Theo đó, các hoạt động sẽ diễn ra từ nay đến 17.9 (rằm tháng Tám năm Giáp Thìn).
Không gian Tết Trung thu truyền thống sẽ diễn ra tại nhiều điểm di sản trong khu phố cổ Hà Nội:
Tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ, trang trí hình ảnh rồng, trăng cùng các đồ chơi trung thu truyền thống. Hình tượng rồng trong tâm thức người Việt thường gắn với hình ảnh của nhà vua, đồng thời cũng là một biểu tượng quen thuộc khi nhắc đến kinh đô Thăng Long. Tuy nhiên xưa kia, Tết Trung Thu được biết đến như là Lễ hội rồng và trăng.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên: "Nhờ những câu chuyện lưu truyền qua nhiều thế kỷ, con rồng trong tín ngưỡng dân gian đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết những cơn mưa tạo nên mùa màng bội thu - cội nguồn gốc của hòa bình về mặt chính trị xã hội. Vào mùa xuân, rồng đôi khi có mặt trong đám rước thần. Trách nhiệm của rồng là làm cho vụ chiêm bội thu. Nhưng lễ hội rồng thực thụ diễn ra vào Trung thu. Rồng phải bảo vệ vụ mùa. Vào đêm rằm tháng tám, người ta long trọng rước rồng qua các con phố, đi trước là cờ ngũ sắc, đèn lồng hình hoa quả, động vật thủy sinh, hoặc những đồ vật quý, những tấm biển ghi dòng chữ “Hoàng Long thịnh thế” hay “Thiên hạ thái bình"".
Tại Ngôi nhà Di sản, 87 Mã Mây, giới thiệu không gian gia đình Hà Nội đón Tết Trung thu, trưng bày mâm cỗ truyền thống, giới thiệu bộ ảnh chủ đề “Trở về Trung thu xưa” và giới thiệu đèn trung thu cua, cá cổ truyền - sản phẩm do nhà nghiên cứu Trịnh Bách và nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình khôi phục.
Tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, 22 Hàng Buồm, diễn ra triển lãm mỹ thuật “Mùa Trăng” của nhóm họa sĩ G39, biểu diễn múa rối cạn Tế Tiêu (từ 19h30 - 21h ngày 15.9).
Tại Đình Đồng Lạc, 38 Hàng Đào, trưng bày giới thiệu sản phẩm, trải nghiệm tương tác với chủ đề “Ngắm trăng vàng bộ sơn mài đoàn viên” (14h - 16h ngày 12.9).
Tại Không gian bích họa phố Phùng Hưng, Ban tổ chức phối hợp với nghệ nhân, thợ thủ công của các làng nghề lân cận Hà Nội sắp đặt các gian hàng và hướng dẫn cách làm đồ chơi Trung thu truyền thống: đèn ông sao, ông tiến sĩ, ông đánh gậy do thợ thủ công thôn Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội hướng dẫn; đèn kéo quân - nghệ nhân thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội; mặt nạ giấy bồi - thợ thủ công làng Hảo, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên; “Con phỗng đất” - thợ thủ công thôn Đông Khê, xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh...
Đặc biệt, nhằm đem đến cho thiếu nhi một không gian vui chơi bổ ích và cơ hội tìm hiểu về các giá trị văn hóa truyền thống, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức không gian tương tác với đa dạng hoạt động tại không gian bích họa phố Phùng Hưng như: biểu diễn rối cạn, âm nhạc thiếu nhi, trình diễn thời trang trẻ em...
Các hoạt động này nhằm giới thiệu văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh khu phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung.