Cụ thể hóa quyền, trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai
- Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều nội dung mới nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16.6.2022 của Trung ương về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao", các Nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội, giải quyết các vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đất đai. Theo bà, dự luật đã đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn cuộc sống hiện nay hay chưa?
- Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này hướng tới những mục đích rất quan trọng là: tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả; giải quyết hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các giao dịch về quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản công khai, minh bạch, lành mạnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất; khắc phục triệt để tình trạng lãng phí, thất thoát, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai.
Tôi đánh giá cao dự thảo Luật hiện đang được lấy ý kiến Nhân dân. Dự luật có chất lượng tương đối tốt, thể hiện nỗ lực lớn của các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan trong việc soạn thảo, thẩm tra cũng như bước đầu tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý. Tuy nhiên, đây là dự án Luật quan trọng, khó, có phạm vi lớn, tác động sâu rộng đến các tầng lớp trong xã hội, do đó, tôi mong muốn, dự thảo Luật sẽ tiếp tục được hoàn thiện hơn nữa, đặc biệt, cần chú trọng tổng kết, đánh giá thi hành Luật hiện hành để “khoanh vùng” những vướng mắc, bất cập trong chính sách, pháp luật về đất đai cũng như trong tổ chức, thực thi pháp luật về đất đai, đánh giá kỹ lưỡng tác động của các chính sách mới, những thủ tục hành chính phát sinh.
Đặc biệt, theo rà soát, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có liên quan đến ít nhất hơn 100 luật khác trong hệ thống pháp luật hiện hành. Vì vậy, việc bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với các luật hiện hành là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Tôi mong chờ sẽ có sự thiết kế hoàn hảo hơn nữa đối với dự thảo Luật này khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm tới.
- Trách nhiệm của Nhà nước đối với quản lý, sử dụng đất đai là một trong những nội dung quan trọng trong dự thảo Luật. Theo bà, dự thảo Luật đã làm rõ trách nhiệm của Nhà nước trong vai trò vừa là cơ quan quản lý, vừa là đại diện chủ sở hữu về đất đai của nhân dân chưa?
- Dự thảo Luật đã làm rõ và quy định khá chi tiết quyền, trách nhiệm của Nhà nước trong các vấn đề: quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quyết định mục đích sử dụng đất; quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất; quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất; giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất; quyết định giá đất, điều tiết thị trường quyền sử dụng đất; quyết định chính sách tài chính về đất đai; quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; trách nhiệm và những đảm bảo của Nhà nước đối với người sử dụng đất; trách nhiệm của Nhà nước trong tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số có đất ở, đất sản xuất - không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà trong sản xuất, kinh doanh nói chung để bảo đảm sinh kế, phù hợp với tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thực tế quỹ đất ở địa phương; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai...
Qua đó có thể thấy, trách nhiệm của Nhà nước trong vai trò vừa là cơ quan quản lý, vừa là đại diện chủ sở hữu về đất đai đã được đề cập tương đối đầy đủ. Dự thảo Luật cũng đã tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời thiết lập công cụ của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai, tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và Nhân dân đối với lĩnh vực này.
Tuy nhiên, dự thảo Luật còn thiếu vắng các quy định về Nhà nước với tư cách là người sử dụng đất. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” (Điều 53). Qua rà soát các quy định cụ thể cho thấy, Điều 6 dự thảo Luật quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Tại Mục 1 và Mục 2 của Chương 2 cũng mới chỉ quy định về quyền, trách nhiệm của Nhà nước với hai tư cách là đại diện chủ sở hữu và quản lý về đất đai. Dự thảo Luật cũng chỉ quy định, đề cập quyền đại diện chủ sở hữu đất đai là Nhà nước, còn toàn dân với vai trò là chủ sở hữu đất đai theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì chưa được quy định cụ thể.
