Trách nhiệm, nhận thức về phòng cháy được nâng cao
Theo báo cáo của UBND huyện Tam Nông, thời gian qua, địa phương luôn quan tâm quán triệt, chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo về công tác PCCC. Hàng năm, Huyện ủy, UBND huyện, Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) huyện ban hành các văn bản, kế hoạch về công tác PCCC và CNCH; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, nòng cốt là lực lượng Công an huyện trong phối hợp triển khai thực hiện; thường xuyên kiện toàn, bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương…
UBND huyện cũng thường xuyên quan tâm, tăng cường đầu tư cho công tác PCCC và CNCH, trang bị cơ sở vật chất, hậu cần cho lực lượng trực tiếp làm công tác chữa cháy và CNCH tại cơ sở. Cùng với đó, công tác huy động mọi nguồn lực hợp pháp (đầu tư công, xã hội hóa) để mua sắm trang thiết bị PCCC và CNCH cũng mang lại những kết quả đáng ghi nhận.
Về thực hiện Nghị quyết số 85/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, lãnh đạo huyện cho biết, đã nâng cao trách nhiệm và nhận thức của các cấp, các ngành và Nhân dân trong công tác PCCC, góp phần kiềm chế, kéo giảm, không để xảy ra cháy, nổ. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí trong giải phóng mặt bằng nên chưa thực hiện được việc di dời chợ An Long.
Bên cạnh những kết quả đạt được, từ thực tế triển khai thực hiện quy định của pháp luật và Nghị quyết số 85/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, huyện Tam Nông đã chia sẻ với Đoàn khảo sát một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, số lượng và chất lượng phương tiện, trang thiết bị phục vụ PCCC và CNCH nhìn chung chưa bảo đảm yêu cầu. Lực lượng PCCC và CNCH còn mỏng, chưa qua tập huấn chuyên sâu, khối lượng công việc lớn nên còn khó khăn trong kiểm tra, hướng dẫn. Lực lượng dân phòng tại một số xã, thị trấn còn kiêm nhiều vị trí công tác, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm tại địa bàn quản lý…
Đại diện UBND huyện Tam Nông cũng cho biết, kinh phí triển khai thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH chưa được quan tâm đúng mức nên việc triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn; lực lượng cán bộ trực tiếp quản lý địa bàn, cơ sở chưa có kinh nghiệm, chuyên môn, nghiệp vụ kiểm tra an toàn PCCC có lúc còn hạn chế… Qua thống kê, trên địa bàn huyện có 542 cơ sở; trong có 47 cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ.
Quan tâm bố trí kinh phí cho phòng cháy, chữa cháy
Qua nghiên cứu tài liệu phục vụ làm việc và thực tế tại một số đơn vị, địa phương, các thành viên Đoàn khảo sát và lãnh đạo huyện Tam Nông đã tập trung trao đổi làm rõ thêm một số hạn chế trong thực tế công tác PCCC tại chợ An Long và một số cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn; việc bố trí kinh phí đầu tư cho các công trình dự án phục vụ cho công tác PCCC của địa phương…
UBND huyện Tam Nông kiến nghị tỉnh tiếp tục quan tâm bố trí nguồn kinh phí công tác PCCC và CNCH cho các địa phương. Về phía Công an tỉnh, cần nghiên cứu, tăng cường biên chế cho lực lượng làm công tác PCCC và CNCH cấp huyện, xã; trang bị phương tiện bảo đảm số lượng và chất lượng để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về PCCC và CNCH…
Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Hữu Đức đánh giá cao những kết quả tích cực huyện Tam Nông đã đạt được trong công tác PCCC trên địa bàn thời gian qua. Đồng thời, lưu ý địa phương cần quan tâm tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nâng cao ý thức, kỹ năng, thường xuyên cảnh báo nguy cơ cháy nổ để người dân chủ động phòng tránh… Cùng với đó, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa lực lượng chữa cháy cơ sở và dân phòng theo phương châm 4 tại chỗ; nâng cao chất lượng công tác PCCC của địa phương; góp phần giảm thiểu thấp nhất các vụ việc và thiệt hại do cháy nổ. Qua đó, giữ vững an toàn xã hội, ổn định an ninh - trật tự để thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu nhiệm vụ phát triển của địa phương.