Cùng tham dự lễ kỷ niệm có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; lãnh đạo các cơ quan bộ, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan trung ương và địa phương và các Nhà giáo lão thành, giảng viên, sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân.
Tại lễ kỷ niệm, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, cách đây 66 năm, Trưởng Kinh tế -Tài chính TW, trường đại học kinh tế đầu tiên của Việt Nam đặt trong hệ thống Đại học Nhân dân, do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Hiệu trưởng danh dự, đã được thành lập. Sau đó, trường được đổi tên là Trường đại học Kinh tế - Kế hoạch nay là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Trải qua hơn 66 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã trở thành một cơ sở đào tạo hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phụng vụ sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước. Các thế hệ cựu sinh viên của trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã và đang giữ những trọng trách trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng đã trở thành đầu mối hợp tác nghiên cứu có uy tín tại Việt Nam của các trường đại học, viện nghiên cứu quốc tế đến từ hơn 100 tổ chức giáo dục thuộc hơn 30 quốc gia trên thế giới.
Năm 2022, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là trường đại học công lập đầu tiên của Việt Nam có 11 chương trình đạt được kiểm định ACBSP của Hoa Kỳ. Hiện nay, đội ngũ cán bộ nhà trường có gần 700 giảng viên, trong đó có 19 giáo sư, 109 phó giáo sư và 264 tiến sĩ.
GS.TS Phạm Hồng Chương cho hay, Nhà trường sẽ xây dựng và chuyển đổi mô hình tổ chức thành đại học 3 cấp với 3 trường thành viên đầu tiên dự kiến bao gồm: Trường Kinh doanh, Trường Kinh tế, Trường Công nghệ.
Đây là những bằng chứng cho thấy hình ảnh bước đầu của một trường đại học đang khát khao vươn tới chất lượng hàng đầu và đẳng cấp quốc tế.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cựu sinh viên tiêu biểu nhất của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã chúc mừng các thế hệ nhà giáo, học viên, sinh viên của Nhà trường.
Chủ tịch nước khẳng định: “Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã góp phần to lớn vào việc đáp ứng nhu cầu xã hội về đội ngũ cán bộ kinh tế và quản trị kinh doanh với chất lượng phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế trong từng giai đoạn của đất nước.
Nhà trường là một trong những đơn vị có đóng góp tích cực cho Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng các quan điểm, chủ trương, chiến lược, cơ chế chính sách kinh tế trong các giai đoạn phát triển đất nước. Nhà trường cũng là một địa chỉ tin cậy của các địa phương và các doanh nghiệp trong lĩnh vực tư vấn về kinh tế và quản trị kinh doanh”.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, trường đại học là nơi thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, là nơi bồi dưỡng nhân tài, có vai trò, trách nhiệm to lớn trong việc hiện thực hóa “Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Giáo dục đại học đã đạt được nhiều thành tựu, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển đất nước.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước cho rằng, sự phát triển giáo dục đại học vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Đổi mới quản trị đại họclà tiền đề triển khai hệ thống các giải pháp khắc phục các hạn chế, yếu kém, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học. Trong đổi mới quản trị đại học, tích cực thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin cần song hành với thực hiện cơ chế tự chủ đại học.
Chủ tịch nước đề nghị: "Mỗi cơ sở giáo dục đại học phải thực sự trở thành lực lượng đi tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với nhu cầu của xã hội và xu thế phát triển khoa học công nghệ trên thế giới; quan tâm đến các công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế có uy tín (công bố quốc tế) để cải thiện thứ bậc trong xếp hạng đại học của các tổ chức quốc tế.
Để tiếp tục thực hiện đúng thực chất cơ chế tự chủ trong khuôn khổ đổi mới quản trị đại học, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của giáo dục đại học, cần nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung các quy định pháp luật, khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu đồng bộ và thiếu nhất quán; các cơ sở giáo dục đại học rà soát, điều chỉnh, bổ sung chiến lược phát triển theo đúng yêu cầu tự chủ và đổi mới quản trị đại học phù hợp yêu cầu hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư".
Cũng theo Chủ tịch nước, các trường đại học phải phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trở thành những người có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, trách nhiệm nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng sư phạm.
“Để đạt được yêu cầu này, ngoài tinh thần tự rèn luyện của giáo viên, các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để mỗi giáo viên cống hiến hết khả năng trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng công tác.
Đảng và Nhà nước đồng thời với việc đặt yêu cầu ngày càng cao với đội ngũ giáo viên và các cơ sở giáo dục đại học, cũng hết sức quan tâm đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách, trong đó có chính sách đãi ngộ về vật chất và tinh thần, để thúc đẩy nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, để mỗi giáo viên yên tâm gắn bó với nghề và cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp trồng người” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Với các em sinh viên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: “Trường ĐH Kinh tế quốc dân là nơi tôi đã theo học Khóa 15 Khoa Công nghiệp (1973 – 1977). Tôi và những người theo học tại mái trường này luôn tự hào từng là sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Tôi luôn có niềm tin vào các thế hệ sinh viên của nhà trường cũng như sinh viên các trường đại học của Việt Nam.
Tôi mong các em hãy phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, trách nhiệm với xã hội, tích cực học tập, tiếp thu tinh hoa tri thức của nhân loại, rèn luyện kĩ năng, nuôi dưỡng khát vọng cống hiến và khởi nghiệp”.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu đã cắt băng khánh thành thư viện điện tử hiện đại dùng chung cho 45 trường đại học của Trường ĐH Kinh tế quốc dân và tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho 1 tập thể và 2 cá nhân của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.