Đề cao sự sáng tạo
Điểm nhấn trong sự kiện năm nay là màn trình diễn Hai miền đất nước (Zweiland) của Sasha Waltz & Guests - công ty múa hàng đầu của Đức, nổi tiếng thế giới với nhiều giải thưởng quốc tế và từng được trao danh hiệu Đại sứ văn hóa của Liên minh châu Âu năm 2013. Đây cũng là sự kiện đặc biệt nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước Đức và Việt Nam… Với Hai miền đất nước - công diễn lần đầu năm 1997 tại Berlin, biên đạo múa Sasha Waltz đã dệt nên những hình ảnh thơ mộng trong các câu chuyện thần thoại của Đức bằng âm nhạc. Hài hước xen lẫn nỗi u sầu, nữ biên đạo đã tái hiện quá khứ gần nhất của nước Đức và vẽ nên bức tranh đầy tính thơ. Những mối tương quan xã hội được biểu đạt trên phương diện giữa con người với nhau, cuốn người xem vào dòng trải nghiệm của sự sum họp và chia cắt, tuyệt vọng và hy vọng, lạ lẫm và hòa hợp. Các bài hát Đức từ nhiều thế kỷ được các diễn viên thể hiện theo cảm nhận riêng, âm nhạc và vũ điệu tan chảy, hòa quyện thành hợp thể duy nhất. Ra đời gần 20 năm trước, đến nay Sasha Waltz & Guests vẫn giữ nguyên kịch bản của vở múa, nhưng mỗi lần dựng lại là một lần đề cao sự sáng tạo, trải nghiệm và cá tính nghệ sĩ. Giám đốc phụ trách âm nhạc của tác phẩm này là Juan Kruz Diza de Ganaio Earacia cho rằng, ý tưởng ban đầu của vở múa đến từ lịch sử của Đức, nhưng tác phẩm cũng mang tính phổ quát, phản ánh quá trình hủy diệt rồi tái thiết, hồi sinh, là điểm chung của nhiều quốc gia… Hai miền đất nước sẽ được giới thiệu vào 20h ngày 2 và 3.10, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Vở Hai miền đất nước | Ảnh: BTC |
Khán giả còn có cơ hội khám phá những vũ đạo tinh tế khai thác chiều sâu nội tâm với nhiều phong cách đến từ các quốc gia: Israel (với ArtLana, biên đạo và biểu diễn: Artour Astman và Ilana Bellahsen), Nhật Bản (Kelex trở về rừng, Kentaro biên đạo và biểu diễn)… Ba Lan tham gia Liên hoan lần đầu tiên với vở Rối loạn nhân cách tuýp B do Daniel Stryjecki biên đạo và biểu diễn. Việt Nam góp mặt với tác phẩm mới được dàn dựng Có có không không (biên đạo Trần Ly Ly); bên cạnh đó là tác phẩm múa hợp tác giữa Đoàn múa Dame de Pic (Bỉ) và Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam mang tên Bên bờ (biên đạo Karine Ponties). Các vở múa này sẽ được trình diễn từ ngày 1 - 4.10, tại Nhà hát Tuổi trẻ, Hà Nội. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, vở Bên bờ sẽ được biểu diễn tại Trường Múa TP Hồ Chí Minh ngày 3.10.
Quảng bá ra thế giới
Liên hoan múa đương đại Sự gặp gỡ Á - Âu là sáng kiến của Hiệp hội các viện văn hóa và Đại sứ quán châu Âu tại Hà Nội (EUNIC), với sự hợp tác của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB). Năm nay, Viện Goethe giữ vai trò đơn vị điều phối Liên hoan. Phát biểu tại buổi họp báo sáng 29.9, TS. Almuth Meyer - Zollitsch, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội cho biết: Các nước thành viên EUNIC chọn tác phẩm múa xuất sắc của mình, thường đã được biểu diễn tại nhiều nước khác và được khán giả ghi nhận, hoặc là tác phẩm mới đặc sắc, để giới thiệu với công chúng Việt Nam.
Mặc dù lượng khán giả quan tâm đến Liên hoan ngày càng đông, thể hiện qua việc trao đổi thông tin, vé xem biểu diễn phát hết trong thời gian rất ngắn, nhưng múa đương đại Việt Nam đang ở thời điểm ban đầu và còn có quy mô nhỏ. Hằng năm, các tổ chức, nhóm múa vẫn cho ra đời tác phẩm mới nhưng không thường xuyên, và nghệ thuật múa đương đại có rất ít đất diễn. “Chúng tôi mong muốn những năm tới có sân chơi lớn hơn để nghệ sĩ thể hiện tài năng, thúc đẩy họ sáng tạo. Năm nay, Viện Goethe tổ chức workshop dành cho giảng viên và sinh viên Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, do biên đạo tài năng Suzuki Takako dẫn dắt. Trong thời gian ngắn, chúng tôi ngạc nhiên bởi những gì sinh viên làm được rất tuyệt vời. Tôi nghĩ đó là tiềm năng lớn cho nghệ thuật múa đương đại Việt Nam” - TS. Almuth Meyer - Zollitsch nói.
Lần thứ hai tham gia Liên hoan múa đương đại, biên đạo Trần Ly Ly “tự hào vì có cơ hội đứng trên cùng sân chơi với những đoàn múa lớn trên thế giới, là dịp để nghệ sĩ Việt Nam trao đổi và học hỏi bạn bè quốc tế. Liên hoan cũng là sự kiện hiếm hoi để khán giả có thể thưởng thức những loại hình khác biệt của múa đương đại Việt Nam và thế giới”.