Việc lựa chọn nội dung “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” làm chủ đề cho Diễn đàn kinh tế - xã hội năm 2023 là rất phù hợp với tình hình quốc tế và bối cảnh kinh tế - xã hội của nước ta, nhất là năm 2023 - năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Đây là bài toán lớn vừa cấp thiết cho các năm còn lại của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, vừa căn cơ cho các năm tiếp theo, nhất là giai đoạn 2026 - 2035.
Quyết tâm chính trị caothực hiện khát vọng phát triển
Sau gần 37 năm thực hiện sự nghiệp Đổi mới, chuyển từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, phi thị trường sang kinh tế thị trường, chúng ta đã đạt được những thành quả khá toàn diện và đã rút ngắn được khoảng cách tụt hậu so với khu vực và thế giới. Năm 2010 là thời điểm đánh dấu mốc phát triển quan trọng khi nước ta chuyển từ một nước thu nhập thấp sang nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (GRD/người vượt ngưỡng 1.100 USD) và năm 2022 đã chuyển sang quốc gia có thu nhập trung bình (vượt ngưỡng 4.100 USD), nhưng thời kỳ dân số vàng cũng chỉ còn kéo dài đến sau năm 2035. Do đó, trong 10 - 15 năm tới là thời kỳ có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ để chúng ta tiếp tục rút ngắn sự tụt hậu so với thế giới và khu vực, mà còn có ý nghĩa lớn hơn đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tăng tiềm lực kinh tế để giữ vững an ninh, quốc phòng, tạo thế đứng cho Việt Nam trong quan hệ khu vực và quốc tế.
Vấn đề đặt ra, đó là đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm chính trị cao, hành động với khát vọng cháy bỏng của cả dân tộc; cùng sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, tạo sức lan tỏa đến Nhân dân, tạo niềm tin lâu dài cho doanh nghiệp và tương lai của các thế hệ để vượt qua chính mình.
Khai thác hiệu quả 4 trụ cột tăng trưởng
Trong bài toán phát triển cần đặt mục tiêu tăng trưởng cao như một quyết tâm chính trị để tính bài toán ngược lại về nguồn lực và động lực. Kinh nghiệm những quốc gia thành công trong sự nghiệp công nghiệp hóa trong nửa cuối thế kỷ XX đều dựa vào sự quyết tâm chính trị của cả dân tộc.
Xét về tiềm năng, địa kinh tế của quốc gia và thời cơ của thời đại có bước nhảy vọt về thành tựu khoa học - công nghệ, cần khai thác có hiệu quả 4 trụ cột kinh tế nhằm tăng cường năng lực nội sinh. Một là, nền nông nghiệp nhiệt đới, tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu thông qua đổi mới mô hình tổ chức sản xuất và ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; nông nghiệp sạch. Hai là, lợi thế của kinh tế biển (bao gồm các khu kinh tế ven biển); lợi thế của quốc gia “mặt tiền biển”, phát triển các khu kinh tế ven biển và dịch vụ cảng, logistics. Kinh tế biển không chỉ tạo sức lan tỏa cho các ngành kinh tế khác phát triển mà còn là phục vụ cho mục tiêu an ninh, quốc phòng; gìn giữ chủ quyền biền đảo. Ba là, phát triển ngành công nghiệp du lịch nhằm đưa Việt Nam thành điểm đến của du lịch toàn cầu. Bốn là, phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa (đây là dư địa rất lớn khi chúng ta đô thị hóa chưa đến 40%).
Phát triển kinh tế bền vững theo tôn chỉ: tăng trưởng kinh tế nhanh, an toàn và chất lượng cả hệ thống kinh tế, chứ không riêng rẽ ngành hay lĩnh vực nào. Câu hỏi đặt ra là trong nền kinh tế hiện nay những lĩnh vực nào có nhiều dư địa để phát triển? Dư địa không phải ở những ngành kinh tế cụ thể, mà chính là ở thể chế. Nền kinh tế Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển nếu tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, mà trước hết là tư duy “Nhà nước làm thay thị trường” và mặt khác ở thái cực “bắt thị trường làm thay Nhà nước” (lạm dụng hình thức xã hội hóa).
