Tấm gương mẫu mực
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng”, là kẻ thù của nhân dân, của Chính phủ, nó không mang gươm, mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta để làm hỏng công việc của ta… Theo Bác, tham ô là trộm cướp; lãng phí cũng gây tai hại không thua kém cho nhân dân, cho Nhà nước; có khi tai hại hơn nạn tham ô. Lãng phí bao gồm nhiều mặt: lãng phí sức lao động; lãng phí thời gian; lãng phí tiền của Nhà nước, cơ quan và bản thân; lãng phí tài nguyên thiên nhiên, của cải vật chất… Người cũng chỉ ra nguồn gốc, nguyên nhân chủ yếu của “căn bệnh lãng phí” đó là, xuất phát từ bệnh quan liêu, vô trách nhiệm, vô cảm; từ sự yếu kém của đội ngũ cán bộ, bệnh phô trương hình thức, thái độ thiếu tinh thần bảo vệ của công…
Để chống căn bệnh tham ô, lãng phí hiệu quả, Người cho rằng: kiên quyết đấu tranh xóa bỏ triệt để bệnh quan liêu, đấu tranh chống bệnh chủ nghĩa cá nhân; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm trong mọi lĩnh vực, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Theo Người, tiết kiệm không phải là bủn xỉn mà là sử dụng hợp lý, có kế hoạch nhưng vẫn đạt được mục tiêu. “Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng. Như thế mới đúng là tiết kiệm”; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi người, mọi tổ chức, cơ quan, đơn vị cùng tham gia phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong, gương mẫu.“Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước… Hô hào tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước”; dựa vào quần chúng nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân để phòng, chống “căn bệnh” tham ô, lãng phí…
Cùng với những lời dạy về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chính cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực, minh chứng về đạo đức cách mạng, suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị để toàn Đảng, toàn dân học tập, noi theo. Kể cả trong Di chúc của mình, Bác cũng không quên căn dặn việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân”
Tạo chuyển biến đồng bộ trong phòng chống tham nhũng, lãng phí
Thực trạng lãng phí đã và đang là vấn đề bức xúc, gây tác hại to lớn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, làm xói mòn niềm tin của người dân với Đảng, với các cấp chính quyền. Một thực tế không thể phủ nhận, nhìn đâu cũng vẫn thấy: tình trạng chậm quy hoạch; quy hoạch “treo” dự án khu đô thị, khu, cụm, điểm công nghiệp; thu hồi đất, giải phóng mặt bằng hàng trăm nghìn héc ta đất rồi bỏ hoang; dự án triển khai dang dở rồi “đắp chiếu”; các công trình, dự án chất lượng xây dựng kém, hiệu quả sử dụng thấp; việc mở quá nhiều trường Đại học theo các loại hình đào tạo công lập, dân lập, khiến cho sinh viên ra trường thấp nghiệp, không xin được việc làm (chưa kể làm trái với chuyên môn được đào tạo nên khi đi làm phải đào tạo lại, rồi chất lượng đào tạo thấp, hàng nghìn Thạc sĩ, Tiến sĩ chất lượng không xứng tầm,…)… Ở công sở nào cũng vẫn còn thấy việc lãng phí thời gian, nguồn lực…
Thiệt hại, thất thoát do hành vi lãng phí gây ra rất lớn, không thể tính đếm hết được, có thể so sánh không thua kém gì tham nhũng, lãng phí còn được coi như nguồn của tham nhũng, song hành cùng tham nhũng.
Có rất nhiều giải pháp, nhưng thiết nghĩ trước hết là Đảng phải lãnh đạo sâu sát trong việc tuyên truyền tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đến mỗi đảng viên để thấm nhuần quan điểm tư tưởng của Người về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đảng cũng phải tăng cường công tác kiểm tra đảng viên, tổ chức đảng; nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá đúng công tác lãnh đạo, quản lý, giới thiệu, bố trí đảng viên trong các cơ quan, tổ chức… của nhà nước. Kiên quyết xử lý nghiêm minh những đảng viên có hành vi vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Với vai trò, trách nhiệm của mình, hoạt động giám sát của HĐND trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên thực tế đã được chú trọng, tăng cường và mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, cùng với vị trí chính trị và cơ cấu của cơ quan, đại biểu dân cử chưa tương xứng cũng như thiếu các quy định rõ ràng về thẩm quyền và chế tài trong thực hiện quyền giám sát, đặt ra yêu cầu cấp bách tiếp tục hoàn thiện quy định về cơ cấu tổ chức của HĐND, tạo điều kiện cho HĐND độc lập trong thực thi quyền giám sát. Để các đại biểu HĐND được dân bầu ra luôn nỗ lực trau dồi kiến thức, kỹ năng, không vô cảm trước công việc, ngoài các điều kiện bảo đảm cho hoạt động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ban hành quy định pháp luật giao Mặt trận tổ quốc chủ trì tổ chức cho cử tri bỏ phiếu tín nhiệm đại biểu ứng cử tại địa bàn về việc thực hiện lời hứa và quy định bầu bổ sung đại biểu thay thế giữa nhiệm kỳ theo một tỷ lệ nhất định khi cần thiết.
Mục đích nhằm làm cho đại biểu luôn gắn bó mật thiết với cử tri, luôn quyết tâm hành động và đổi mới để góp phần tạo chuyển biến đồng bộ trong xây dựng nhà nước, phòng chống tham nhũng, lãng phí và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đây cũng là câu chuyện được bàn đến ở nhiều nhiệm kỳ qua cần sớm được nghiên cứu, luật hóa.