Nghệ thuật tổ chức toàn dân đánh giặc
Theo Đại tá, TS. Lê Thanh Bài, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam, Đại thắng mùa Xuân 1975 là hiện thân của sức mạnh tổng hợp chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Trong đó, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vừa là nền tảng, vừa là trụ cột, nhân tố quyết định thắng lợi.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã “thống nhất nhận thức, thống nhất ý chí, thống nhất hành động; đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết Bắc - Nam, đoàn kết quân - dân, trên dưới một lòng, triệu người như một”, tạo nên sức mạnh vô địch làm nên kỳ tích chống ngoại xâm trong thế kỷ XX.

“Chủ trương xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nội dung cốt lõi, xuyên suốt đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đối đầu với họa xâm lược của đối phương có tiềm lực kinh tế và quân sự khổng lồ, vượt trội, Đảng ta khẳng định để hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, không còn con đường nào khác là phải tiến hành chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện. Để động viên và tổ chức lực lượng cả nước đánh giặc, phải thắt chặt và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là nội dung cơ bản, trọng yếu và xuyên suốt của đường lối chiến tranh nhân dân Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”, TS. Lê Thanh Bài phân tích.
Sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ được xây dựng trên cơ sở nhất trí cao về chính trị, mục tiêu đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thực hiện hòa bình, thống nhất đất nước mà còn được khơi dậy và nhân lên từ nguồn lực tinh thần của chủ nghĩa yêu nước, truyền thống đồng lòng trong đấu tranh dựng nước và giữ nước, tình cảm gắn bó quân - dân, nghĩa đồng bào hai miền Nam - Bắc.
TS. Lê Thanh Bài cho rằng, đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc, nghệ thuật tổ chức toàn dân đánh giặc đã tạo nên sự đồng tâm, hiệp lực của mọi giai tầng xã hội; mọi người dân Việt Nam, không kể địa vị, giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp, vị trí công tác... đều trở thành “chiến sĩ diệt Mỹ”, tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân thiên biến vạn hóa, nguồn nội lực vững chắc, to lớn, đưa sự nghiệp kháng chiến đến toàn thắng.

Bàn về vấn đề này, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Văn Nhật cho biết thêm, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của đất nước, trong Đại thắng mùa Xuân 1975, Đảng ta đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến hành đồng thời cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là con đường giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân duy nhất đúng đắn mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
Phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng
Phát huy cao độ tinh thần quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam phát triển với việc đã xây dựng được các quân chủng, binh chủng kỹ thuật, không quân, lực lượng cơ động và bộ đội tinh nhuệ, đội ngũ cán bộ cấp cao quân đội và cử những cán bộ có kinh nghiệm tác chiến tập trung vào chiến trường "cùng đồng bào miền Nam đánh Mỹ cho kỳ thắng lợi".
Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Nhật, Ðảng ta đã đưa cuộc chiến tranh nhân dân trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước phát triển nhảy vọt với nhiều nội dung và hình thức mới. Thêm nữa, qua thực tiễn chiến đấu, quần chúng lại sáng tạo thêm nhiều cách đánh hay, làm cho cuộc chiến đấu của quân dân ta càng đa dạng về loại hình tác chiến, sâu đậm về tính nhân dân, phong phú về sự kết hợp giữa thô sơ với hiện đại, khiến quân Mỹ rơi vào thế trận bị động, quân số bị tiêu hao, tiêu diệt ngày càng nhiều, ý chí ngày càng suy sụp.
Giới cầm quyền Mỹ, mặc dù nhiều mưu đồ song cuối cùng cũng nhận thấy không thể thắng nổi đối phương, buộc phải rút quân về nước. Rơi vào thế trận chiến tranh nhân dân, quân ngụy bị đánh từ mọi phía, mọi nơi, tinh thần chiến đấu ngày càng giảm sút.

Đặc biệt, bước vào thời kỳ trực tiếp tạo thế cho chiến dịch Hồ Chí Minh, căn cứ vào dự kiến kế hoạch và yêu cầu của thế trận chiến dịch, ta vừa đánh địch bên ngoài, vừa đánh địch bên trong, vừa thọc sâu đánh hiểm, trong ngoài cùng đánh, cũng như phát huy cùng lúc toàn bộ sức mạnh của mọi lực lượng...
Vì vậy, ngay từ lúc mở đầu chiến dịch, ta đã hình thành được thế bao vây chia cắt địch ở phạm vi toàn chiến dịch và từng khu vực địch để tiêu diệt, không cho địch ứng cứu lẫn nhau, không cho chúng co cụm, tháo lui chạy thoát.
TS. Lê Văn Phong, Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, khẳng định, giai đoạn cuối của chiến dịch Hồ Chí Minh, với mục tiêu hướng ra tiền tuyến, nhân dân miền Bắc đã dốc toàn bộ sức mạnh cho miền Nam thực hiện chiến dịch. Còn ở miền Nam tập trung tất cả sức mạnh vào hoạt động tiến công quân sự của các binh đoàn chủ lực, lực lượng vũ trang địa phương và nổi dậy tại chỗ của quần chúng nhân dân địa phương, liên kết phối hợp, hỗ trợ nhau, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn của toàn dân tộc. Từ sức mạnh đó, quân dân ta đánh địch trên thế mạnh, áp đảo, kết thúc chiến tranh hợp với quy luật mạnh thắng, yếu thua.
"Ðại thắng mùa Xuân 1975 để lại bài học sâu sắc về sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân chống xâm lược. Ðó là sức mạnh toàn dân đánh giặc", TS. Lê Văn Phong nhấn mạnh.