“Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” - Khát vọng và niềm tin

Bộ phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” chứa đựng bề dày lịch sử đất nước và con người Việt Nam một thời; số phận của các nhân vật mang chiều rộng về không gian, chiều dài về thời gian, gắn bó với số phận của dân tộc trong mọi biến cố lớn lao tại nơi giới tuyến chia cắt hai miền Nam - Bắc đầy khốc liệt.

Từ ám ảnh với đôi mắt của nữ Bí thư chi bộ

Vĩ tuyến 17 ngày và đêm thể hiện ý tưởng, dám nghĩ dám làm đột phá của những người làm phim truyện Việt Nam trong hoàn cảnh ngặt nghèo của thời chiến; thể hiện ý chí và tình cảm của điện ảnh Việt Nam hướng tới ngày đất nước thống nhất trọn vẹn.

Trong hồi ức của đạo diễn Hải Ninh, nguyên mẫu của nhân vật Dịu trong phim là một nữ chiến sĩ cách mạng. Chị tên là Diệu, quê ở bờ Nam sông Bến Hải, chồng chị tập kết ra Bắc theo Hiệp định Genève. Về công khai, chị Diệu là một nông dân, nhưng chị là Bí thư chi bộ hoạt động bí mật, là linh hồn của các cuộc lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống đàn áp, trả thù người theo Cách mạng. Hơn 10 năm trời chị bị quân thù tra tấn tù đầy, nhưng không thể đánh đổ được ý chí người phụ nữ trẻ tuổi.

Poster phim

Poster phim

Đạo diễn đặc biệt ấn tượng về đôi mắt của chị Diệu. Ông kể: “Ánh lửa trong cặp mắt chị là một thứ lửa già vùi sâu trong tro nóng, bên ngoài tưởng nguội lạnh, nhưng khi chạm phải thì nóng bỏng, khơi lên là bùng cháy. Trong cặp mắt của người đàn bà ấy chứa đựng cả nỗi đau nhức nhối, lẫn một nghị lực phi thường, mà người viết văn, làm nghệ thuật mỗi khi chạm phải là không rời ra được”.

Chị Dịu, nhân vật trung tâm của tác phẩm được sáng tạo từ nỗi đau đất nước bị chia cắt với tầm khái quát về số phận con người nằm trong số phận của dân tộc với những diễn biến thăng trầm, bề dày của lịch sử, mang đậm tính sử thi. Hai tác giả cũng đã đi một hành trình dài nửa đất nước, bám theo các đồn biên phòng dọc bờ biển từ Thanh Hóa vào tới Vĩnh Linh để tìm cho ra hình tượng đồn trưởng bản lĩnh kiên cường.

Theo Hiệp định Genève, hàng tuần cảnh sát hai bờ giới tuyến luân phiên sang làm việc với nhau, đó là cơ hội có một không hai cho tác giả kịch bản tiếp cận “nhân vật” trong đời thực. Đặc biệt, hai tác giả còn được phép giả trang sĩ quan công an bờ Bắc cùng làm nhiệm vụ kiểm soát theo Hiệp định với cảnh sát bờ Nam. Từ thực tế tận mắt chứng kiến những sự việc diễn ra hàng ngày tại bờ Nam giới tuyến, nhân vật ác ôn Trần Sùng dần thành hình.

Đối với biên kịch và đạo diễn, quê hương của nhân vật, nơi cội nguồn tác phẩm rất đỗi thiêng liêng. Vì thế, viết xong bản thảo, họ cùng trở về vĩ tuyến 17, đọc cho những người dân, những chiến sĩ cách mạng nghe đầu tiên. Bản thảo kịch bản được các đồng chí trong huyện ủy, ủy ban nhân dân, các đoàn thể, bạn bè chuyền tay nhau đọc dưới chiến hào.

Đạo diễn Hải Ninh nhớ lại: “Một ngọn đèn dầu gần như được bọc kín để tránh máy bay Mỹ suốt gần hai tiếng đồng hồ, người đọc, người nghe có lúc chìm trong im lặng mênh mông, có lúc lẫn trong tiếng nức nở đau thương. Điều làm cho chúng tôi vô cùng xúc động là sau khi đọc xong, các mẹ, các chị, các em tìm đến nắm chặt những bàn tay, góp ý, bảo ban những chi tiết chưa đúng, chưa sát, chưa thật, nhưng đều bày tỏ sự xúc động trước tình cảm ruột thịt Bắc - Nam, tình cảm sâu sắc của người viết truyện đối với cuộc sống đấu tranh của bà con bờ Nam”.

