Pháo đất một trong những trò chơi dân gian có lịch sử lâu đời. Trò chơi này được hình thành khoảng hơn 400 năm, trong quá trình đắp đê ngăn ngăn lũ ở đồng bằng Bắc bộ. Cũng có người kể rằng, nguồn gốc của trò chơi từ thời Trần Hưng Đạo. Theo lời kể của các cụ để lại, trong khi đi đánh trận Bạch Đằng, voi của Trần Hưng Đạo bị sa lầy ở khúc sông Hóa chảy qua đây, nhân dân quanh vùng đã dùng đất khô ném xuống chỗ voi đứng để cứu voi. Lúc đó họ bỗng nghe thấy những tiếng nổ giòn tan và từ đó người dân biến đó thành trò chơi dân gian.
![]() | |
Pháo thủ đang cấu đượn pháo | Ảnh: Thanh Bình |
Theo anh Nguyễn Văn Đẩu, trò chơi pháo đất do tổ tiên truyền lại cho con cháu, đời này luân truyền đến đời khác. Cả làng, ai ai cũng biết chơi, cả phụ nữ và đàn ông đều tham gia. Tuy nhiên, người phụ nữ không thích tham gia trò chơi này, mặc dù họ có quyền tham gia. Chắc là do bưng bê pháo đất nặng khiến họ chơi khó khăn. Ngay cả con cháu trong làng cũng rất thích thú chơi pháo đất, khi người lớn làm pháo đất thì bọn chúng đứng ngồi xung quanh để quan sát học cách làm pháo.
Pháo đất được chơi quanh năm không chỉ riêng chơi tại lễ hội, những ngày mưa rỗi không ra đồng thì người dân tụ tập chơi pháo đất. Những pháo thủ có thể tự tổ chức các trận đấu giữa nhà này với nhà kia, giữa tốp thanh niên này với thanh niên khác trong làng, giữa làng này với làng khác. Các cuộc thi có thể thi đấu 1 đấu 1, mỗi đội cũng không giới hạn người tham gia.
Pháo đất được chia làm 4 loại gồm: pháo Đập, pháo Gieo, pháo Nhẩy, pháo Thuyền. Các công đoạn làm pháo tương tự nhau, làm pháo quan trọng nhất là phải tìm đất ổn định về chất lượng. Pháo Gieo là dùng 5 ngón tay cấu vào đất sét, dân gian gọi là được, và người ta gieo các ngón tay xuống; pháo Đập làm tương tự như pháo Gieo nhưng người làm có được phép đập đất xuống, còn pháo Thuyền thì làm hình dạng như thuyền và được để dưới đất làm, không cần bưng lên tay làm như các loại pháo kia. Kích cỡ các loại pháo đất rất đa dạng, đường kính nhỏ nhất là 30cm và đượn của pháo dài khoảng 1 mét, cho đến các loại pháo có kích cỡ lớn từ 60cm trở lên và có độ đượn khoảng 2 mét
Chất liệu pháo được làm bằng đất sét tinh, không pha bất cứ một tạp chất nào. Vì thế, để tìm chọn ra loại đất sét này, các pháo thủ phải lấy đất từ dưới đáy sông hoặc ở tầm sâu trên đồng ruộng. Không được lấy đất bừa bãi, phải đào qua 2 lần đất ở phía trên rồi đem vứt đi, chỉ lấy đất đào qua lần thứ 3. Người lấy đất lựa miếng không có tạp chất và loại bỏ hết cát, sỏi, rễ cây, sau đó đem về nhà thái lát ấp vào tường để hút vợi nước. Đất được lấy chiều hôm trước, công đoạn đào đất và loại bỏ tạp chất mất từ hai tiếng trở lên. Sau đó, các pháo thủ tập trung nhau giã đất, dùng dây thái (xén) đất thành từng mảnh mỏng để làm sạch các xơ cỏ, rễ cây, rồi nhào, nặn cho thật nhuyễn, thật mịn như khoanh giò lụa. Tuy nhiên, đó chỉ là các công đoạn chuẩn bị cho ngày hội. Còn ngày thường thì chỉ làm từ sáng sớm để chơi ngay trong ngày.
![]() | |
Hoàn thành xong lượt pháo, đượn làm sao cho dài là chiến thắng | Ảnh: Thanh Bình |
Anh Nguyễn Văn Đẩu chia sẻ, ném pháo, cần phải có bàn tay chắc chắn để giữ yên pháo không được rơi. Không nên gieo pháo xuống đất ngẫu nhiên, pháo thủ phải lựa được nơi ném pháo tốt nhất phụ thuộc vào chiều thuận tay của pháo thủ. Khi làm pháo đất, tiếng to của pháo sẽ phụ thuộc vào độ đượn của pháo. Độ sâu gieo vào pháo tùy thuộc vào kinh nghiệm của pháo thủ, muốn gieo đượn pháo cân đối thì phải cấu mỏng, nếu không làm được thì phải cấu dày.
Chơi pháo đất, đấu giữa dòng họ, thanh niên xóm này đánh xóm khác, làng này đánh làng khác. Đóng góp tiền, bên nào thua phải nấu cơm cho bên thắng. Nếu thi đấu với quy mô nhỏ thì có thể đấu trong nhà luôn, và cuộc thi không có phần thưởng. Nếu thi làng thì giải thưởng được nâng cao hơn là cái khăn tay chiến thắng. Khi đấu làng thì phải thi đấu theo hình thức loại, nếu ai thua thì loại, và người thắng thì được tiếp tục vào vòng trong để thi tiếp. Nếu mà đấu thi bình thường, thì từng người gieo pháo xuống đất ra, rồi cộng toàn bộ số độ dài của đượn hai bên để so sánh với nhau. Nếu bên nào có độ đượn dài hơn thì bên đó thắng, vì thế người chơi cuối cùng là người quyết định thắng thua trong cuộc thi, và đây chắc chắn là người có kỹ năng làm pháo tốt nhất của đội có thể ước lượng được đất để tạo ra độ đượn dài hơn bên kia.
Nói về việc bảo tồn trò chơi truyền thống, anh Nguyễn Văn Đẩu mong muốn, những tiếng pháo đất trong làng mình nổ phải to hơn, đượn phải dài. Mong trò chơi pháo đất sẽ tiếp tục được bảo tồn và nhiều người biết tới.