Từ cái nhỏ nhặt mà đáng yêu
“Tôi không sinh ra tại Hà Nội nhưng tôi yêu Hà Nội, yêu từng hàng cây, từng góc phố, con ngõ nhỏ, yêu những thức quà sáng, quà chiều của Hà Nội… Tôi không phải là một họa sĩ chuyên nghiệp mà là một chiến sĩ công an, nhưng vì tình yêu Hà Nội, niềm đam mê hội họa nên tôi vẽ…” - Thiếu tá Bùi Thị Hải Dương, Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Bộ Công an, chia sẻ về những tác phẩm trong triển lãm tranh màu nước Hà Nội trong tôi đang diễn ra tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cũ, 49 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Trong gần 50 bức tranh được giới thiệu, riêng Bùi Thị Hải Dương lựa chọn bút pháp trừu tượng để khắc họa các mùa của Hà Nội trên giấy dó. Theo tác giả, đó là cách truyền hơi thở hiện đại vào truyền thống và phóng chiếu cảm xúc gắn bó nồng nàn với mảnh đất này. Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông của Hà Nội được đưa vào tranh, kể câu chuyện hương sắc thiên nhiên, cũng là lý giải phần nào sợi dây liên kết mật thiết giữa đất và người. “Với đặc thù nghề nghiệp, tôi đã đi khắp 63 tỉnh, thành phố, nhưng Hà Nội luôn là cái gì đó không thể nào mà tôi xa lâu được. Như mỗi mùa ở Hà Nội luôn có sự riêng biệt, đặc trưng so với những vùng miền khác, hằn rõ trên từng hàng cây, ngọn cỏ, từng hơi thở, từng cảm nhận mỗi người… Hà Nội dễ làm ta yêu, ta nhớ…, bởi thế”.
Nhận mình là “kẻ ngoại đạo” với hội họa, kiến trúc sư Phạm Thanh Sơn nói rằng anh ưa phác họa Hà Nội bằng tình cảm, nhìn Hà Nội qua con mắt nghề nghiệp. Thành ra, Hà Nội trong tranh của anh nghiêng về phần “đúng” hơn là sự bay bổng, lãng mạn. Các bức tranh Hà Nội phố “đúng” về kiến trúc, bố cục, hình khối, về khoảng cách xa gần giữa những mái ngói, hàng cây… Đúng từ trong ký ức tuổi thơ “mở mắt ra là thấy phố”, dù phố có phần chật chội, thiếu tiện nghi nhưng vì mình được sinh ra ở đó mà thấy nó lúc nào cũng đong đầy tình cảm.
“Nhà tôi ở phố cổ, bây giờ mẹ vẫn còn buôn bán trước cửa nhà. Nhà tôi vẫn là sàn gỗ, mái ngói, hình dáng cũ còn tương đối nguyên vẹn. Nhìn ra phố Hà Nội bây giờ vẫn đẹp, cổ kính nhưng các góc đang mất dần, không còn như xưa nữa. Không biết làm thế nào, tôi chọn cách vẽ, dùng trực họa để ghi lại…”, tác giả Phạm Thanh Sơn bộc bạch.
Mỗi tác giả thể hiện góc nhìn riêng về Hà Nội trên chất liệu tranh màu nước. Tính trong suốt, nhẹ nhàng, sự thuần khiết và cường độ của các chất màu dường như hoàn toàn phù hợp để khắc họa, miêu tả một Hà Nội bên dòng thời gian. Đoàn Quốc tái hiện Hà Nội xưa đầy hoài niệm. Doãn Đức Tiến phóng chiếu những góc rất nhỏ là những ấn tượng đặc biệt về Hà Nội như cửa sổ liêu xiêu, ánh nắng qua tán cây… Đặng Thanh Dương nhìn ra mình với hội họa luôn là câu chuyện nhẹ nhàng và trắc ẩn, “ví như cảm xúc khi bạn đi trên phố Phan Đình Phùng chẳng hạn, kiểu gì cũng cảm thấy lâng lâng một chút. Hà Nội là vậy”.
Soi chiếu và đồng vọng
Những hình dung, những mảng màu, những lớp lang cảm xúc và ý niệm hòa trộn, đan xen, mang đến cho mỗi người cách cảm nhận riêng về Hà Nội. Theo họa sĩ Nguyễn Phương, điều đặc biệt ở chỗ các tác giả là họa sĩ chuyên nghiệp hay không chuyên, là người con của Hà Nội hay chỉ đến đây và bén duyên với mảnh đất này, họ đều gặp nhau ở tình yêu Hà Nội và mong muốn phác họa hình ảnh Hà Nội. Điều đó tạo nên những lăng kính đa chiều, ghép nên bức tranh tổng thể về vẻ đẹp Hà Nội.
Tại sao Hà Nội lại được yêu mến đến như thế? Trả lời câu hỏi ấy, họa sĩ Nguyễn Phương cho rằng, có lẽ vì Hà Nội đẹp - vẻ đẹp tự thân được bồi đắp qua ngàn năm lắng hồn núi sông và vẻ đẹp lan tỏa trong trái tim mỗi người. Nhiều danh họa đã khắc họa vẻ đẹp của Hà Nội, những tác phẩm đã đi vào ấn tượng quen thuộc của bao người nhưng không phải vì thế mà Hà Nội mất đi nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Thế hệ họa sĩ ngày nay vẫn say mê và tìm ra các góc khác nhau đầy cảm xúc mới mẻ về Hà Nội.
“Trong tranh, có một Hà Nội với sự liêu xiêu của phố, của nhà; có một Hà Nội với sự nhộn nhịp của cuộc sống hiện đại nhưng vẫn tiềm ẩn những giá trị cốt lõi của văn hóa mà không gì có thể đong đếm được. Mỗi họa sĩ mang tới câu chuyện riêng và tôi cũng có câu chuyện Hà Nội của riêng mình. Hoa gạo tháng ba, hoa bằng lăng bờ hồ Hoàn Kiếm, chiếc xe đạp cũ trong phố… - nhiều người có thể thấy những thứ đó rất bình thường nhưng dưới con mắt của hội họa thì rất đặc biệt. Như khi vẽ cột nước cứu hỏa và bầy chim sẻ vẫn nước xung quanh (tác phẩm Cột nước cứu hỏa và đàn sẻ) với tôi đó là biểu tượng của Hà Nội yên bình, là những khoảng lặng trong dòng chảy phát triển nhanh, mạnh của thành phố”, họa sĩ Nguyễn Phương nói.
Nói như họa sĩ Đặng Thanh Dương, qua các tác phẩm hội họa, chúng ta còn thấy cả tương lai của Hà Nội. Đó là một Hà Nội phát triển trên nền truyền thống, một Hà Nội luôn lắng đọng cảm xúc trong mỗi người. “Đề tài về Hà Nội không mới (nếu không muốn nói là cũ) nhưng tác phẩm họa về Hà Nội thì luôn tràn đầy cảm hứng sáng tạo, đa dạng hình thức thể hiện, muôn sắc màu. Chính những điều đó cùng các loại hình nghệ thuật khác làm giàu cho nghệ thuật và cho Hà Nội”.