Chiều 20.11, HĐND TP. Đà Nẵng tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 11 để xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng nhằm chuẩn bị cho kỳ họp quan trọng diễn ra vào cuối năm.
Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Xuân Thắng chủ trì phiên họp.
Cùng tham dự có: Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Trần Phước Sơn; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cùng lãnh đạo các Ban của HĐND, các sở, ngành thuộc UBND thành phố.
Theo báo cáo của UBND TP. Đà Nẵng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực HĐND thành phố về việc chuẩn bị nội dung phiên họp thường kỳ, Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan khẩn trương rà soát và báo cáo kết quả, tiến độ triển khai theo quy định.
Đối với các nội dung trình tại Kỳ họp cuối năm 2024 HĐND thành phố, trên cơ sở các nhiệm vụ phát sinh trong quá trình chỉ đạo điều hành và các nội dung cần triển khai theo Nghị quyết 136 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, UBND thành phố báo cáo, đề nghị Thường trực HĐND thành phố xem xét, thống nhất bổ sung 4 nội dung vào danh mục nội dung trình tại Kỳ họp HĐND thành phố cuối năm 2024.
Ngoài ra, đại diện Văn phòng UBND thành phố cũng đã có báo cáo về các nội dung qua giám sát của Thường trực, các ban HĐND thành phố bao gồm các vấn đề như: kết quả giám sát và kiến nghị, đề xuất về công tác xúc tiến, thu hút đầu tư các dự án thiết kế, sản xuất chip bán dẫn.
Một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện đề án phân cấp, ủy quyền (phân cấp quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật kèm theo nguồn lực…); kết quả triển khai Chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2025 và kết quả triển khai thực hiện kế hoạch trong năm 2024.
Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung làm rõ một số kiến nghị của cử tri liên quan đến việc đảm bảo môi trường xung quanh dự án công viên phần mềm số 2; những hạn chế khi tiến hành phân cấp, ủy quyền; vấn đề vướng mắc giữa các sở, ngành trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng dẫn đến gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân…
Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Trần Phước Sơn, vừa qua HĐND thành phố nhận được khá nhiều đơn thư khiếu nại, kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến các thủ tục cấp phép, giấy phép... Một số nội dung đơn thư đã được HĐND thành phố chuyển sang UBND thành phố theo thẩm quyền nhưng chưa được xem xét xử lý rốt ráo. Do đó, đề nghị UBND thành phố tiến hành rà soát giải quyết kịp thời các đơn thư của doanh nghiệp.
Đối với những văn bản trình HĐND, cần xem lại nội dung vấn đề đó có thuộc thẩm quyền của Thường trực HĐND hay HĐND giải quyết hay không. Để hồ sơ trình đúng thẩm quyền, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố đề nghị Văn phòng UBND thành phố, Sở Tư pháp phải tham mưu cho UBND thành phố về vấn đề này.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề mà lãnh đạo các Ban, các đại biểu HĐND thành phố nêu ra tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh ghi nhận, tiếp thu các ý kiến và giao cho các sở, ban ngành liên quan có phương án giải quyết. Đối với các vướng mắc về thủ tục giấy phép, cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tránh các khâu trung gian để không làm mất thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp.
Kết luận kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng yêu cầu các Ban của HĐND cũng như UBND thành phố thực hiện rà soát, đề xuất danh mục cũng như tài liệu, nội dung trình tại kỳ họp HĐND cuối năm dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 13.12 tới. Đồng thời, sau kỳ họp phải soạn thảo Nghị quyết chung về phát triển kinh tế - xã hội để ban hành ngay. Đối với các nội dung qua giám sát của các Ban, Thường trực HĐND thì đề nghị UBND thành phố tiếp thu, giải quyết.
Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng cũng đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành để xác định xem cái nào còn hiệu lực, cái nào hết hiệu lực; tránh để xảy ra tình trạng người dân, doanh nghiệp áp dụng các văn bản pháp luật để hết thời hiệu.
Đối với những nội dung văn bản pháp luật mới ban hành cũng cần sớm có hướng dẫn thực hiện. Đồng thời, việc tham mưu xây dựng hoặc ban hành các văn bản này cần dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Các cơ quan chức năng tập trung giải quyết những kiến nghị, đề xuất theo đúng quy định trên tinh thần tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp, người dân để khơi thông nguồn lực.