Ký ức tự hào
Trước tình hình cách mạng miền Nam chuyển biến rất nhanh chóng theo hướng có lợi cho ta, đặc biệt là “đòn trinh sát chiến lược” từ chiến thắng Phước Long mang đến, Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Sau khi thực hiện nghi binh ở Bắc Tây Nguyên nhằm đánh lạc hướng của địch, ta đã nổ súng đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột. Chiến thắng Buôn Ma Thuột đã bẻ gãy “sống lưng” của địch, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch trên toàn chiến trường miền Nam.
Sau chiến dịch Tây Nguyên kết thúc thắng lợi vào ngày 3.4.1975, đến chiến dịch Huế - Đà Nẵng toàn thắng (Huế giải phóng ngày 26.3.1975; Đà Nẵng giải phóng ngày 29.3.1975), Bộ Chính trị đã xác định phương châm chỉ đạo giải phóng miền Nam là “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, toàn quân và dân ta đồng loạt tiến công và nổi dậy. Trưa ngày 30.4.1975, lá cờ cách mạng đã tung bay trên nóc dinh Độc Lập, kết thúc vẻ vang 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.

Bộ đội làm chủ sân bay Tân Sơn Nhất, cờ giải phóng tung bay tại sân bay ngày 30.4.1975. Ảnh: TTXVN
Với nghệ thuật lãnh đạo tài tình và sáng suốt, Đảng đã lãnh đạo toàn quân và dân ta "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào", giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối, viết nên những trang sử vàng của dân tộc và thực hiện được Di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập…”.
Đằng sau chiến công hiển hách của cả dân tộc đã có không biết bao nhiêu người con thân yêu đã không tiếc máu xương dâng hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc; thậm chí có những người mãi cho đến nay, dù chúng ta rất cố gắng nhưng vẫn chưa tìm được nơi các anh, chị đã nằm xuống vì đất nước hôm nay. 50 năm qua, đức hy sinh "vì nước quên thân" của những người con thân yêu của đất Việt như tô thắm rực rỡ lá cờ Tổ quốc đang tung bay với bạn bè khắp năm châu. Đức hy sinh cao cả đó còn là niềm tự hào lớn lao của cả dân tộc Việt Nam, được nâng niu, trân trọng, giữ gìn.
Tiếp nối mạch nguồn đức hy sinh
Chiến thắng vĩ đại ngày 30.4 đã làm thức tỉnh lương tri nhân loại yêu chuộng hòa bình, ghi dấu ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam. Hôm nay, trong hào khí tháng Tư, tinh thần tiến công cách mạng ấy tiếp tục giục giã chúng ta vững bước trên hành trình phát triển mới - với một yêu cầu cấp bách: tinh gọn bộ máy nhà nước, nâng cao năng lực phục vụ Nhân dân, đáp ứng khát vọng dựng xây đất nước trong kỷ nguyên mới bắt đầu sau Đại hội XIV của Đảng.

Trưa ngày 30.4.1975, xe tăng quân Giải phóng băng qua cánh cổng sắt đánh chiếm Phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi. Ảnh: TTXVN
Ở mỗi thời kỳ cách mạng, yêu cầu đối với bộ máy nhà nước luôn song hành cùng nhiệm vụ phát triển. Một bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc, trì trệ không thể "gánh" nổi sứ mệnh lớn lao của dân tộc. Thực tế vẫn còn tồn tại tình trạng công chức thụ động, hình thức, gây lực cản không nhỏ cho công cuộc đổi mới và bứt phá. Đối mặt với sự trì trệ ấy không dễ dàng. Đó là cuộc chiến cam go khi "ta đối mặt với chính ta" - khác xa với những cuộc chiến đối đầu quân thù. Bản lĩnh, quyết tâm và tinh thần dấn thân vì dân tộc mới có thể vượt qua thử thách này.
Hy sinh lợi ích cá nhân vì mục tiêu chung của quốc gia là đức hy sinh cao cả trong thời bình. Khác với hy sinh trong chiến tranh, nhưng không kém phần vĩ đại - bởi nó cũng đòi hỏi lòng can đảm, tinh thần vì nước quên mình. Ngày hôm nay, đất nước đã và đang có những cán bộ, đảng viên, công chức đầy đủ bản lĩnh, trách nhiệm, quyết tâm rất cao để lãnh đạo và thực hiện thành công cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Cần khích lệ, tôn vinh những con người ấy - đồng thời, dũng cảm dẹp bỏ tâm lý an phận, tư duy trì trệ, và hun đúc tinh thần hy sinh vì tương lai phồn vinh, thịnh vượng của dân tộc.
Bừng sáng, soi đường cho dân tộc
50 năm sau ngày non sông thu về một mối, trong bối cảnh lịch sử mới của dân tộc, tinh thần hy sinh vì Tổ quốc tiếp tục được hun đúc và khẳng định mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang quyết tâm thực hiện một cuộc cách mạng mới: Cách mạng tinh gọn bộ máy. Một cuộc cách mạng không tiếng súng nhưng đòi hỏi sự hy sinh lợi ích cá nhân rất lớn lao - để dành chỗ cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: Muốn "vươn mình" trong kỷ nguyên mới, đất nước cần một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, sát dân, vì dân. Không thể để tồn tại bộ phận công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, trì trệ, lãng phí nguồn lực quý báu của quốc gia. Cuộc tinh gọn bộ máy lần này đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân, vị trí cá nhân, thậm chí cả “ghế ngồi” quen thuộc vì mục tiêu chung của dân tộc.
Không khí của những ngày tháng Tư lịch sử đang tiếp thêm lửa cho ý chí ấy. Nếu 50 năm trước, cha ông ta "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", thì hôm nay, tinh thần đó được tiếp nối bằng quyết tâm "dám dấn thân, dám chịu thiệt thòi cá nhân" vì sự phồn vinh của đất nước. Mỗi tấm gương dám hy sinh hôm nay là một bản anh hùng ca thời bình, góp phần dựng xây Việt Nam vững vàng, tự tin bước vào kỷ nguyên mới của phồn vinh và thịnh vượng.
Hôm nay đây, toàn thể dân tộc Việt Nam càng thêm tự hào về Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - chiến thắng đã làm rạng danh non sông gấm vóc. Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, niềm tin tất thắng ấy lại được khẳng định trong một cuộc cách mạng mới: Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhà nước - vì một Việt Nam vững vàng vươn mình, tự tin bước vào kỷ nguyên phồn vinh và thịnh vượng.
Niềm tin ấy, ý chí ấy, đức hy sinh ấy - hôm nay lại bừng sáng, soi đường cho dân tộc Việt Nam vươn cao giữa năm châu bốn bể.