Đây thực sự là nhiệm vụ thách thức bởi thời gian còn lại quá ngắn trong khi lượng vốn cần giải ngân còn khá nhiều. Ước giải ngân đến hết tháng 11.2023 đạt gần 461 nghìn tỷ, bằng 65,1% kế hoạch Thủ tướng giao. Kết quả này tuy cao hơn 6,77% và cao hơn 122,6 nghìn tỷ về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022, song việc phải “tiêu” khoảng 247 nghìn tỷ đồng trong hơn 1 tháng còn lại của niên độ ngân sách năm 2023 không hề đơn giản!
Đến giờ, 21/52 bộ, cơ quan trung ương và 30/63 địa phương vẫn chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng giao với tổng số vốn gần 16,2 nghìn tỷ đồng - thì làm sao giải ngân nổi trong tháng 12? 15 bộ, cơ quan Trung ương mới chỉ giải ngân được dưới 15%, 8 địa phương giải ngân dưới 50% - cũng rất khó tạo ra “kỳ tích”.
Dù vậy, yêu cầu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn được giao Thủ tướng đặt ra là rất cần thiết. “Mệnh lệnh” này chắc chắn sẽ gia tăng áp lực, buộc các bộ, cơ quan trung ương, địa phương liên quan phải nỗ lực trong các phần việc của mình nhằm đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đi cùng với nỗ lực tăng tiến độ, các địa phương và bộ, ngành phải đặc biệt quan tâm đến chất lượng giải ngân. Bởi lẽ việc chạy đua với thời gian có thể ảnh hưởng đến chất lượng công trình, hoặc gây thất thoát, lãng phí ngân sách. Mối lo này càng có cơ sở, bởi theo nhận định của Chính phủ, một trong những nguyên nhân giải ngân chậm là do năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu... hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu; khâu chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn nhiều bất cập, chưa kỹ, chưa tốt khiến dự án và kế hoạch phải điều chỉnh nhiều lần.
Cũng vào lúc này, rút kinh nghiệm để năm sau không xảy ra chậm trễ, rồi phải giải ngân dồn cục, cũng là việc cần làm. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm hoặc không đạt kế hoạch là vấn đề đã diễn ra nhiều năm - có nguyên nhân chung và đồng thời mỗi năm có những khó khăn mới và khác ở các địa phương, dự án khác nhau. Tuy nhiên, có một nguyên nhân có thể giải quyết được ngay nằm ở chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư - đó chính là chuẩn bị dự án đầu tư chưa kỹ lưỡng, chưa sát thực tế, chưa dự báo hết những khó khăn có thể xảy ra. Điều này Chính phủ cũng đã nhận diện.
Khi triển khai một dự án, rất nhiều khó khăn có thể xảy ra. Ví dụ, một dự án giao thông có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên vật liệu - mỏ đất đã khảo sát rồi nhưng không đủ trữ lượng; hoặc vấn đề thời tiết, sụt lở; hoặc những khó khăn trong chuẩn bị nguồn vốn có thể đột ngột xuất hiện… Những yếu tố này dẫn đến việc phải điều chỉnh dự án nhiều lần, làm chậm đáng kể tiến độ giải ngân, hoàn thành dự án.
Vì thế, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, một điều có thể làm được ngay mà chưa cần phải có thay đổi gì về thể chế, đó là công tác chuẩn bị dự án đầu tư phải làm tốt, làm thực chất để đưa ra một kế hoạch thực hiện khả thi. Ngoài tính cần thiết của dự án, phải tính đến các khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dự án như thế nào. Thay vì tâm lý cố gắng đưa ra kế hoạch thời gian thực hiện dự án nhanh nhất nhằm tăng tính thuyết phục của dự án, hãy tính toán thực chất hơn, thậm chí dự tính cả thời gian thực hiện thủ tục, bởi việc này có thể kéo dài, đây cũng là một rủi ro rất đỗi quen thuộc!