Trò chuyện đầu tuần

Giữ bản sắc trong thế giới nghệ thuật hội nhập

Vở múa "Nàng Mây"
Vở múa "Nàng Mây"

Phản ánh chân thực, sinh động không gian, văn hóa truyền thống của nhiều cộng đồng, dân tộc, cuộc sống nhiều màu sắc tại các vùng miền, biên đạo múa NGUYỄN HẢI TRƯỜNG (Học viện Múa Việt Nam) mong muốn thể hiện đậm nét bản sắc Việt Nam qua góc nhìn của người trẻ.

Đưa văn hóa dân tộc vào tác phẩm múa

- Tại Liên hoan Múa quốc tế 2024 diễn ra cuối tháng 8 vừa qua, vở thơ múa “Nàng Mây” mà anh biên đạo đã được trao Huy chương Vàng. Ý tưởng thực hiện tác phẩm này như thế nào?

nt3.jpg
Biên đạo múa Nguyễn Hải Trương. Ảnh: NVCC

- Vở múa khai thác câu chuyện về làng nghề truyền thống Việt Nam, cụ thể là làng nghề mây tre đan. Qua chất liệu múa dân gian kết hợp với múa đương đại, tôi muốn kể câu chuyện về đời sống văn hóa Việt, lan tỏa vẻ đẹp của làng nghề, nơi chứa đựng tâm hồn, sự bền bỉ, khéo léo, mộc mạc nhưng không kém phần tài hoa, tinh tế của những người thợ giữ nghề truyền thống. Tác phẩm cũng truyền tải thông điệp gìn giữ bản sắc và phát triển bền vững nghề truyền thống, để các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang bản sắc Việt được nâng tầm, ra quốc tế, đóng góp trở lại về việc làm và kinh tế cho người dân làng nghề.

- Không phải đến "Nàng Mây" anh mới sử dụng chất liệu văn hóa dân gian. Anh từng có nhiều tác phẩm thể hiện bản sắc văn hóa, tín ngưỡng đời sống con người ở nhiều vùng miền, dân tộc như: “Một ngày trên bản”, “Gánh núi trên lưng”, “Lễ bỏ mả”… Lý do nào khiến một biên đạo trẻ như anh theo đuổi hướng đi này?

- Tôi thấy đó là cảm giác luôn có sẵn ở trong người khi đến với nghệ thuật, từ quá trình học ở trường múa đến khi trở thành biên đạo. Đi đến nhiều nơi ở Tây Bắc, Việt Bắc, hay các tỉnh miền Trung, miền Nam, tôi rất quan tâm tới đặc trưng, bản sắc không gian văn hóa, tín ngưỡng cũng như đời sống con người. Khi tìm đề tài, cách thể hiện nào đó, tôi thường đưa các câu chuyện, nét văn hóa dân tộc vào tác phẩm, gắn với tiếng nói của thế hệ trẻ.

- Văn hóa các dân tộc, vùng miền vô cùng đa dạng, nhưng hầu như đã được nhiều nghệ sĩ, biên đạo tiền bối khai thác rất tốt. Anh có bị áp lực không?

- Áp lực chứ. Vì thế, trong quá trình sáng tạo, chúng tôi phải đi thực địa tìm hiểu phong tục tập quán hay văn hóa đặc trưng của một dân tộc, vùng đất; từ đó xây dựng tác phẩm có góc nhìn sâu sắc hơn và không đi theo lối mòn. Tôi quan niệm sáng tạo nhưng trong khuôn khổ cho phép, đưa ra tác phẩm mà bản thân người bản địa, chủ thể văn hóa ấy không nhận ra thì đó là bất lợi.

Cảm hứng từ bản sắc văn hóa, đời sống đồng bào các dân tộc đã giúp biên đạo múa Nguyễn Hải Trường sáng tạo nhiều tác phẩm giành giải thưởng như: Giải A cuộc thi Tác phẩm múa các dân tộc thiểu số Việt Nam 2016 với “Lễ bỏ mả”; Giải C Giải thưởng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam (2017) với “Một ngày trên bản”; Giải Nhất cuộc thi Tài năng trẻ biên đạo múa toàn quốc năm 2019 với “Cuội già”…; và gần đây nhất - “Nàng Mây” giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Múa quốc tế 2024.

Chẳng hạn, khi dựng vở “Nàng Mây”, tôi đã tới nhiều làng nghề mây tre đan truyền thống tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế… tìm hiểu các công đoạn làm sản phẩm, thậm chí đến vùng khai thác nguyên liệu để tìm hiểu quá trình có được những dây mây, phục vụ đan lát. Những khó khăn, bền bỉ tìm tòi vật liệu ấy đã được tôi đưa vào vở thơ múa…

Dù vậy, thuận lợi là chúng tôi có góc nhìn của thế hệ trẻ, cách tiếp cận đề tài mới mẻ hơn, đồng thời có nhiều yếu tố hỗ trợ sáng tạo như diễn viên tiếp cận ngôn ngữ múa mang hơi thở đương đại, ứng dụng công nghệ, cộng hưởng với âm nhạc, kỹ thuật sân khấu, trang phục, đạo cụ, thiết kế mỹ thuật...

Song hành sáng tạo và bảo tồn, phát huy văn hóa

- Tại Liên hoan Múa quốc tế 2024, anh thấy vấn đề bản sắc trong nghệ thuật múa đã được các đoàn Việt Nam và quốc tế quan tâm ra sao?

- Gần như các đoàn trong nước tham dự Liên hoan Múa quốc tế vừa qua đều mang đến những tác phẩm đậm chất Việt. Nói chung mỗi đoàn đều nhận thấy tầm quan trọng của việc giới thiệu văn hóa Việt Nam tới bạn bè thế giới. Tất nhiên nghệ thuật phải tôn vinh cái đẹp, đặc biệt nghệ thuật múa phải thể hiện nét đẹp qua ngôn ngữ hình thể, chuyển tải được thông điệp, giá trị nhân văn về con người, văn hóa dân tộc.

nt1.jpg
Cảnh trong vở thơ múa "Nàng Mây". Ảnh: NVCC

Ngôn ngữ múa của các đoàn quốc tế thực sự phong phú. Họ cập nhật khuynh hướng múa hiện nay về cách khai thác đề tài, dàn dựng vở song vẫn thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa quốc gia họ. Chẳng hạn, đoàn Lào đem đến vở múa đương đại đầy sáng tạo, nhưng vẫn mang hơi thở văn hóa dân gian trong động tác múa, trong âm nhạc…

- Theo anh, đó có phải hướng đi để giữ bản sắc trong thế giới nghệ thuật ngày càng toàn cầu hóa mạnh mẽ?

- Tôi cho rằng thế hệ của mình đang ở giữa bảo tồn, phát huy truyền thống nhưng cũng phải không ngừng phát triển. Bằng những tác phẩm nghệ thuật được trình diễn trên sân khấu, nghệ sĩ cũng là người quảng bá văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, tác phẩm của mình phải đổi mới theo xu hướng thế giới, đáp ứng thị hiếu khán giả, để họ đến và trải nghiệm, được mãn nhãn, từ đó cảm thấy thú vị với câu chuyện mình mang đến. Để làm được như vậy, người làm nghệ thuật phải vừa sáng tạo không ngừng nghỉ vừa bảo tồn văn hóa dân tộc một cách chuẩn mực thì mới có thể phát triển bền vững.

- Anh cũng sẽ đi theo hướng đó chứ?

- Tôi vẫn đi theo hướng dựng những tác phẩm gắn liền với văn hóa, lịch sử, thể hiện vẻ đẹp đời sống hằng ngày, các vấn đề đang đặt ra của xã hội. Ngoài sáng tác vở mới, tôi đang xây dựng đoàn múa đương đại, quy tụ những nghệ sĩ trẻ, đã đoạt giải cao tại các cuộc thi múa, góp phần phát triển nghệ thuật múa.

Tôi cũng dự định phát triển “Nàng Mây” thành dự án lớn hơn, kết hợp múa và các loại hình nghệ thuật khác biểu diễn phục vụ du lịch, quảng bá văn hóa. Với hình ảnh đẹp, khai thác đạo cụ, ngôn ngữ nghệ thuật, tôi hy vọng chương trình sẽ giúp khán giả dễ tiếp cận và hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam.

- Xin cảm ơn anh!

Văn hóa

Poster phim "Đào, phở và piano"
Văn hóa

Bài cuối: Lãng mạn nhưng kiên cường

26 năm sau "Hà Nội mùa đông 46", năm 2023, đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn thực hiện bộ phim "Đào, phở và piano" từ sự thôi thúc bên trong, từ những câu chuyện kể của thế hệ cha anh đi trước mà ông được lắng nghe, và từ chính những ký ức tuổi thơ của đạo diễn về Hà Nội.

Một số cảnh trong phim "Hà Nội mùa đông 46"
Văn hóa

Bài 1: Khát vọng hòa bình và không chịu khuất phục

Hà Nội mùa đông 46 và Đào, phở và piano là hai tác phẩm điện ảnh cùng lấy bối cảnh lịch sử của Hà Nội năm 1946 khi toàn dân tộc đứng lên bảo vệ nền độc lập, tự do cho Tổ quốc theo Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thủ đô Hà Nội hào hoa và anh dũng được tái hiện trung thực trong mỗi thước phim đã đem lại cho đông đảo công chúng cảm xúc tự hào cùng tình yêu quê hương đất nước dâng trào.