Giải quyết trục trặc từ mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường
Trước hết cần cụ thể hóa trong từng đạo luật về quản lý nhà nước, trong từng lĩnh vực về chức năng quản lý của Nhà nước phù hợp với thuộc tính của cơ chế thị trường.
Vấn đề đặt ra là: Nếu thiếu tư duy hệ thống về quản lý nhà nước phù hợp với sự vận hành của thể chế kinh tế thị trường, thì mọi nỗ lực cải cách riêng lẻ sẽ không mang lại hiệu quả, mà sự mâu thuẫn và phức tạp ngày càng tăng thêm.
Nâng cao hiệu quả quản trị nền hành chính công
Nền hành chính công bao gồm 3 bộ phận: thể chế hành chính; bộ máy vận hành; và đội ngũ công chức, viên chức. Một nền hành chính chỉ vận hành hiệu quả khi sự cải cách đồng bộ 3 bộ phận cấu thành này. Trong tình hình hiện nay, tăng cường năng lực nội sinh trước hết là nâng cao hiệu quả và hiệu lực của nền hành chính công trong quản lý kinh tế và quản lý xã hội, bao gồm các nội dung, trong đó cần cải cách 2 vấn đề căn cơ.
Một là, mở rộng phân cấp, phân quyền cho địa phương trong quản lý kinh tế; nâng cao tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Việc phân quyền cần được thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản. Đó là mở rộng phân quyền, nhưng đồng thời phải tạo cơ chế để tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát của chính quyền Trung ương đối với chính quyền địa phương. Cụ thể, Chính phủ cần tập trung vào 3 nhiệm vụ là hoạch định chính sách, ban hành các quy định và kiểm tra giám sát chế tài vi phạm công vụ, còn các quyết định cụ thể liên quan đến đời sống kinh tế ở mỗi địa phương, nên để địa phương thực hiện. Đó là việc phân quyền cần dựa trên nguyên tắc thống nhất của nền hành chính quốc gia, nhưng không đồng nhất, bảo đảm tính chất của một nhà nước đơn nhất, nhưng phải đề cao tính tự chủ của địa phương trên nền tảng lợi thế so sánh, năng lực cạnh tranh của các địa phương, các vùng kinh tế và các đô thị. Xu hướng chung của thế giới là mở rộng quyền tự quản về ngân sách và cung cấp dịch vụ đô thị của chính quyền các đô thị. Đó là việc phân quyền cần được thực hiện theo hướng việc gì cấp dưới, địa phương làm tốt thì giao cho cấp đó thực hiện; cấp nào giải quyết sát thực tế hơn, có điều kiện thực hiện và có hiệu quả hơn thì giao nhiệm vụ, thẩm quyền cho cấp đó. Đó là nhiệm vụ của cấp nào thì cấp đó chịu trách nhiệm toàn bộ, có thẩm quyền đầy đủ.
Trong nền hành chính quốc gia, cần xóa dần cơ chế lồng ghép công vụ: công vụ quốc gia và công vụ địa phương. Không có công vụ nhà nước chung chung. Đây là nền tảng xây dựng mô hình chính quyền địa phương; cụ thể hóa cơ chế phân cấp, phân quyền và ủy quyền giữa Trung ương và địa phương theo từng lĩnh vực quản lý nhà nước; kiểm soát lạm quyền; bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương và phát huy vai trò của các cơ quan dân cử địa phương.
Hai là, cải cách nền tài chính công. Chuyển dần cơ chế ngân sách “lồng ghép”, gọi chung là ngân sách nhà nước như hiện nay, sang cơ chế “tách biệt” ngân sách quốc gia và ngân sách địa phương”; phát huy cơ chế tự chủ ngân sách của địa phương. Đây là cơ sở để cải cách nền tài chính quốc gia. Phải khắc phục tình trạng “xin - cho” trong quy trình lập ngân sách. Phát huy vai trò của các định chế phi lợi nhuận thay cho quan điểm xã hội hóa về dịch vụ công như hiện nay. Nhà nước cung cấp dịch vụ công ích, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học, công nghệ một phần gián tiếp qua các định chế phi lợi nhuận.
Xây dựng hệ sinh thái cho doanh nghiệp phát triển
Về nguyên tắc, Nhà nước không bao cấp rủi ro cho doanh nghiệp, nhưng cũng không tạo ra những rủi ro cho doanh nghiệp bằng các quyết định hành chính của mình. Hiện nay, hệ thống pháp luật của nước ta trong quản lý kinh tế thị trường, tuy chưa hoàn thiện, nhưng cũng đã phủ kín hầu hết các lĩnh vực. Nhưng thực tế hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh tế chưa cao là do sự can thiệp của Nhà nước, ở nhiều cấp chính quyền khác nhau, không phù hợp với sự vận động của thị trường. Nhưng mặt khác, Nhà nước lại thiếu công cụ và cơ chế giám sát, chế tài để bảo đảm các chủ thể tham gia các quan hệ thị trường tuân thủ “luật chơi” đã đề ra. Điển hình nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, xây dựng; vệ sinh an toàn thực phẩm; môi trường…
Đồng thời, cần tạo niềm tin cho doanh nghiệp về tính minh bạch, công minh trong chính sách và trong thực thi pháp luật. Tất cả các quy định của Nhà nước về một vấn đề không thể hiểu khác nhau. Phải quy trách nhiệm đối với những cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mà nội dung mập mờ, có thể hiểu khác nhau khi áp dung.
Cần xây dựng lộ trình từng bước tách biệt cơ quan xây dựng chính sách và cơ quan thực thi chính sách từ Trung ương đến địa phương.
Định vị vai trò của doanh nghiệp Việt trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ
Cần có chính sách, kể cả các biện pháp tình thế khi cần thiết, để thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh trong từng ngành và từng lĩnh vực; làm nòng cốt, dẫn dắt và thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ; làm đối tác ngang tầm với các doanh nghiệp lớn nước ngoài; tạo nên những thương hiệu Việt với tầm nhìn toàn cầu. Tăng cường biện pháp bảo hộ sở hữu trí tuệ; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu Việt. Xây dựng tiêu chí công nhận thương hiệu quốc gia được Nhà nước bảo hộ và kiểm soát trong quá trình mua - bán, sáp nhập (M&A) với doanh nghiệp nước ngoài.
Nghiên cứu cây dựng đạo luật chuyên biệt về tổ chức và vận hành các quỹ đầu tư mạo hiểm, với cơ chế chung cho mọi nguồn vốn tham gia, gắn với hệ sinh thái khởi nghiệp (start-up) với đổi mới sáng tạo. Tách biệt chính sách Nhà nước đầu tư cho khoa học và chính sách Nhà nước hỗ trợ phát triển thị trường công nghê.
Nghiên cứu xây dựng Luật về công nghiệp hỗ trợ gắn với Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện hành nhằm đông bộ hóa việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở tập hợp, thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong cùng nhóm ngành theo mô hình các “cứ điểm sản xuất” (cluster) ở các vùng kinh tế.
Từ thực tiễn những thành tựu đã đạt được trong quá trình khai thác năng lực nội sinh của nền kinh tế cho mục tiêu phát triển trong hơn 30 năm qua, cùng những vấn đề bất cập đang đặt ra hiện nay, nhất là những cơ hội và thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế, để tăng cường năng lực nội sinh, tạo động lực cho tăng trưởng nhanh và bền vững, trong những năm tới, cần tập trung giải quyết 2 nhóm chính sách trọng tâm: Nâng cao quản trị nền hành chính công và xây dựng hệ sinh thái cho doanh nghiệp Việt phát triển.