Đất nước nghèo khó đi vì những dự án kiểu này. Khi làm dự toán, phê duyệt dự án, chủ đầu tư chỉ đưa ra lượng vốn nhỏ nhoi với những “con số đẹp”!
Đó chính là “chiêu” ngụy trang để dễ thông qua, dễ được phê duyệt. Nhưng đi vào thi công, dự án mới “đẻ ra” hàng loạt phát sinh không thể kể hết tên.
Ai cũng hiểu: Dự án phát sinh là ngân sách lại phải “ném ra”. Nhiều dự án ngân sách khó khăn lại đi vay nước ngoài với những áp đặt của đối tác đâu có nhẹ nhàng.
Mổ xẻ những dự án “đội vốn” ở TP Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành khác và các công trình giao thông chạy dọc đất nước cũng chả thiếu chuyện đến giật mình!
Hơn chục nhà máy dự án nghìn tỷ giờ “đắp chiếu” đều “đội vốn” với bạc tiền đâu có nhỏ. Thôi thì vin vào giải phóng mặt bằng chậm, trượt giá. Thôi thì đủ thứ phát sinh trong thi công vì khi làm dự toán, khi thiết kế chưa lường tính hết… Truy đến cùng, nhưng nào đã quy nổi trách nhiệm cho ai?
Đó chính là câu trả lời cho câu hỏi “vì sao kinh tế đất nước mãi chưa bền vững”, cứ loay hoay?
Từng có chuyện có công trình không rõ phê duyệt thẩm định kiểu gì mà khi thực hiện còn thừa ra nhiều tỷ đồng. Nhiều chuyên gia kinh tế và cả lãnh đạo bộ nọ, ngành kia khen “loạn trời” về việc dự án biết nâng niu, quý trọng bạc tiền quốc gia. Nhưng dư luận chỉ thẳng: Do cơ quan phê duyệt dự án quan liêu, là ai đó “phóng bút” ký bừa, ký ẩu. Thậm chí có người đặt câu hỏi: Đội ngũ cán bộ, chuyên gia làm dự toán, thiết kế cho dự án này trình độ non kém, hay “lợi ích nhóm” gửi gắm trong đó chăng?
Phải nhìn rõ, phải chỉ thẳng từ “gan ruột” các dự án này khóc cười gì, bất cập chi đều là nhăm nhắm “ăn vào” bạc tiền ngân sách cả.
Tham nhũng tiêu cực chính là ở đó. Lợi ích nhóm cũng chính là ở đó. DN “thân hữu” mở ra, đây đó quan chức có quyền của bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh “ngầm” mở “sân trước sân sau” mang tên người khác bám vào các dự án này để “hứng lộc giời”.
Người dân nhìn rõ: Không ít người “phất lên”, giàu lên ngất ngư sau những dự án đội vốn!
Dư luận lâu nay cứ bàn tán, giờ hỏi thẳng: Trong xây dựng các dự án từ bạc tiền ngân sách thất thoát là bao nhiêu? Rõ ràng nếu đầu tư không chuẩn, lập dự toán không chặt, bạc tiền thất thoát đều vào tay những cái vòi tham nhũng, phần trăm chia chác nhau từ khi làm dự toán, thiết kế, thi công, cho đến cả khi quyết toán cuối cùng khi dự án khánh thành ai biết, ai hay?
Nhìn ra các nước trên thế giới, các dự án lớn họ quản rất chặt, nếu có “du di” xê dịch cũng không đáng kể. Ở các nước tiên tiến họ thực hiện dự án “chìa khóa trao tay” với những thể chế, thiết chế, với những cam kết ràng buộc rất chặt chẽ trong từng điều khoản của hợp đồng kinh tế. Từ thiết kế, thi công, giám sát cho đến mua sắm thiết bị, máy móc họ đều rất minh bạch, công khai. Nhà đầu tư nhận dự án công trình lời ăn lỗ chịu, chứ đâu có chuyện như chúng ta các dự án cứ “đội vốn” lên bao nhiêu Nhà nước chịu cả?
Đất nước hội nhập không thể cứ ỳ ạch trong tư duy, tầm nhìn, cách làm xưa cũ. Các dự án lớn rồi đây còn phải xây dựng nhiều. Thế nên các quy chế, thiết chế trong phê duyệt dự án, lập dự toán cho đến thiết kế, thi công, mua sắm thiết bị ở các dự án lớn, rất cần phải siết cho chặt lại.
Còn để tình trạng các dự án lớn, nhỏ mở ra cứ tiếp tục diễn cái chiêu “đội vốn” như “làm xiếc”, đất nước sẽ mãi còn nghèo, bao giờ mới thoát được ra?
“Đội vốn” ở các dự án, chính là cái “lỗ hổng” rất lớn cần chế tài, kỷ cương bịt lại ngay!