Cả bản xem phim giữa rừng
Bản Lòm nằm sâu trong vùng rừng núi của xã Trọng Hoá, huyện Minh Hoá (Quảng Bình) ở nơi biên giới Việt - Lào. Nhà cửa của người dân nơi đây còn đơn sơ, nên hạ tầng điện đường cũng không khác là bao. Đêm đến, bản làng sớm chìm trong bóng tối, màn đêm đen đặc chỉ để le lói vài ngọn đèn chiếu sáng lác đác của nhà dân. Nguồn sáng hiếm hoi vào ban đêm từ những chiếc bóng năng lượng mặt trời dọc con đường chính được Bộ đội biên phòng tặng.
Nhưng chừng ấy không đủ để xua tan bầu không khí im ắng trên vùng biên cương, cho đến khi những đội chiếu bóng từ xuôi ngược lên vùng rẻo cao, mang theo những bộ phim, hình ảnh,... khiến cả làng cùng hò hẹn đến xem.
Trong đêm tối bưng, từ những con đường gồ ghề của dãy Giăng Màn, dân bản Lòm đội trên đầu đèn pin, kéo về điểm chiếu phim. Có phim, bản Lòm trở nên náo nhiệt, vui như ngày hội.
Cả bản tập trung xem phim từ khi đêm buông cho đến lúc sương giăng đan dày lúc nửa đêm, bà con mới đứng dậy ra về. Người dân ai ai cũng chú tâm vào từng lời thoại, chốc chốc mới thì thầm bàn luận hay cùng cười, cùng biểu cảm theo những hồi gay cấn.
Ông Hồ Xăng, người dân bản Lòm, cho biết, ngoài thời gian với nương rẫy chuẩn bị vào độ thu hoạch, ở bản có rất ít hoạt động để giải trí do khu dân cư ở xa trung tâm chưa có điện lưới, sóng điện thoại lúc có, lúc không nên việc cập nhật thông tin ở bản cũng rất chậm; khi điều kiện kinh tế còn nghèo khó nên những buổi chiếu phim lưu động là món ăn tinh thần hết sức quý giá.
“Hôm nay có đoàn chiếu phim, bà con rất phấn khởi. Ở giữa núi rừng heo hút này, thiếu gạo đã có bắp thay cơm, nhưng thiếu phim đồng bào không biết kiếm gì thay thế. Vì vậy, lâu lâu đội chiếu bóng mới về, bà con không chỉ háo hức xem phim mà còn mong tìm lại không khí nhộn nhịp, đông vui”, ông Hồ Xăng chia sẻ.
Rất đông trong những vị khách xem phim các trẻ em, luôn háo hức, tò mò với những hoạt động mới. Em Hồ Thị Đông, ở bản Lòm, chia sẻ: “Hôm nay cháu và các bạn xem phim rất hay. Cháu mong muốn được xem nhiều lần hơn nữa. Và cháu cũng sẽ cố gắng học tập để sau này có điều kiện mang nhiều thứ hiện đại về bản cho bà con xem, sử dụng”.
Cầu nối tinh thần với đồng bào
Để mang những đêm chiếu bóng, chiếu phim hết sức ý nghĩa và có giá trị đến với đồng bào vùng cao, đội chiếu bóng lưu động của Trung tâm Văn hoá và Điện ảnh tỉnh Quảng Bình thường phải vượt những chặng đường dài, băng qua hàng trăm khúc cua tay áo một bên là núi, bên kia là vực sâu; cùng những ngầm tràn và con dốc cao.
Chiếc xe ô tô chiếu bóng lưu động 2 cầu sẽ chở theo loa, âm ly, màn ảnh rộng, đầu chiếu phim HD… mất gần 5 giờ mới đến được với bà con. Công tác chuẩn bị các thiết bị cho buổi chiếu phim cũng gần như bắt đầu chỉ sau ít phút nghỉ ngơi.
Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh Quảng Bình Phạm Xuân Sỹ cho biết, dù công việc nhiều vất vả nhưng người dân, bà con đồng bào đều đón nhận, hào hứng với từng giờ phim khiến những người chiếu bóng đều cảm thấy vui và có thêm động lực để cống hiến ở những bản làng xa xôi.
Sau buổi chiếu phim ở bản Lòm, dù đã nửa đêm nhiều người còn nấn ná ở lại hỏi các nhân viên trong đội, “tối mai chiếu phim ở bản nào, phim gì thế các chú?” để đồng bào đến xem. Lịch chiếu được sắp xếp tại bản Dộ - Tà Vờng và trong những ngày tiếp theo ở các bản Chà Cáp, Si Mới, Ka Oóc, Ra Mai… bà con lại sắp xếp thời gian đến các bản gần hơn xem chiếu bóng.
Các đội chiếu bóng lưu động cũng nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người dân đồng bào để lựa chọn các chương trình phim có nội dung phù hợp trong việc tuyên truyền những thông tin bổ ích thiết thực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, mang lại hiệu quả kép vừa là món ăn tinh thần cho người dân, vừa mang lại hiệu quả trong công tác tuyên truyền.
Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh Quảng Bình cho biết thêm, theo kế hoạch hàng năm, các đội chiếu phim lưu động sẽ phục vụ hơn 450 buổi chiếu tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Sự đón nhận của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa cho thấy những buổi chiếu phim vẫn là món ăn tinh thần rất cần thiết để "cải thiện" đời sống tinh thần Nhân dân ở nơi biên giới, cũng là cầu nối tinh thần để kết nối mật thiết với bà con đồng bào.