Khoảng 2.000 người có nguy cơ bị chôn vùi
Người dân địa phương bàng hoàng sau khi hàng tấn đất đá và bùn ập đổ ập xuống nhà họ khi họ đang ngủ. Lực lượng cứu hộ đã phải vật lộn để tiếp cận khu vực xa xôi của ở một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á - Thái Bình Dương. Trong cơn tuyệt vọng, dân làng phải sử dụng cuốc, xẻng hoặc bất kỳ công cụ nào họ có để đào bới xuyên sườn núi bị sập, tìm kiếm những người mất tích.
Cô Evit Kambu, một nạn nhân sống sót chia sẻ với hãng tin Reuters cố đã mất hơn chục người thân trong gia đình trong thảm họa. “18 thành viên trong gia đình tôi bị chôn vùi dưới đống đổ nát và còn rất nhiều người trong làng mà tôi không thể đếm được. Tôi là chủ đất nhưng tôi không thể làm gì”.
Ngay sau khi thảm họa xảy ra, quan chức địa phương ban đầu ước tính có thể có tới 100 người đã thiệt mạng. Con số này sau đó đã được điều chỉnh lên 670, theo ước tính của Trưởng phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại nước này. Nhưng hiện nay con số thương vong có thể đã tăng lên đáng kể theo tính toán mới nhất của cơ quan thảm họa Papua New Guinea.
Ông Lusete Laso Mana, quyền Giám đốc Trung tâm Thảm họa Quốc gia, cho biết trong một lá thư gửi Liên Hợp Quốc: “Vụ lở đất đã chôn sống hơn 2.000 người, tàn phá nghiêm trọng toàn bộ nhà cửa, vườn cây lương thực và gây ảnh hưởng lớn đến huyết mạch kinh tế của đất nước”. Ông nói thêm: “Tình hình vẫn không ổn định do tình trạng lở đất vẫn diễn ra dù chậm, gây nguy hiểm liên tục cho cả đội cứu hộ cũng như những người sống sót”. Ông đồng thời cho biết đường cao tốc chính dẫn đến khu vực đã bị tắc nghẽn hoàn toàn do lở đất.
Chris Jensen, Giám đốc Tầm nhìn Thế giới của Papua New Guinea, nói với CNN: “Đây là một vụ lở đất vô cùng nghiêm trọng. Thật đáng sợ khi cả một ngọn núi đã chôn vùi nhiều hộ gia đình vào lúc nửa đêm”.
Giám đốc Tổ chức nhân đạo toàn cầu CARE International Justine McMahon thì cho biết “vẫn chưa xác định tổng số người thiệt mạng vì chỉ một số ít thi thể được tìm thấy”. Bà McMahon nói với CNN: “Các nhà chức trách đã làm việc rất hiệu quả, phản ứng nhanh và đang làm việc suốt ngày đêm… nhưng tôi nghĩ với quy mô của thảm họa này và (số lượng) người bị ảnh hưởng, sẽ cần có nguồn lực viện trợ rộng lớn hơn từ cộng đồng”. Bà McMahon nói: "Do những ngôi nhà bị chôn vùi dưới lớp đất dày tới 8m, nên việc tiếp cận một số nạn nhân sẽ rất khó khăn".
Đâu là nguyên nhân?
Vụ lở đất xảy ra tại ngôi làng hẻo lánh Kaokalam, cách Thủ đô Port Moresby khoảng 600km về phía Tây Bắc, vào khoảng 3 giờ sáng giờ địa phương hôm 24.5, để lại một vùng đổ nát có kích thước lớn bằng 4 sân bóng đá.
Papua New Guinea là nơi sinh sống của khoảng 10 triệu người. Địa hình đồi núi rộng lớn và thiếu đường sá khiến việc tiếp cận khu vực bị ảnh hưởng trở nên khó khăn.
Pierre Rognon, phó giáo sư của Trường Kỹ thuật Xây dựng thuộc Đại học Sydney, Australia, cho biết việc tìm kiếm những người sống sót sau trận lở đất là “đặc biệt khó khăn” bởi sạt lở thường chôn vùi các công trình và con người dưới lớp vật liệu địa chất hàng chục mét, thậm chí hàng trăm mét. Không ai có thể dự đoán chính xác nơi có thể có những người sống sót và bắt đầu tìm kiếm họ ở đâu”.
Không rõ nguyên nhân gây ra vụ lở đất, nhưng giáo sư địa chất Alan Collins từ Đại học Adelaide, Australia cho biết hiện tượng này thường xảy ra ở khu vực có “lượng mưa đáng kể”. Theo ông Collins, mặc dù hiện tượng lở đất dường như không bắt nguồn trực tiếp từ các trận động đất, nhưng động đất thường tạo nên những sườn dốc và khiến những ngọn núi cao có thể trở nên không ổn định”. Ông cho biết lượng mưa có thể đã làm thay đổi các khoáng chất tạo nên nền đá, làm suy yếu lớp đá hình thành nên các sườn đồi dốc. Bên cạnh đó, ông cho rằng, nạn phá rừng có thể khiến lở đất trở nên phổ biến hơn bởi rễ cây có tác dụng ổn định nền đất.
Còn ông Chris Jensen, Giám đốc Tầm nhìn Thế giới cho biết: “Không có báo cáo về động đất vào thời điểm này nhưng thời gian gần đây chúng tôi chứng kiến lượng mưa đáng kể và nhiều hiện tượng thời tiết bất thường xảy ra trên khắp Papua New Guinea. Lũ lụt xảy ra ở các tỉnh khác và chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều thách thức do biến đổi khí hậu. Chúng tôi sẽ thực hiện các đánh giá và phân tích sâu hơn để cố gắng tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng này”.