Để bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền, trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai, đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của dự thảo Luật theo hướng làm rõ vai trò của Nhà nước với ba tư cách: là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai; là người thực hiện chức năng thống nhất quản lý đất đai trong phạm vi cả nước; là người sử dụng đất với cơ chế cụ thể để bảo đảm thực hiện; đồng thời, bổ sung các quy định về quyền đại diện của chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai.
Cần tiếp tục đầu tư, gia công thêm để bảo đảm tính tách bạch và minh định giữa trách nhiệm, chức năng đại diện chủ sở hữu đất đai của Nhà nước với chức năng thống nhất quản lý nhà nước về đất đai. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền lạm quyền, tiêu cực, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực đất đai thời gian qua.

Đánh giá kỹ lưỡng tác động đa chiều của các chính sách mới
- So với Luật hiện hành, dự thảo Luật bổ sung quy định về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số (Điều 24), trong đó, giao Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh theo điều kiện thực tế của địa phương quy định cụ thể chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Bà có suy nghĩ thế nào về quy định mới này?
- Chúng ta biết, hầu hết đồng bào các dân tộc thiểu số có sinh kế gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, đây là sinh kế chính và quan trọng nhất của đồng bào. Khoảng trên 90% lao động người dân tộc thiểu số sinh sống bằng nghề nông. Đất đai (đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng…) là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều hộ thiếu đất sản xuất; kinh tế lâm nghiệp chuyển biến chậm, chính sách đối với lâm nghiệp chưa thật sự bảo đảm cho người dân sống và gắn bó với nghề rừng… Vì vậy, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở và vấn đề tranh chấp đất đai ở vùng dân tộc thiểu số được xác định là một trong những nhiệm vụ chủ yếu và cấp bách.
Luật Đất đai năm 2013 đã quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng; đồng thời, có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp có đất để sản xuất. Luật cũng quy định đối với quỹ đất thu hồi của các tổ chức đang sử dụng đất nông nghiệp sẽ được ưu tiên để giao đất, cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân là người dân tộc thiểu số không có đất hoặc thiếu đất sản xuất. Quy định về điều kiện chuyển nhượng, tặng, cho đối với hộ gia đình, cá nhân là người dân tộc thiểu số sử dụng đất do Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Mặc dù tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 cho thấy chúng ta cũng đã đạt được những kết quả cơ bản, nhưng tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất vẫn là vấn đề nan giải đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Việc dự thảo Luật bổ sung quy định về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số (Điều 24), trong đó, giao UBND cấp tỉnh theo điều kiện thực tế của địa phương, quy định cụ thể chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số là nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh trong quản lý đất đai, giải quyết chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cần đánh giá rõ tác động chính sách của việc giao UBND cấp tỉnh quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Mặt khác, đối chiếu trong Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có quy định đối tượng người dân tộc thiểu số được trợ giúp pháp lý miễn phí, song trên thực tế, hầu hết người dân không biết đến quy định này. Do đó, tôi kiến nghị, cần nghiên cứu bổ sung quy định về việc thực hiện các hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí cho đối tượng người dân tộc thiểu số trong các giao dịch liên quan đến chuyển nhượng, thu hồi đất... để người dân nắm rõ việc được hưởng quyền này.
- Hiện có hai luồng ý kiến khác nhau về việc dự thảo Luật quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
- Việc quy định một mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang cũng là một trong những giải pháp có thể giúp hạn chế tình trạng đầu cơ, bỏ hoang nhà, đất trong các dự án bất động sản, gây lãng phí nguồn lực xã hội; mặt khác, khoản thuế này cũng sẽ giúp có thêm nguồn thu ngân sách để tái đầu tư phát triển xã hội. Tuy nhiên, nội dung này cần nghiên cứu tác động nhiều chiều, phân tích chính sách kỹ lưỡng và lấy ý kiến sâu rộng của các đối tượng chịu sự tác động của chính sách này; bảo đảm tính đồng bộ với các quy định có liên quan về thuế trong hệ thống pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách ưu đãi thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư, đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số…
- Xin cảm ơn bà!