Tích cực huy động nguồn lực kiên cố hoá trường, lớp học
Trường Mầm non Đại Đồng (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) trước đây chỉ là 2 phòng học tạm, tất cả mọi hoạt động của trẻ đều diễn ra tại một phòng chung, nên điều kiện giảng dạy và chăm sóc trẻ gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Ban lãnh đạo nhà trường đã cùng các cấp kêu gọi các nguồn đầu tư bên ngoài để có thể hỗ trợ về mặt kinh phí, giúp đỡ nhà trường thực hiện kiên cố hóa trường học đạt chuẩn theo quy định.
Cô Trần Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Đại Đồng cho biết, năm 2019, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) đã đầu tư cho nhà trường 6 phòng học kiên cố, diện tích sàn 932 m2, quy mô xây dựng gồm 3 tầng với số tiền 3,5 tỷ đồng. “6 phòng học rất khang trang, sạch đẹp, đầy đủ tiện nghi, bảo đảm quy chuẩn lớp học mầm non theo quy định. Nhờ vậy, cô trò nhà trường có điều kiện nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục cho các cháu học sinh mầm non”, cô Hằng chia sẻ.
Hiện nay, Trường Mầm non xã Đại Đồng có 22 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, trong đó có 3 cán bộ quản lý, 17 giáo viên và 2 nhân viên. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số học sinh của trường là 170 em học sinh. Đến nay trường đã được công nhận là trường học chuẩn quốc gia mức độ 2. “Sự hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức có ý nghĩa thiết thực góp phần cải thiện môi trường giáo dục xã Đại Đồng nói riêng cũng như huyện Yên Bình nói chung khi điều kiện về cơ sở vật chất còn khó khăn, thiếu trường, lớp học”, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Đại Đồng nói.
Là địa phương còn nhiều khó khăn, song ngành giáo dục và chính quyền tỉnh Yên Bái đặt ưu tiên hàng đầu trong việc kiên cố hóa trường, lớp tại các vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Theo báo cáo của tỉnh Yên Bái, đến năm 2023, toàn tỉnh có 6.871 phòng học các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trong đó số phòng học kiên cố 6.026 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố là 87,7%. Số phòng công vụ cho giáo viên là 173 phòng với tỷ lệ kiên cố hóa là 100%. Số lượng trường, lớp được đầu tư từ nguồn xã hội hóa giai đoạn 2013-2023 là 79 trường với quy mô 1.218 lớp. Kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa giai đoạn 2013-2023 là 223.780 triệu đồng.
Kiên cố hóa trường, lớp học không chỉ phục vụ hoạt động dạy và học mà còn bảo đảm sự an toàn, sức khỏe của đội ngũ giáo viên và học sinh. Bởi vậy, những năm qua, tỉnh Hoà Bình cũng đã quan tâm đầu tư lồng ghép từ các nguồn vốn khác nhau nhằm kiên cố hóa trường lớp học, từng bước xóa bỏ phòng học tạm, xuống cấp, bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hoà Bình Bùi Thị Kim Tuyến, giai đoạn 2013 - 2023, từ nguồn xã hội hóa được huy động, toàn tỉnh đã xây dựng và đưa vào sử dụng 5 trường học với quy mô 96 lớp, xây dựng 19 phòng học. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 8.283 phòng học các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trong đó số phòng học kiên cố khoảng 6.958 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố là 84%.
Số lượng còn khiêm tốn, chưa giải quyết được dứt điểm tình trạng kiên cố hóa trường học.
Sau 10 năm, cùng với việc triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành và các địa phương đã quan tâm bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực để tăng cường các điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất trường, lớp học.
Báo cáo thực trạng trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên tính của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Đến hết năm 2023, cả nước có gần 628.571 phòng học các cấp mầm non, phổ thổng công lập; trong đó, số phòng học kiên cố 545.375 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố hóa là 86,6%. Trong đó cấp học Mầm non đã nâng tỷ lệ kiên cố hóa lên 83,0%; cấp học Tiểu học 83,2%; cấp học THCS 94,9%; cấp học THPT 97,0%. Đã có 23.104 nhà công vụ giáo viên được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng.
Theo báo cáo của các tỉnh/thành phố, trong giai đoạn 2013-2023, số phòng học được đầu tư từ nguồn xã hội hóa khoảng 35.984 phòng, số phòng công vụ cho giáo viên khoảng 1.216 phòng. Tổng số kinh phí xã hội hóa để đầu tư kiên cố hóa, xây dựng phòng học, phòng công vụ cho giáo viên ước khoảng 32.896,96 tỷ đồng.
Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự tranh thủ nguồn lực đầu tư, nhiều trường học được xây dựng mới, bảo đảm khang trang, thoáng mát, cảnh quan sư phạm. Đây là điều kiện quan trọng để giáo viên yên tâm, tích cực công tác, học sinh hào hứng học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, thực tế, số phòng, lớp học chưa được kiên cố vẫn còn khá lớn.
Tại Trường Tiểu học Nghĩa Tâm (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) - nơi vẫn đang nỗ lực thực hiện kiên cố hóa trường học, cô Hoàng Thị Thanh Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Cơ sở vật chất của nhà trường trong các năm qua đã được chính quyền và ngành giáo dục quan tâm đầu tư xây dựng, cũng như bổ sung trang thiết bị dạy và học. Tuy nhiên, hiện nay trường vẫn còn 4 phòng học tạm, hạn chế về diện tích khiến cho việc dạy và học còn nhiều khó khăn.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hoà Bình Bùi Thị Kim Tuyến cũng thông tin, hiện nay tại Hoà Bình, số phòng, lớp học chưa được kiên cố vẫn còn khá lớn. Do đó, trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương phợp với triển khai đồng bộ các giải pháp về cơ chế, chính sách thu hút nguồn vốn xã hội hóa, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ngành Giáo dục hoàn thành kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhìn nhận, các chương trình, dự án, đề án đầu tư trong thời gian vừa qua mới chỉ hỗ trợ một phần sự thiếu hụt cơ sở vật chất cho một số trường thuộc các vùng khó khăn. Phần lớn các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông mới chỉ có các phòng học thông thường, các công trình thuộc khối phục vụ học tập còn thiếu rất nhiều (phòng học bộ môn, thư viện, nhà đa chức năng, hành chính quản trị, sân chơi bãi tập thể dục thể thao, khu hành chính, quản trị,...).
Tại một số địa phương vẫn còn phòng học nhờ, phòng học tạm; thiếu các phòng chức năng; phòng học ở nhiều địa phương đặc biệt là vùng khó khăn thiếu diện tích; công trình vệ sinh, nước sạch, bếp ăn ở nhiều địa phương còn rất thiếu thốn, hoặc bố trí chưa đúng quy cách, xuống cấp nghiêm trọng; diện tích sân chơi, bãi tập hạn chế. Do việc thiếu thốn cơ sở vật chất nên việc bố trí cơ sở vật chất tại một số cơ sở giáo dục chưa phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn trường học, việc bố trí các phòng học, các phòng chức năng chưa hợp lý, không hiệu quả; số học sinh/lớp, diện tích phòng học so với số học sinh chưa đảm bảo theo quy định.
Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên để bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông vẫn còn rất lớn. Số phòng cần kiên cố hóa khoảng 67.161 phòng (trong đó 24.228 phòng học cấp mầm non và 42.933 phòng học cấp tiểu học), phòng công vụ giáo viên cần bổ sung là 10.794 phòng.
Thời gian tới, để thúc đẩy xã hội hoá kiên cố hoá trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương chủ động trong lập kế hoạch phát triển cơ sở giáo dục, đảm bảo quỹ đất cho việc xây dựng các trường học mới, nhất là tại các khu đô thị mới và khu tái định cư. Đưa ra các chính sách ưu đãi cụ thể để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý giáo dục, đặc biệt trong việc thực hiện các dự án xã hội hóa. Tiếp tục đẩy mạnh quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, tạo điều kiện để các trường học chủ động trong việc huy động nguồn lực và nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất.