KỲ HỌP THỨ 10, HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH KHÓA XIX, NHIỆM KỲ 2021 - 2026

Phát huy vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước tại địa phương

- Thứ Bảy, 10/12/2022, 06:10 - Chia sẻ

Tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Bắc Ninh khóa XIX, Đảng đoàn HĐND tỉnh đã có báo cáo 5 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 30.11.2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khóa XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp (gọi tắt là Nghị quyết số 13-NQ/TU). 

Đổi mới về tổ chức và nội dung

Theo báo cáo, đến nay, Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh có ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, trở thành cực tăng trưởng của vùng thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, diện mạo đô thị, nông thôn phát triển, văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội được quan tâm, hệ thống chính trị được củng cố; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững… Kết quả đó có được là nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền, cán bộ đảng viên, lực lượng vũ trang, cử tri và nhân dân trong tỉnh, trong đó có sự đóng góp quan trọng của HĐND các cấp của tỉnh Bắc Ninh. 

Phát huy vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước tại địa phương -0
Các đại biểu Biểu quyết tại kỳ họp

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, hoạt động của HĐND có nhiều thuận lợi; hoạt động của HĐND các cấp được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của HĐND có nhiều điểm mới, trong đó Luật quy định rõ hơn về cơ cấu tổ chức của HĐND, tạo cơ sở pháp lý để củng cố, hoàn thiện tổ chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp diễn ra bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, cử tri đã lựa chọn và bầu những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. 

Cơ cấu tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ của HĐND các cấp có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động; chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên, phát huy vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Bên cạnh đó, xem xét, quyết định nhiều chủ trương, biện pháp trên các lĩnh vực, những vấn đề quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chất lượng đại biểu HĐND các cấp ngày càng được nâng cao qua từng nhiệm kỳ, cơ bản bảo đảm cơ cấu, thành phần theo quy định; đại biểu chuyên trách đa phần có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động HĐND, thực hiện tốt chức năng tham mưu với HĐND trong việc cải tiến, đổi mới phương pháp hoạt động của HĐND.

Chất lượng các kỳ họp được nâng lên, đi vào thực chất, các nghị quyết của HĐND đã kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và đi vào thực tiễn cuộc sống; hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo có chuyển biến tích cực. Công tác giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật và nghị quyết của HĐND tỉnh được chú trọng; nội dung giám sát đã chọn đúng, trúng vấn đề cử tri quan tâm. 

Trên cơ sở đề xuất của các ban và ý kiến, kiến nghị của cử tri, nội dung giám sát chuyên đề, giải trình, chất vấn cũng được lựa chọn kỹ lưỡng; tập trung vào những vấn đề nổi cộm, cần thiết nhất và đúng thời điểm. Sau giám sát, nhiều vấn đề về thẩm quyền, trách nhiệm được làm rõ; UBND các cấp đã có văn bản chỉ đạo kịp thời; các ngành có văn bản triển khai thực hiện, tập trung giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, tạo chuyển biến rất tích cực, được đại biểu và cử tri theo dõi sát sao. Qua đó, góp phần tạo chuyển biến về chất trong hoạt động giám sát của HĐND các cấp trong tỉnh.

Thẩm quyền quyết định của HĐND còn bất cập

Đa số các đại biểu cho rằng, từ thực tế cho thấy, một số quy định pháp luật về vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND trên một số lĩnh vực còn bất cập như quy định về quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của đơn vị chịu sự giám sát chưa đầy đủ, chưa có chế tài xử lý khi vi phạm. Chất lượng đại biểu HĐND tuy đã được nâng lên nhưng một số đại biểu chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bởi, hầu hết đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của HĐND; một số đại biểu là lãnh đạo ngành nên việc giám sát, phản biện còn hạn chế.

Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, hiện nay, cấp huyện và cấp xã không phải là cấp ban hành chính sách, do đó, các đại biểu HĐND đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng phân cấp hơn nữa cho HĐND cấp huyện, cấp xã trong việc quyết định ban hành các chính sách tại địa phương; quy định cụ thể hơn về vị trí, vai trò, trách nhiệm của Thường trực HĐND cấp huyện, cấp xã.

Đồng thời, ban hành quy định về tiêu chí đánh giá, xếp loại hàng năm đối với HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND để làm căn cứ thực hiện và cũng là cơ sở để thực hiện công tác thi đua khen thưởng hàng năm. Như vậy, trách nhiệm của các cơ quan HĐND, các đại biểu HĐND sẽ được nâng lên.

Phan Phương
#