Đó là những nội dung Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh đối với UBND tỉnh qua giám sát kết quả thực hiện các dự án đầu tư công năm 2022 trên địa bàn tỉnh.
Nhiều khó khăn, vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng
Qua giám sát, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị, địa phương. Qua đó, 9 tháng năm 2022, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt 47,82%, trong đó vốn ngân sách trung ương đạt 49,45%, vốn ngân sách địa phương đạt 47,09%. Một số dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề để các ngành, các địa phương tiếp tục nỗ lực, phấn đấu thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023; tập trung giải ngân nguồn vốn trong những tháng cuối năm 2022 đạt tỷ lệ giải ngân như đúng cam kết từ 92 - 96% so với chỉ tiêu được giao.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện các dự án còn chậm. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh tính đến ngày 30.9.2022, toàn tỉnh mới đạt 47,82%. Trong đó, một số nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân đạt thấp dưới 30%; vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương chưa giải ngân. Nguồn vốn ngân sách cấp huyện đạt 50,02%, nhưng còn nhiều địa phương có tiến độ giải ngân dưới 40%. Số lượng các dự án chưa giải ngân hoặc có tỷ lệ giải ngân dưới 30% còn cao. Nguồn vốn kế hoạch năm 2021 chưa giải ngân hết, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2022 đạt thấp, tính đến hết tháng 9 mới đạt 5,72% kế hoạch. Tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm năm 2022 còn chậm, mới có 3/13 dự án giải ngân đạt trên 50%, các dự án còn lại kết quả giải ngân đạt thấp...
Trên thực tế, công tác bố trí quỹ đất tái định cư, bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc do vướng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đo đạc, kiểm đếm, thẩm định giá đất, xác định đơn giá bồi thường. Mặt khác, giá đất bồi thường thấp so với giá đất thực tế mặt bằng chung khu vực dự án, nên còn trường hợp người dân chưa đồng thuận, phản ánh, kiến nghị kéo dài. Năng lực một số đơn vị tư vấn còn hạn chế, dẫn đến quá trình thực hiện phải điều chỉnh hồ sơ, có dự án tăng tổng mức đầu tư. Nguồn lực tài chính một số nhà thầu, đơn vị thi công còn hạn chế, thi công cầm chừng, kéo dài, nhất là khi có biến động về giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng, giá nhân công tăng…
Kịp thời hướng dẫn tháo gỡ
Trên cơ sở phân tích rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sớm kiện toàn, ổn định, tổ chức, bộ máy, biên chế, trụ sở làm việc của Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh để phát huy tính độc lập, tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ của từng ban; bảo đảm phát huy hiệu quả trong phối hợp giải ngân nguồn vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022.
Cùng với đó, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng, bố trí quỹ đất tái định cư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để bảo đảm kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị được giao chủ đầu tư có kết quả giải ngân vốn thấp (dưới 30%), hoặc chưa thực hiện giải ngân (0%) làm rõ nguyên nhân, nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, đề ra giải pháp cụ thể bảo đảm kết quả giải ngân vốn đầu tư năm 2022 theo đúng cam kết. Tiếp tục chỉ đạo triển khai hiệu quả Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 8.12.2021 của HĐND tỉnh về chất vấn và trả lời chất vấn. Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; khắc phục khó khăn, vướng mắc để bảo đảm mục tiêu hoàn thành kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị chủ đầu tư rà soát tiến độ thực hiện tất cả các dự án triển khai trong năm 2022, chủ động tính toán dự kiến khối lượng các dự án có khả năng hoàn thành trình cấp có thẩm quyền để điều chỉnh kế hoạch vốn phù hợp với tiến độ thực hiện, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm. Phối hợp chặt với các địa phương, cơ quan liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án. Đồng thời, nâng cao chất lượng, năng lực công tác chuẩn bị dự án, lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm…
Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên phối hợp với các địa phương, cơ quan (chủ đầu tư dự án) theo dõi tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất để kịp thời hướng dẫn các địa phương tháo gