Đây cũng là một trong những nội dung được quan tâm, trao đổi giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông từ năm 2009 đến năm 2023" với UBND tỉnh Thanh Hóa.
Nỗ lực xóa "điểm đen", tiềm ẩn tai nạn giao thông
Từ ngày 1.7.2009 đến 31.12.2023, toàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 8.817 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.609 người, bị thương 7.181 người. So với giai đoạn 2014 - 2018, toàn tỉnh giảm được 24% số vụ tai nạn, giảm 7% số người chết và giảm 15% số người bị thương. Những kết quả này là nhờ công tác lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND, HĐND và sự ủng hộ của Nhân dân toàn tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm, để triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Tỉnh ủy đã ban hành 15 văn bản, UBND ban hành 236 văn bản… liên quan đến các lĩnh vực giao thông trên địa bàn. Cùng với đó là công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm. Một trong những cách làm hay của Thanh Hóa, đó là những nỗ lực trong việc xóa "điểm đen", điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay tiêu chí xác định "điểm đen" là tình hình tai nạn giao thông xảy ra trong một năm thuộc một trong các trường hợp: xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông có người chết; 3 vụ tai nạn trở lên, trong đó có một vụ có người chết và 4 vụ tai nạn trở lên, nhưng chỉ có người bị thương. Tuy nhiên, với phương châm "tính mạng con người là trên hết", địa phương đã tập trung các giải pháp và nguồn lực nhằm xóa bỏ các “điểm đen” này và xử lý cả những điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông để không trở thành "điểm đen".
Theo đó, trong giao thông đường bộ, từ ngày 1.7.2009 đến hết 31.12.2023, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Công an tỉnh, Khu Quản lý đường bộ II thuộc Cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa và Bộ Giao thông Vận tải xử lý 75 "điểm đen", điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ; xử lý nhiều "điểm đen" và nhiều điểm tiềm ẩn giao thông trên các tuyến tỉnh lộ. Đồng thời, UBND các huyện, thị xã, thành phố của Thanh Hóa đã chủ động rà soát, bố trí nguồn kinh phí để xử lý "điểm đen", điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các tuyến đường do địa phương quản lý. Hay, với giao thông đường sắt, Thanh Hóa đã ưu tiên đầu tư 4 đoạn đường gom với chiều dài 2.360m và hàng rào ngăn cách trên địa bàn huyện Nông Cống và Hà Trung, xóa bỏ 28 lối đi tự mở…
Chỉ rõ, với số lượng phương tiện và người dân tham gia giao thông ngày càng gia tăng, gây nguy cơ mất an toàn giao thông, đặc biệt là ở những “điểm đen", điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho rằng, việc xóa bỏ các “điểm đen” và xử lý cả những điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông là nỗ lực rất lớn của tỉnh Thanh Hóa trong việc góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an toàn giao thông thời gian qua.
Công tác tuyên truyền chưa đến được từng người dân
Tuy nhiên, một trong những nội dung được Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm và chỉ ra, đó là tình hình tai nạn và va chạm giao thông tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn ở mức cao, nhất là ở lĩnh vực giao thông đường bộ.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân chỉ rõ, tình hình tai nạn giao thông tuy giảm ở cả 3 tiêu chí, nhưng đến năm 2023 lại tăng. Trong những nguyên nhân của các vụ tai nạn, thì thiếu chú ý quan sát chiếm 22,6% số vụ; vi phạm phần đường chiếm 19% số vụ; vi phạm tốc độ chiếm 15% số vụ… - phải chăng do hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông chưa cao?
Giải trình về nội dung này, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa Phan Thị Hường cho biết, số liệu tai nạn giao thông tăng đột biến trong năm 2023 là do thời điểm đó, trên địa bàn triển khai nhiều dự án giao thông, như cao tốc, đường ven biển, khu công nghiệp nên phương tiện tham gia giao thông tăng cao… Ngoài ra, trước đây, ở cấp cơ sở không thống kê những vụ va chạm giao thông, hay như các trường hợp sau khi bị tai nạn giao thông, giữa nạn nhân và người gây tai nạn thương lượng nên khó có số liệu chuẩn. Tuy nhiên, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thanh Hóa đã chấn chỉnh lại việc báo cáo các vụ việc liên quan đến tai nạn giao thông và đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới số liệu tai nạn giao thông tăng đột biến trong năm 2023, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết.
Về nguyên nhân gây tai nạn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm thừa nhận thực trạng về ý thức chấp hành pháp luật giao thông, kỹ năng điều khiển phương tiện của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông còn kém, thiếu trách nhiệm với bản thân và cộng đồng cũng như hiệu quả công tác tuyên truyền chưa tạo được sự lan tỏa sâu rộng, chưa đến được từng người dân hoặc chỉ tập trung vào các đợt cao điểm mà chưa được thực hiện thường xuyên.
Gợi mở về giải pháp cho địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, trước hết, người đứng đầu các cấp ủy đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, đoàn thể cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường chỉ đạo, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, coi đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật an toàn giao thông theo hướng bảo đảm "vừa sâu rộng, vừa thực chất". Trong đó, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin, mạng xã hội để truyền tải thông tin một cách nhanh nhất, rộng khắp đến mọi tầng lớp Nhân dân. Cùng với đó, chú trọng tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ vi phạm và tai nạn giao thông cao, như thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên… với nhiều nội dung, hình thức phù hợp. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức về an toàn giao thông theo hướng "lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả".