Góp ý cụ thể về nhiệm vụ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu Trần Thị Hiền nêu rõ, tại điểm b, khoản 2, Điều 63 dự thảo Luật có quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch sử dụng cấp tỉnh gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến trước khi trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định...” và tại khoản 1, Điều 69 về trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Dự thảo Luật cũng quy định: "Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì giúp Chính phủ trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia".
Theo các quy định trên thì Bộ Tài nguyên và Môi trườngsẽ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia và cho ý kiến đối với quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Tuy nhiên, theo đại biểu quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã có trong quy hoạch sử dụng đất Quốc gia; khixây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch sử dụng cấp tỉnh thìđã căn cứ vào: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng; quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành có sử dụng đất cấp quốc gia, liên tỉnh theo quy định tại Điều 65; do vậy, để giảm bớt thủ tục hành chính và thực hiện chủ trương của Đảng về phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương, đại biểu Trần Thị Hiền đề nghị Dự thảo Luật không quy định nội dung phải xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với nhiệm vụ lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; đề nghị sửa lại điểm b khoản 2 Điều 63 dự thảo như sau: "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch sử dụng cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và phê duyệt nhiệm vụ lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh".
Về kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện tại Điều 67, đại biểu Trần Thị Hiền đồng tình với một số ý kiến mà trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế đã đề cập đó là: không quy định việc lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện trong dự án luật, vì thực chất kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện chỉ mang tính chất tập hợp, tổng hợp thông tin, ít có tính khả dụng, rất mất thời gian và gây lãng phí nguồn lực. Trong trường hợp luật vẫn quy định phải có kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, đại biểu đề nghị cần đơn giản hoá các tiêu chí và nội dung của kế hoạch không nên quá chi tiết cụ thể sẽ gây rất nhiều khó khăn vướng mắc cả trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch. Hiện nay, việc lập kế hoạch sử dụng đất phải căn cứ vào danh mục thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đang là vấn đề gặp rất nhiều vướng mắc của các địa phương, vì vậy trong kế hoạch sử dụng đất đề nghị chỉ cần quy định: Hội đồng nhân dân thông qua danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trước khi quyết định thu hồi đất là đủ.
Về vấn đề thu hồi đất, theo quy định tại Điều 79 dự thảo quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và điểm b, khoản 1, Điều 126 dự thảo quy định về Giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất quy định:đối với dự án nhà ở thương mại mà quy mô từ 10 ha trở lên (tại khu vực nông thôn), từ 5 ha trở lên (tại khu vực đô thị) thì thuộc trường hợp phải đấu thầu để thực hiện dự án có sử dụng đất và nhà nước phải thực hiện việc thu hồi đất.Như vậy theo quy định trên thì những dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10 ha (đối với khu vực nông thôn) dưới 5 ha (đối với khu vực đô thị) sẽ không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất mà phải thỏa thuận để nhận quyền sử dụng đất; phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh giảm quy mô diện tích dự án nhà ở thương mại tại điểm b, khoản 1, Điều 126 xuống (5 ha đối với khu vực nông thôn, 3 ha đối với khu vực đô thị) vì ở những tỉnh không phải là các tỉnh thuộc trung tâm của vùng kinh tế, các tỉnh miền núi thì như quy mô hiện nay theo dự thảo rất khó khăn trong việc thỏa thuận để nhận quyền sử dụng đất thực hiện dự án. Đồng thời, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định:Đối với dự án nhà ở thương mại có 100% diện tích đất nông nghiệp (bao gồm cả diện tích giao thông, thủy lợi nội đồng) mà dưới mức quy định về quy mô diện tích thì nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án và nhà đầu tư không phải thỏa thuận.Dự án mà nhà đầu tư có quyền SDĐ (không phân biệt phải có đất ở hoặc đất ở và các loại đất khác) để thực hiện dự án thì được phép chuyển mục đích sử dụng đất để làm nhà ở thương mại.
Về giá đất, tại điểm a, khoản 1, Điều 158 dự thảo luật quy định: Phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường; việc xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập. Đại biểu Hiền cho rằng, khái niệm “nguyên tắc thị trường” rất trừu tượng, khó xác định vì nó phụ thuộc vào thời điểm và yếu tố cá nhân chủ quan của người mua. Hiện nay, quy định của các phương pháp xác định giá đất chưa rõ ràng, không cụ thể trong cách tính, do vậy sẽ nảy sinh tình trạnh cùng một khu đất nhưng nếu xác định theo các phương pháp khác nhau sẽ cho kết quả rất khác biệt nhau. Thời gian qua, ở một số địa phương nhiều cán bộ ngành Tài nguyên và Môi trường đã vi phạm pháp luật trong việc định giá đất; vấn đề này có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có nguyên nhân từ quy định của các phương pháp định giá đất chưa rõ ràng làm cho các cách hiểu khác nhau. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần quy định chi tiết nội dung phương pháp xác định giá đất, điều kiện áp dụng phương pháp xác định giá đất trong Dự thảo Luật Đất đai một cách rõ ràng, cụ thể để dễ thực hiện, đồng thời cụ thể hoá cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện.