Để Đảng ta thực sự “là đạo đức, văn minh”
Kế thừa tinh hoa đạo đức của nhân loại và dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng nền đạo đức mới đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và phù hợp với xu thế của nhân loại. Người đã nói, “đó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, không phải vì danh vọng cá nhân mà là vì lợi ích chung của toàn Đảng, của dân tộc và của loài người. Đạo đức mới chính là những định hướng cho con người, cho mỗi cán bộ, đảng viên tự giác điều chỉnh hành vi của mình để vượt lên mọi cám dỗ, chiến thắng chủ nghĩa cá nhân, biết đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc và của nhân dân lao động lên trên hết, trước hết và đặt trước lợi ích riêng của cá nhân mình”.
Tình hình mới đang đặt ra những thời cơ rất lớn, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ “đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tín như ngày nay”. Tuy nhiên, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, cùng với đó cũng là nhiều thách thức, đòi hỏi phải tăng cường xây dựng Đảng về đạo đức.
"Yêu cầu đặt ra là phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Đảng, Nhà nước ta; bảo đảm các điều kiện nguồn lực vững chắc để thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước tiếp tục đạt được những bước tiến quan trọng. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định phải xây dựng các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hàng ngày của Đảng", Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nói.
Như vậy, xây dựng và ban hành Quy định chuẩn mực về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là rất cần thiết, đáp ứng đòi hỏi cả về mặt lý luận và thực tiễn, vừa là cơ bản vừa là cấp bách trong tình hình hiện nay. “Từ khi được thành lập đến nay, trong tất cả các thời kỳ, Đảng ta đều nhấn mạnh và đề cao vai trò của đạo đức trong công tác xây dựng Đảng nhưng đây là lần đầu tiên có một quy định riêng, cụ thể về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.
Việc ban hành Quy định số 144-QĐ/TW, theo Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, là bước cụ thể hóa Kết luận số 21 ngày 25.10.2021 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa. Đồng thời, khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng ta trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức với việc cụ thể hóa thành 5 điều, 19 nội dung trong Quy định để Đảng ta thực sự “là đạo đức, văn minh” như lời Bác Hồ đã dạy, xứng đáng với niềm tin yêu của Nhân dân và gọi Đảng Cộng sản Việt Nam với tên gọi rất trìu mến là Đảng ta.
Mọi cán bộ, đảng viên phải tự quán triệt, thực sựthấm nhuần sâu sắc Quy định
Chủ đề của Quy định số 144-QĐ/TW có 2 yếu tố cần lưu ý, đó là: xác định các chuẩn mực đạo đức cách mạng cùng với những tiêu chí đánh giá thực hiện chuẩn mực; sự phù hợp với tình hình mới, yêu cầu mới với thời kỳ đổi mới.
Quán triệt về điểm mới của Quy định số 144-QĐ/TW, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ, mấu chốt là nhấn mạnh chuẩn mực đạo đức cách mạng hay còn gọi là chuẩn mực đạo đức cộng sản mà đạo đức này phải xây dựng trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kế thừa và phát triển những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc và tinh hoa đạo đức nhân loại, thể hiện tư duy biện chứng thống nhất giữa nhận thức và hành động cách mạng trong đường lối chiến lược độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đối với cán bộ, đảng viên, đạo đức cách mạng là gốc, là nền tảng, vì vậy yêu cầu về chuẩn mực đạo đức cách mạng ngoài khuôn mẫu đạo đức chung của xã hội còn mang nét đặc thù gắn với mục tiêu, lý tưởng, sứ mệnh chính trị cao cả của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nội dung cốt lõi của Quy định gồm 5 điều chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên với 19 tiêu chí để đánh giá thực hiện. Cụ thể, “Điều 1: Yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng và Tổ quốc” thể hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, Nhân dân và nội hàm về lòng tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân. Điều 2: Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập, trong đó nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, ý chí vươn lên, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần phát triển đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị. Điều 3: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Điều 4: Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm. Điều 5: Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời.
Quy định số 144-QĐ/TW được ban hành mới là thành công bước đầu, nhấn mạnh như vậy, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường khẳng định, điều quan trọng cốt lõi nhất là mọi cán bộ, đảng viên phải tự quán triệt, thực sự thấm nhuần sâu sắc Quy định và phải tự giác thực hành các chuẩn mực đạo đức một cách thường xuyên như cơm ăn, nước uống hàng ngày; làm cho đạo đức cách mạng trở thành nét đặc trưng nổi bật của người cán bộ, đảng viên, trở thành vũ khí sắc bén, vượt qua mọi thách thức, cám dỗ, đẩy lùi mọi nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ; làm cho đạo đức cách mạng trở thành hồn cốt của văn hóa Đảng, định hướng thúc đẩy xây dựng, củng cố nền tảng đạo đức văn hóa xã hội, lan tỏa mạnh mẽ trong Nhân dân, làm cho văn hóa, con người Việt Nam thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển và bảo vệ đất nước.
Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải làm tròn bổn phận và trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức, không bị cám dỗ trước tiền, tài, vật chất, danh vọng. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất. Cán bộ, đảng viên phải luôn đề cao danh dự, tự trọng, liêm sỉ, văn hóa công vụ, văn hóa từ chức để việc có lên có xuống, có vào có ra trở thành văn hóa trong Đảng và là việc làm bình thường trong công tác cán bộ của Đảng ta”.