Phải phù hợp với pháp luật về ngân sách
Các ĐBQH cơ bản thống nhất ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản nhằm tạo hành lang pháp lý toàn diện trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động trong hoạt động khoáng sản...
Căn cứ công dụng và mục đích quản lý, dự thảo luật quy định phân chia các loại khoáng sản thành 4 nhóm. Khoáng sản nhóm I: bao gồm khoáng sản kim loại; khoáng sản năng lượng; đá quý, đá bán quý; khoáng chất công nghiệp; nước khoáng, nước nóng thiên nhiên. Khoáng sản nhóm II: bao gồm các loại khoáng sản làm vật liệu trong ngành công nghiệp xây dựng phục vụ sản xuất xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, đá ốp lát, mỹ nghệ, vôi công nghiệp, vật liệu chịu lửa. Khoáng sản nhóm III: bao gồm các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này; than bùn. Khoáng sản nhóm IV: bao gồm các loại đất sét, đất đồi; đất lẫn đá, cát, cuội, sỏi hoặc đất, sét có tên gọi khác chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp; đất đá thải mỏ.
Các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ việc áp dụng các quy định này của dự thảo luật trong trường hợp mỏ khoáng sản bao gồm nhiều loại khoáng sản thuộc các phân nhóm khác nhau.
Liên quan đến chính sách của Nhà nước về địa chất, khoáng sản, khoản 4, Điều 4 dự thảo luật quy định “Nhà nước dành một phần kinh phí từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để tăng cường cho công tác điều tra, đánh giá khoáng sản biển, khoáng sản ẩn sâu, thăm dò khoáng sản”. ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng, theo quy định của luật hiện hành, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thực hiện nộp 70% cho ngân sách trung ương, 30% cho ngân sách địa phương đối với Giấy phép do Trung ương cấp; 100% cho ngân sách địa phương đối với Giấy phép do UBND cấp tỉnh cấp.
Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị rà soát quy định của dự thảo luật về tỷ lệ trích kinh phí phù hợp với nguyên tắc nộp các khoản thu về ngân sách trung ương hoặc địa phương. Hoặc có thể sửa theo hướng “Nhà nước bố trí ngân sách để tăng cường cho công tác điều tra, đánh giá khoáng sản biển, khoáng sản ẩn sâu, thăm dò khoáng sản”.
Đối với quy định “Nhà nước bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức, cá nhân và người dân tại địa phương nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác, sử dụng trên cơ sở điều tiết nguồn thu từ hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên địa chất, khoáng sản” tại khoản 8, Điều 4, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng, cần làm rõ nội dung quy định này, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Hạn chế tối đa các nội dung giao hướng dẫn thi hành
Theo thống kê, dự thảo luật hiện giao Chính phủ hướng dẫn thi hành 51 điều, khoản, điểm trên 117 điều, chiếm 43,58%; chưa kể nội dung giao cho bộ, ngành và địa phương. Nhận thấy dự luật “quá nhiều nội dung giao Chính phủ”, đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị rà soát kỹ lưỡng, những nội dung nào cần thiết và có thể cụ thể hóa thì quy định luôn trong dự thảo luật, hạn chế tối đa việc khi luật ban hành có hiệu lực rồi, lại phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn.
ĐBQH Nguyễn Văn Dương (Tiền Giang) đề nghị áp dụng tối đa các cơ chế thị trường như đấu giá, đầu thầu trong hoạt động khai thác khoáng sản, để hạn chế tới mức tối thiểu tình trạng “xin - cho” quyền khai thác khoáng sản. Theo đó, tất cả các quyền khai thác khoáng sản phải được cấp thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản hoặc đấu thầu thực hiện dự án khoáng sản, trừ khu vực chứa khoáng sản năng lượng, phóng xạ, hạt nhân, khu vực khoáng sản tại vành đai biên giới quốc gia, khu vực chiến lược về quốc phòng, an ninh.
Các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát kỹ điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, phù hợp nhằm xử lý các trường hợp đang thực hiện theo Luật Khoáng sản năm 2010 và một số văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.