Theo ĐBQH Nguyễn Hữu Thông, Điều 118 bản thảo trước đây của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đưa đất xây dựng nhà ở tập trung cho người lao động trong khu công nghiệp thuê vào nhóm đối tượng Nhà nước giao đất nhưng không thu tiền sử dụng đất.
“Theo tôi, đây là quy định hết sức đúng, hết sức nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, nhà nước đến đời sống của công nhân, người lao động là những người tạo ra của cải vật chất cho xã hội; mà thực tế như tất cả chúng ta đều biết đời sống của công nhân, người lao động nhất là việc tiếp cận đất đai, nhà ở hết sức khó khăn”, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuậnnói.
Tuy nhiên, theo đại biểu, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách không còn quy định nhân văn nói trên.
Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung “đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao” vào diện Nhà nước giao đất nhưng không thu tiền sử dụng đất tại Điều 114 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
“Khi chủ đầu tư được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất thì giá thành nhà ở sẽ giảm xuống, như vậy, công nhân mới dễ tiếp cận đất đai, ổn định nơi ở”, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông nhấn mạnh.
Mặt khác, dự thảo Luật hiện chưa quy định nhà ở cho công nhân, người lao động có gắn với hạ tầng khu công nghiệp hay tách bạch riêng với hạ tầng khu công nghiệp.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông cho rằng nên quy định nhà ở công nhân gắn liền với hạ tầng khu công nghiệp.
“Như vậy, hạ tầng khu công nghiệp ở đây sẽ có nhà ở, trường học cho con em công nhân, có cửa hàng, siêu thị, có dịch vụ y tế, và các dịch vụ thiết yếu khác cho công nhân. Có như vậy tôi tin chắc rằng người công nhân sẽ an tâm ở và lao động sản xuất trong phạm vi xí nghiệp, nhà máy của mình và năng suất lao động sẽ tăng lên và các chủ nhà máy, xí nghiệp sẽ không còn đau đáu tìm lao động sau mỗi lần nghỉ lễ, Tết”, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông phân tích.