Sau 5 năm, kịch bản văn học Vĩ tuyến 17 ngày và đêm mới hoàn thành.

Những diễn viên và đạo cụ đặc biệt

Năm 1971, đoàn làm phim lên đường, vượt qua những dặm đường máu lửa, máy bay Mỹ đánh phá suốt ngày đêm, họ đã đi thẳng tới Vĩnh Linh, giới tuyến quân sự tạm thời, quê hương của câu chuyện trong phim.

Không thể quay ngay tại Vĩnh Linh, đoàn phim đã phải tạo dựng không gian 49 bối cảnh (17 nội cảnh và 32 ngoại cảnh) nằm rải rác từ Vĩnh Linh, Quảng Bình, Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Thái Bình, Hòa Bình. “Làng Cát” trong phim được tạo dựng tại 4 địa điểm: làng dừa Sấu Giá (Hà Tây), bến sông Nhật Lệ (Quảng Bình), vườn dừa hồ Bảy Mẫu (Hà Nội) và phong cảnh thật ngay tại Vĩnh Linh. Nhưng hai bối cảnh biểu tượng cho bộ phim là Cửa Tùng và cầu Hiền Lương thì gần như “bế tắc”. Đoàn làm phim đã phải đi tìm chọn cảnh ở hầu hết các tỉnh miền Bắc và miền Trung, và thật may mắn đã tìm ra “cầu Hiền Lương” tại một vùng hẻo lánh thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Hai chiếc cầu giống nhau đến kỳ lạ, họa sĩ thiết kế chỉ cần sơn hai màu chia cắt khác nhau. Nhưng riêng Cửa Tùng, đoàn đã phải quay một viễn cảnh ngay tại cửa sông Bến Hải nhìn sang đồn cảnh sát bờ Nam của quân địch.

Đạo diễn Hải Ninh và diễn viên Trà Giang bên cầu Hiền Lương năm 1972. Ảnh: Tư liệu

Đạo diễn Hải Ninh và diễn viên Trà Giang bên cầu Hiền Lương năm 1972. Ảnh: Tư liệu

Khi bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm bắt đầu quay cũng là lúc các mặt trận Khe Sanh, Cam Lộ, Nam Lào… diễn ra ác liệt. Những người làm phim mang niềm tin thật mãnh liệt vào chiến thắng của quân ta. Niềm tin ấy mang lại hy vọng dường như “siêu thực” khi họ mong những xe tăng, xe bọc thép, vũ khí, chiến lợi phẩm quân ta thu được của Mỹ - Ngụy sẽ là những đạo cụ phục vụ bộ phim. Nhưng trước đấy, đoàn đã nhận được sự hỗ trợ ngay tại mặt trận giới tuyến. Đại tá Vũ Kỳ Lân, Chính ủy biệt khu quân sự vùng giới tuyến Vĩnh Linh, thay mặt Bộ Tư lệnh đã tận tay tặng đoàn và hướng dẫn sử dụng những khẩu súng chiến lợi phẩm ngay trước khi những trận đánh đêm lại bắt đầu.

Miền Nam thắng lớn, các chiến lợi phẩm như xe bọc thép, vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng được đem ra Bắc. Đoàn phim đã gấp rút quay đại cảnh lớn nhất tại sân bay Hòa Lạc, nơi máy bay Mỹ ngày nào cũng dội bom, bắn phá. Để bảo đảm an toàn, đoàn phim đã phải tìm hiểu quy luật đánh phá của địch, và mỗi khi được Bộ Quốc phòng cho phép quay là dốc sức làm hết mình; điều tự hào đặc biệt của bộ phim là chính những đạo cụ còn khét mùi thuốc súng từ chiến trường.

6.000 người dân của bảy xã vùng ven biển Hải Hậu làm diễn viên quần chúng trong trường đoạn đấu tranh của “đội quân tóc dài”. Trường đoạn nhà tù đông tới hàng trăm người với sự đóng góp của hầu hết nghệ sĩ từ các đoàn kịch, tuồng, chèo, đoàn nghệ thuật Nam Bộ, Liên khu V, Bình Trị Thiên. Nhưng cảm động nhất khi một số chị em cán bộ hoạt động ở miền Nam, những cựu tù nhân của Nhà lao Thừa Phủ ở Huế đòi tham gia đóng phim; những diễn viên đặc biệt này đã tới trường quay bằng những chiếc cáng và bằng cả tấm lòng ruột thịt Bắc - Nam.

