tổ chức lễ ra mắt cuốn sách “Con đường tương lai” - Tập 1 của nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn.

Nhân dân Sài Gòn - Gia Định kéo về Dinh Độc Lập chào mừng Quân giải phóng
Văn hóa - Thể thao

Nghệ thuật tạo và chớp thời cơ

Nghệ thuật tạo thời cơ, chớp thời cơ là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975; thay vì 2 năm như kế hoạch đã đề ra, chúng ta chỉ mất 55 ngày đêm thu non sông về một mối.

Ký họa sống động những ngày tiến về Sài Gòn
Văn hóa - Thể thao

Ký họa sống động những ngày tiến về Sài Gòn

Chứng kiến sự gian khổ của bộ đội ta trong những ngày kháng chiến và cả niềm hân hoan của ngày thống nhất, ông Trần Mạnh Tuấn, một họa sĩ không chuyên, nguyên phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, đã thực hiện các bức ký họa bằng bút sắt sinh động ghi lại lịch sử không thể nào quên của dân tộc.

“Cho con là người Việt Nam” - Khi âm nhạc cất lên niềm tự hào dân tộc
Văn hóa

“Cho con là người Việt Nam” - Khi âm nhạc cất lên niềm tự hào dân tộc

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) và 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2.9.1945 - 2.9.2025), MV "Cho con là người Việt Nam" của Tùng Dương chính thức được ra mắt như một lời tri ân sâu sắc tới lịch sử hào hùng của dân tộc và gửi gắm khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ Việt Nam.

Để lá cờ Tổ quốc không ngừng bay ở vĩ tuyến 17
Văn hóa

Để cờ Tổ quốc tung bay ở vĩ tuyến 17

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh chống Mỹ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc ở vĩ tuyến 17 là niềm tin, hy vọng của Nhân dân về một ngày đất nước thống nhất. Và để bảo vệ lá cờ không ngừng bay giữa mưa bom, bão đạn, nhiều chiến sĩ đã cống hiến thanh xuân của mình.