Chính phủ trước đây của Thủ tướng al-Sabah đã từ chức để mở đường cho cuộc bầu cử Quốc hội sớm hồi đầu tháng 6 vừa qua.
Bế tắc kéo dài giữa Chính phủ và Quốc hội Kuwait đã cản trở nỗ lực của quốc gia Trung Đông nhằm thúc đẩy cải cách tài chính, trong đó có Luật Nợ công - vốn được đánh giá là sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Kuwait khai thác các thị trường quốc tế.
Trước đó, ngày 6.6, cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ hai trong vòng 9 tháng đã diễn ra tại Kuwait - quốc gia giàu tài nguyên dầu mỏ, chiếm tới 7% trữ lượng dầu thô toàn cầu, đồng thời cũng là một trong những nước thuộc nhóm giàu có nhất thế giới với khoản nợ công thấp.
Tuy nhiên, tình trạng bất ổn chính trị kéo dài ở Kuwait đã khiến các nhà đầu tư phải dè chừng.
Kể từ khi Quốc vương Nawaf Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah lên nắm quyền hồi tháng 9.2020, Kuwait đã chứng kiến 5 chính phủ từ chức do bất đồng giữa các bộ trưởng và nghị sỹ liên quan tới nhiều vấn đề, từ thẩm quyền triệu tập thành viên nội các đến báo cáo và quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Hôm 5.6, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố đánh giá cho rằng giá dầu mỏ thế giới tăng cao đồng nghĩa với việc Kuwait đang dần phục hồi sau căng thẳng về tài chính công trong thời kỳ đại dịch Covid-19, tuy nhiên, việc sớm thông qua Luật Nợ công mới là điều quan trọng.
IMF khuyến cáo Kuwait cần phải củng cố tài khóa, dựa trên các biện pháp chi tiêu và doanh thu phi dầu mỏ, nhằm đảo ngược xu hướng thâm hụt ngân sách dự kiến trong trung hạn.