Vĩ tuyến 17 ngày và đêm giai đoạn quay đã vượt qua bao khó khăn, gian khổ, đến giai đoạn hậu kỳ, lồng tiếng, hòa âm, in tráng… lại rơi vào giữa thời gian 12 ngày đêm Mỹ ném bom Thủ đô Hà Nội bằng pháo đài bay B52. Đạo diễn Hải Ninh tả lại: “Cái đêm khủng khiếp đầu tiên ấy bắt đầu từ những tiếng bom rền khác thường. Nó giống như âm thanh ngầm trong lòng đất sắp làm sụt lở, nổ tung tất cả. Chúng tôi ngồi trong chiếc xe hòa âm mà vẫn thấy những ánh chớp lân tinh ma quái lóe sáng liên tiếp làm sáng lóa cả màn hình, cùng với những tiếng nổ inh tai chấn động mặt đất, làm xe nghiêng ngả, tưởng chừng không bao giờ dứt”.

Đoạn hòa âm cuối cùng hoàn thành vào một ngày mùa đông năm 1972 trong niềm vui khôn tả của đoàn làm phim. Vĩ tuyến 17 ngày và đêm đã đi một hành trình dài, kể từ những ngày đầu thai nghén ý tưởng kịch bản, được nghe câu chuyện của người nữ Bí thư chi bộ nơi vĩ tuyến 17 năm 1967, đến khi hoàn thành. Từ hiện thực đau thương, chia cắt bên bờ sông Bến Hải, những nghệ sĩ điện ảnh đã sống trọn vẹn với bộ phim bằng tài năng xuất sắc, bằng tình yêu quê hương với khát vọng trở về trong ngày thống nhất. Đạo diễn Hải Ninh đã luôn giữ niềm tin mỗi khi nhớ tới chị Diệu, nguyên mẫu của nhân vật Dịu do diễn viên Trà Giang đóng: “Trong đôi mắt sâu thẳm của người đàn bà ấy, tôi vẫn thấy ngọn lửa cháy âm ỉ suốt đêm ngày cho một tình yêu chung thủy, một niềm tin son sắt về ngày giải phóng quê hương”.

Khi Vĩ tuyến 17 ngày và đêm dự thi tại Liên hoan phim quốc tế Moscow năm 1973 với sự tham gia của gần 100 quốc gia, dư luận nước ngoài đã rất ngạc nhiên về hoàn cảnh ra đời của bộ phim. Họ khâm phục những ý tưởng cũng như việc thực hiện bộ phim trong hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo của chiến tranh. Năm 1978, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm và Cánh đồng hoang được mời trình chiếu tại Nhật Bản. Đồng nghiệp Nhật Bản “kinh ngạc về sự ra đời của bộ phim, đặc biệt là tính quy mô, hoành tráng và tính khái quát của nó; thông thường một bộ phim có độ dài như vậy, ngay cả các nước có nền điện ảnh phát triển cũng phải để sau chiến tranh mới có điều kiện thực hiện; nhưng ở đây, các nhà điện ảnh Việt Nam lại có thể thực hiện trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt”.

Văn hóa - Thể thao

Tác giả tại bờ bắc bến sông Thạch Hãn - Nơi từng diễn ra các đợt trao trả tù binh chiến tranh theo một điều khoản Hiệp định Paris 1973
Văn hóa - Thể thao

Thạch Hãn chảy mãi khúc khải hoàn ca

Tròn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày đất nước trọn niềm vui, Bắc - Nam sum họp một nhà trong hòa bình, thống nhất; những ngày tháng ấy, hàng triệu người con đất Việt mừng vui, vất vả ngược xuôi vượt sông Thạch Hãn để vào Nam hay ra Bắc, tìm lại người thân yêu sau bao năm dài chiến tranh, ly tán. Làm sao quên dòng sông ấy từng là giới tuyến, gánh vác sơn hà, xã tắc trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc cho đến ngày đại thắng mùa Xuân năm 1975, non sông thu về một mối.

GS.TS PHẠM HỒNG TUNG (Đại học Quốc gia Hà Nội)
Văn hóa - Thể thao

Tinh thần, cốt cách của người Việt Nam

Theo GS.TS. PHẠM HỒNG TUNG (Đại học Quốc gia Hà Nội), thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một thành quả vĩ đại của cách mạng Việt Nam, khẳng định ý chí thống nhất đất nước không gì lay chuyển, khát vọng hòa bình cháy bỏng của Nhân dân Việt Nam, được hun đúc bởi truyền thống chống ngoại xâm từ trong lịch sử đến ngày nay.

