Đại biểu Dương Thị Thanh Huyền: xin Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong năm 2022 đầu tư công trên địa bàn tỉnh đã đưa được công trình trọng điểm nào vào sử dụng? Năm 2023, ngành tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tập trung vào các dự án trọng điểm nào? Chủ đề của năm 2023 là “đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, vậy để thực hiện chủ đề này, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh chọn những công trình nào đầu tư cho lĩnh vực này?
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đình Xuân: tính đến hết năm 2022, trong 6 dự án trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh thì có 4 công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, cụ thể: cung Quy hoạch kiến trúc; Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh; nút giao Tây Nam thành phố Bắc Ninh; Khu đền thờ Lý Thường Kiệt. Năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo hoàn thành một số công trình trọng điểm như Dự án cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành và Dự án chùa Dạm, Dự án đường Vành đai 4...
Về việc lựa chọn các công trình phù hợp với chủ đề năm 2023, trong lĩnh vực văn hóa, hiện đang có 13 dự án chờ quyết toán, 8 dự án chuyển tiếp là đầu tư xây mới chùa Dạm; tu bổ, tôn tạo khu di tích chùa Dâu; tu bổ, tôn tạo chùa Linh Ứng; tu bổ, tôn tạo Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương; tu bổ, tôn tạo đền Lũng Khê; đền thờ Nguyễn Cao; đền Bình Ngô; Trung tâm văn hóa thiếu nhi phía nam tỉnh. Bên cạnh đó, có 3 dự án khởi công mới là tu bổ, tôn tạo thành cổ Luy Lâu và hệ thống Tứ Pháp huyện Thuận Thành; tu bổ, tôn tạo di tích đình Hồi Quan, thị xã Từ Sơn; tu bổ, tôn tạo di tích đình Viêm Xá (Đình Diềm), TP. Bắc Ninh.
Căn cứ vào khả năng cân đối các nguồn lực bổ sung trung hạn của tỉnh trong năm 2023, liên Sở Kế hoạch và Đầu tư - Tài chính sẽ phối hợp ngành văn hóa, thể thao và du lịch và các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền lựa chọn, ưu tiên đầu tư một số công trình trong thời gian sớm nhất khi có nguồn lực, bảo đảm các quy định.
Đại biểu Chu Quang Hảo: trong những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách cho văn hóa, thể thao và du lịch. Tuy nhiên, một số chính sách chưa có hướng dẫn triệt để, có chính sách đến giai đoạn hiện nay cần phải bổ sung, sửa đổi… Để văn hóa thực sự phát triển theo tinh thần nghị quyết của Trung ương và của tỉnh; đề nghị Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, kế hoạch của ngành trong thời gian tới và đề xuất với tỉnh cần sửa đổi, bổ sung chính sách như thế nào?
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Hữu Hùng: trong những năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách cụ thể về phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch, tạo động lực phát triển các lĩnh vực của ngành. Qua đó, không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động phát triển sự nghiệp của ngành nói chung.
Để văn hóa thực sự phát triển theo tinh thần nghị quyết của Trung ương và của tỉnh, trong thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách như điều chỉnh, bổ sung chế độ hỗ trợ phụ cấp ưu đãi nghề, chế độ bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn đối với số lao động hợp đồng trong khung biên chế tự chủ của Nhà hát Dân ca quan họ; tăng mức hỗ trợ ưu đãi nghề và bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn cho người làm việc tại Nhà hát Dân ca quan họ. Tăng chế độ thù lao người trông coi bảo vệ bảo vệ di tích; mở rộng phạm vi di tích được hưởng chính sách hỗ trợ. Ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa cho lĩnh vực văn hóa. Đặc biệt là các chính sách tăng cường hoạt động thu hút đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, dự án du lịch văn hóa, du lịch tâm linh có quy mô, thương hiệu, chất lượng cao.
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền: đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh cho biết, khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử lưu động thời gian qua và giải pháp trong thời gian tới? Chánh án cho biết thêm về hiệu quả hoạt động của Trung tâm hòa giải ngoài tòa án hiện nay? Chỉ tiêu hòa giải thành tại Trung tâm hòa giải phải trên 60% nhưng tại Tòa án cấp tỉnh là không đạt được chỉ tiêu giao. Đề nghị làm rõ, nguyên nhân và giải pháp khắc phục nâng cao chất lượng Trung tâm hòa giải trong thời gian tới?
Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Vũ Công Đồng: phải thừa nhận rằng, xét xử lưu động tại các nơi xảy ra vụ án có tác dụng tuyên truyền, răn đe, giáo dục pháp luật rất lớn đối với thanh thiếu niên nói riêng và nhân dân nói chung. Tuy nhiên, có những lý do ảnh hưởng tới việc xét xử lưu động, đó là từ cuối năm 2019, do tình hình dịch Covid-19 nên tòa án không triển khai việc xét xử lưu động. Tòa án Nhân dân tối cao không khuyến khích tòa án các cấp xét xử lưu động mà thực hiện việc xét xử trực tuyến. Hình thức này cũng mang tính tuyên truyền giáo dục pháp luật cao trong nhân dân, do vậy việc xét xử lưu động trực tiếp có tỷ lệ giảm hơn so với những năm trước.
Các trung tâm hòa giải, đối thoại cơ bản đã hoạt động hiệu quả, tuy nhiên chỉ tập trung ở trung tâm hòa giải tại tòa án cấp huyện; còn lại chỉ tiêu hòa giải thành tại tòa án cấp tỉnh không đạt được là do các vụ án tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình do tòa án cấp tỉnh giải quyết thường là án có đương sự ở nước ngoài, thiếu một bên tham gia tố tụng nên không thể tiến hành hòa giải được. Để nâng cao chất lượng tại trung tâm hòa giải, thời gian tới, Tòa án Nhân dân tỉnh xác định, cần tiếp tục lựa chọn đội ngũ hòa giải viên có năng lực trình độ chuyên môn đã từng công tác trong ngành pháp luật nhiều năm, có đạo đức và tâm huyết với công việc được giao, tiếp tục tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng hòa giải đối thoại cho các hòa giải viên.
Đã có gần 30 lượt ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về các vấn đề tăng trưởng kinh tế, giải pháp để nâng cao chất lượng thu nhập bình quân đầu người, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn. Việc tham mưu sửa đổi, bổ sung chính sách trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, giải pháp phát triển du lịch xanh và đưa văn hóa trở thành một ngành kinh tế của tỉnh. Năng lực giải quyết án hành chính, dân sự, mức độ áp dụng hình phạt trong xử lý án tham nhũng; giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án dân sự... HĐND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, địa phương được chất vấn chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả để khắc phục những tồn tại, hạn chế.