Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cho miền núi đạt thấp
Đối với nhóm vấn đề về dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, ngoài lo lắng tỷ lệ nghèo đa chiều ở các huyện miền núi còn khá cao, các đại biểu còn nêu lên thực trạng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư và vốn sự nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (gọi tắt là Chương trình) giai đoạn 1, từ năm 2021 – 2025 đạt thấp; trong chỉ còn 1 năm nữa là hết giai đoạn 1 của chương trình?
Trả lời vấn đề này, Trưởng Ban Dân tộc Hồ Ngọc Thịnh cho biết, tổng ngân sách Trung ương và tỉnh phân bổ thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2024 là 1.798 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư công hơn 881,4 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 917,5 tỷ đồng. Đến nay, tổng vốn giải ngân hơn 924,1 tỷ đồng, đạt 51,4%, trong đó, vốn đầu tư công đạt 78,8%, vốn sự nghiệp đạt 25%.
Từ nguồn vốn này đã thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung của Chương trình, qua đó giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS trong 2 năm (2022 và 2023) đã đạt và vượt mục tiêu kế hoạch được cấp thẩm quyền giao, trong đó năm 2024 dự kiến tỷ lệ hộ nghèo giảm 7%. Đến nay, có 9 xã thuộc các huyện miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuy nhiên, đây là chương trình mới, các dự án, tiểu dự án rất đa dạng về nội dung, hình thức thực hiện; các quy định, hướng dẫn thực hiện của các Bộ, ngành trung ương còn chậm ban hành, nội dung hướng dẫn chưa rõ ràng, thiếu đồng bộ, phải sửa đổi nhiều lần dẫn tới sự lúng túng, chậm trễ trong việc triển khai thực hiện các dự án và chậm giải ngân…
Để nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, thời gian đến, tỉnh tiếp tục rà soát, kiến nghị Bộ, ngành Trung ương hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình. Đồng thời, các địa phương cần phải tăng tính chủ động trong thực hiện Chương trình; chủ động giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cấp mình quản lý; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện bảo đảm đúng đối tượng, đúng nội dung, đúng chế độ...
Sớm ban hành danh mục thu hút đầu tư các lò hỏa táng
Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu nêu thực trạng, hiện nay, các địa phương gặp nhiều khó khăn trong bố trí đất làm nghĩa trang, chôn cất người mất. Bên cạnh đó, nghĩa trang, nghĩa địa tự phát khắp nơi, ảnh hưởng đến môi trường… Toàn tỉnh hiện vẫn chưa có lò hỏa táng, nhiều người phải đưa thi thể thân nhân ra Đà Nẵng để hỏa táng. Cử tri địa phương mong muốn đầu tư xây dựng lò hỏa táng phục vụ nhu cầu của người dân. “Đề nghị làm rõ nguyên nhân nào mà tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa xây dựng lò hỏa táng. Giải pháp trong thời gian tới, dự kiến khi nào thì tỉnh mới có lò hỏa táng để giải quyết vấn đề hỏa táng đối với người đã mất?”, đại biểu Nguyễn Mạnh Thắng đặt câu hỏi.
Thông tin tới cử tri, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng tỉnh Nguyễn Hữu Hồng thừa nhận, những ý kiến đại biểu chất vấn phản ánh đúng thực trạng. Để giải quyết vấn đề nghĩa trang không có trong quy hoạch, cần rà soát, đóng cửa đối với nghĩa trang không bảo đảm khoảng cách và không xử lý được vấn đề môi trường.
Giai đoạn 2016-2030, UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt quy hoạch nghĩa trang trên địa bàn có nâng cấp và xây mới 42 nghĩa trang với tổng diện tích 296,4ha. Trong đó, cấp tỉnh có 4 nghĩa trang mới diện tích tổng 115ha, phục vụ liên đô thị, liên huyện; Cấp vùng 8 nghĩa trang mới 65,6ha, phục vụ đô thị và xã phát triển; cấp huyện 30 nghĩa trang mới 115ha, phục vụ cấp huyện và liên xã.
Ngoài ra, xây mới 6 cơ sở hỏa táng gồm: Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa); Nghĩa trang Phượng Hoàng (Dung Quất); Núi Vồng Sói (huyện Lý Sơn); Tịnh Ấn Đông; Hoa viên Vĩnh Hằng (thị xã Đức Phổ); thị trấn Di Lăng (huyện Sơn Hà); xây mới 8 nhà tang lễ, nâng cấp 2 nhà hiện có. Việc này đã được tích hợp vào quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Dự kiến vào đầu năm 2025, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan lập thủ tục, xin phép UBND tỉnh Quảng Ngãi đấu thầu dự án nhà hỏa táng nói trên. Dự kiến đến cuối năm 2026 hoặc chậm nhất đầu năm 2027 sẽ có lò hỏa táng phục vụ người dân trong tỉnh”, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Nguyễn Hữu Hồng thông tin.