Cao cả đức hy sinh - Mạch nguồn dựng xây đất nước
Văn hóa - Thể thao

Cao cả đức hy sinh - Mạch nguồn dựng xây đất nước

Đại thắng mùa Xuân 1975 đã khắc ghi những trang sử hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Tinh thần hy sinh cao cả ấy - vì nước quên thân, vì dân quên mình - đã trở thành mạch nguồn bất tận, hun đúc niềm tin và khát vọng vươn mình của dân tộc ta. Hôm nay, trong hào khí tháng Tư lịch sử, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang tiếp nối mạch nguồn ấy bằng cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhà nước - dám hy sinh lợi ích cá nhân vì một Việt Nam phồn vinh và thịnh vượng.

"Binh chủng đặc biệt" lay động cả non sông
Văn hóa - Thể thao

"Binh chủng đặc biệt" lay động cả non sông

Trên thế giới, hiếm có dân tộc nào sở hữu thứ "vũ khí" bảo vệ Tổ quốc độc đáo như vậy. "Vũ khí" ấy không phải gươm giáo, đạn bom, mà là những vần thơ thấm đẫm máu và hoa, là khúc ca hùng tráng át tiếng bom đạn, là thước phim lay động trái tim, là nét vẽ kiên cường trên trang giấy… Tất cả đã tạo nên sức mạnh tinh thần phi thường, đủ sức lấn át mọi vũ khí, hun đúc ý chí, tôi luyện quyết tâm đánh thắng kẻ thù, giành lại tự do cho Tổ quốc.

Trải qua chiến tranh càng thấy giá trị của hòa bình
Văn hóa - Thể thao

Trải qua chiến tranh càng thấy giá trị của hòa bình

Trưa ngày 30.4.1975, quân ta tiến vào Sài Gòn, chiếm Dinh Độc Lập. Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh lên đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. “Khi Đài Tiếng nói Việt Nam vừa đưa dứt thông tin đó, chúng tôi nhảy cẫng lên ôm chầm lấy nhau, nước mắt lưng tròng. Đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc”...

Vòng tay lớn mãi để nối sơn hà...
Văn hóa - Thể thao

Vòng tay lớn mãi để nối sơn hà...

Thời gian có làm phai mờ dấu vết chiến tranh nhưng ký ức hào hùng vẫn in đậm trong trí nhớ những người có mặt trong thời khắc lịch sử 50 năm trước. Nhắc nhớ câu chuyện ấy tiếp thêm ngọn lửa truyền cảm hứng, biến niềm tin và tự hào thành động lực dựng xây Tổ quốc hôm nay.

50 năm thống nhất đất nước, vẹn nguyên ký ức ngày giải phóng
Văn hóa

Vẹn nguyên ký ức ngày giải phóng

50 năm đã trôi qua nhưng ký ức về ngày nối non sông liền một dải vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những người đã chiến đấu vì đất nước, trong đó có Đại tá Trương Quang Siều, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình.

Chính thức ra mắt sách “Con đường tương lai”
Văn hóa

Chính thức ra mắt sách “Con đường tương lai”

Ngày 29.4, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục và Môi trường cùng một số doanh nghiệp tổ chức lễ ra mắt cuốn sách “Con đường tương lai” - Tập 1 của nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn.

Nhân dân Sài Gòn - Gia Định kéo về Dinh Độc Lập chào mừng Quân giải phóng
Văn hóa - Thể thao

Nghệ thuật tạo và chớp thời cơ

Nghệ thuật tạo thời cơ, chớp thời cơ là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975; thay vì 2 năm như kế hoạch đã đề ra, chúng ta chỉ mất 55 ngày đêm thu non sông về một mối.

Ký họa sống động những ngày tiến về Sài Gòn
Văn hóa - Thể thao

Ký họa sống động những ngày tiến về Sài Gòn

Chứng kiến sự gian khổ của bộ đội ta trong những ngày kháng chiến và cả niềm hân hoan của ngày thống nhất, ông Trần Mạnh Tuấn, một họa sĩ không chuyên, nguyên phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, đã thực hiện các bức ký họa bằng bút sắt sinh động ghi lại lịch sử không thể nào quên của dân tộc.

“Cho con là người Việt Nam” - Khi âm nhạc cất lên niềm tự hào dân tộc
Văn hóa

“Cho con là người Việt Nam” - Khi âm nhạc cất lên niềm tự hào dân tộc

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) và 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2.9.1945 - 2.9.2025), MV "Cho con là người Việt Nam" của Tùng Dương chính thức được ra mắt như một lời tri ân sâu sắc tới lịch sử hào hùng của dân tộc và gửi gắm khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ Việt Nam.