Ba phần tư số nghị viện tham gia khảo sát (74%) cho biết, việc sử dụng các công cụ số từ trang web đến mạng xã hội là những cách hay để thông báo cho người dân về các vấn đề lập pháp được đề xuất cũng như những vấn đề liên quan đến chính sách được trình ra trước nghị viện
Ngoài ra, để củng cố vai trò giáo dục và thông tin, 64% các nghị viện coi truyền thông kỹ thuật số rất quan trọng trong việc giải thích về vai trò của nghị viện. Người dân có hiểu thì sự đóng góp của họ cho công tác lập pháp và các công việc quan trọng của đất nước mới phát huy hiệu quả tốt nhất. Internet là một không gian tương tác đầy tiềm năng, không còn đóng vai trò kho lưu trữ thông tin và ấn phẩm như trước nữa. 62% nghị viện tham gia khảo sát trong Báo cáo về Nghị viện điện tử của IPU năm 2016 cho biết, họ coi đây là phương tiện hữu ích để thu hút thêm công dân tham gia sâu rộng hơn vào các tiến trình chính trị của đất nước, đặc biệt là giới trẻ, những người thuộc nhóm dân tộc thiểu số hay vùng sâu, vùng xa. Mặc dù vậy, chỉ 26% trong số này coi việc tham gia của công chúng trong quá trình hoạch định chính sách là đặc biệt quan trọng.

Có một điều đáng chú ý, các ủy ban nghị viện trên thế giới cũng đang trở thành “người hâm mộ” của công cụ số để tương tác với công chúng. 2/3 số nghị viện cho biết, các ủy ban cũng sử dụng những trang web của riêng mình để giao tiếp thông tin về những việc họ đang thực hiện, tầm nhìn cũng như quá trình hoạt động của ủy ban. Theo 71% nghị viện, các ủy ban đăng báo cáo cũng như những phát hiện theo yêu cầu của ủy ban trong quá trình lập pháp, giám sát…Thậm chí có ủy ban còn dùng trang web để tìm kiếm các đề xuất và bình luận trực tiếp từ công chúng. Mạng xã hội cũng thâm nhập vào công việc của các ủy ban nghị viện để phục vụ cho các mục đích đó
Tuy nhiên, những mong muốn giao tiếp trên cũng vấp phải nhiều “phong ba, bão táp”. Có tới 43% nghị viện coi việc thiếu kiến thức về công nghệ của các thành viên đã làm hạn chế khả năng sử dụng hiệu quả các công cụ kỹ thuật số trong việc kết nối với người dân. Làm sao mà các “ông nghị, bà nghị” có thể trò chuyện, tham khảo ý kiến những người bầu ra mình trong khi không biết sử dụng máy tính nối mạng, ipad, điện thoại thông minh hay “mù tịt” về các ứng dụng hỗ trợ trực tuyến có khả tương tác hiệu quả như Facebook, Twitter, Youtube, Whatapp…

Ngược lại, chính việc người dân không quen với quy trình lập pháp cũng là một trong những thức thách lớn nhất cho các nghị viện (57% nghị viện công nhận điều này) khi tìm cách khuyến khích họ sử dụng công nghệ. Thực tế cho thấy, khá nhiều người tỏ ra mù mờ về vai trò, chức năng của nghị viện, dẫn đến việc thờ ơ, không quan tâm xem những người đại diện cho mình làm được những gì, từ đó khó đưa ra được những đóng góp thực tế thiết thực cho hoạt động của nghị viện. Những yếu tố khác cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến việc giao tiếp hiệu quả giữa người dân và nghị viện là việc quá tải của sử dụng email, sự thịnh hành của các cuộc thảo luận nhóm nhỏ hay cá nhân, thiếu minh bạch trong quá trình hoạt động. Có nghị viện cho rằng, tính minh bạch cần được nâng cao hơn nữa trước khi quá trình giao tiếp với công chúng trở nên thực chất. Bên cạnh đó, ở nhiều quốc gia, mạng lưới Internet phát triển chậm chạp khiến người dân không tiếp cận được nhiều với công nghệ, huống hồ là tra cứu hay tương tác với các nghị viện trực tuyến. Việc bảo vệ dữ liệu cũng là một trở ngại tiềm tàng, ngăn người dân tiếp cận thông tin nghị viện đầy đủ hay việc các hoạt động nghị viện chậm đổi mới, thiếu thiết thực có thể gây nhàm chán cho những người muốn quan tâm.
Hạ viện Brazil cũng đã từng sử dụng “hackathon” công khai để phát triển những ứng dụng giúp công dân có thể dễ dàng hiểu và kết nối với các công việc của nghị viện. Trái với tên gọi của nó, hackathon không phải là một sự kiện mà những người tham gia sẽ tìm cách “hack” một cái gì đó. Theo giải thích trên Wikipedia, hackathon là một sự kiện mà các lập trình viên, cùng những người liên quan trong ngành phát triển phần mềm như các nhà thiết kế đồ họa, thiết kế giao diện, quản lý dự án sẽ hợp tác với nhau trong thời gian ngắn để hoàn thành một dự án phần mềm. Retórica là tên một ứng dụng trên trang web được tạo ra từ hackathon đầu tiên vào năm 2013. Nó được đưa vào sử dụng và sau đó được các công chức quốc hội cải tiến. Ứng dụng này cung cấp cho công dân một đại diện bằng đồ họa các diễn văn của nhà lập pháp được sắp xếp theo chủ đề. Nó cũng được coi là “Bảng Xã hội”, trong đó cho thấy người dân đang nói gì trên các mạng xã hội về những chủ đề chính sách hiện hành. Các công chứcnghị viện sẽ giám sát ứng dụng này và báo cáo lại với các nghị sĩ những thông tin thu thập được để đóng góp vào quá trình lập pháp. |