Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả
Tại kỳ họp, một trong những nội dung trọng tâm được các đại biểu quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến, đó là Chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và phát triển đô thị, giai đoạn 2023 - 2025… Các đại biểu khẳng định, đây là nội dung quan trọng thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24.01.2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến hết năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận số 48-KL/TW ngày 30.01.2023 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh...
Theo các đại biểu, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là cần thiết, nhằm khai thác hiệu quả các nguồn lực, mở rộng không gian để quy hoạch đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao tỷ lệ dân số đô thị phù hợp xu hướng chung toàn quốc. Đặc biệt, góp phần xây dựng hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Bắc Giang thực hiện sắp xếp lại 4 đơn vị hành chính cấp huyện thành 1 thành phố, 1 thị xã, 2 huyện. Tỉnh cũng sắp xếp 32 đơn vị hành chính cấp xã (tại 7 huyện, thành phố) xuống còn 15 đơn vị (giảm 17 đơn vị). Đồng thời, thành lập 13 phường thuộc TP. Bắc Giang (sau sắp xếp đơn vị hành chính); 5 phường thuộc thị xã Chũ (sau điều chỉnh địa giới hành chính); thành lập 2 thị trấn thuộc huyện Lục Ngạn.
Như vậy, sau thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và phát triển đô thị giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Bắc Giang có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố, 2 thị xã, 7 huyện); 192 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 35 phường, 14 thị trấn, 143 xã). Về việc triển khai nghị quyết này, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sớm hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Nội vụ thẩm định trình Chính phủ theo đúng quy định; làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai. Đồng thời, chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện để việc sắp xếp khoa học, đúng quy định, phù hợp với thực tiễn từng địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho người dân trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đổi tên đơn vị hành chính...
Kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh
Tại kỳ họp, trên cơ sở nghiên cứu các tờ trình và báo cáo thẩm tra, đại biểu HĐND tỉnh cũng biểu quyết thông qua nghị quyết quy định một số nội dung liên quan đến lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn… Theo Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, toàn tỉnh hiện có 3 lực lượng là: Công an viên bán chuyên trách; Bảo vệ dân phố; Dân phòng tham gia bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở. Mặc dù, HĐND tỉnh đã có một số chính sách hỗ trợ 3 lực lượng trên, song biên chế lực lượng còn thiếu; việc thực hiện nhiệm vụ có nội dung còn chồng chéo; phụ cấp hằng tháng còn thấp; việc trang bị phương tiện chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Ngày 28.11.2023, Quốc hội thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trong đó, có một số điều, khoản giao HĐND các cấp quy định chi tiết việc xây dựng, bố trí lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng này. Mới đây, Chính phủ, Bộ Công an cũng đã ban hành nghị định, thông tư quy định chi tiết Luật với hiệu lực thi hành từ ngày 1.7 tới. Do đó, việc HĐND tỉnh xem xét ban hành nghị quyết là cần thiết nhằm thực hiện thống nhất, hiệu quả luật và các nghị định, thông tư; tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn 3 lực lượng hiện nay thành lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và bảo đảm các chế độ, chính sách, điều kiện hoạt động cho lực lượng này…
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh cũng xem xét, thông qua một số nghị quyết quan trọng khác, như: Điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025; điều chỉnh, phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài sang năm 2024, phân bổ chi tiết kế hoạch vốn các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024; quy định cơ chế, chính sách về nội dung, mức chi đối với các Hội thi sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng; nội dung, mức chi bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật, hòa giải ở cơ sở; chủ trương kiện toàn tổ chức bộ máy, hoạt động và bổ sung vốn điều lệ của Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Giang…
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành nhấn mạnh, các nghị quyết được thông qua là cơ sở pháp lý quan trọng để Bắc Giang giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn; tăng cường công tác quản lý nhà nước, phát huy hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, cần nhanh chóng tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm nghiêm túc, hiệu quả.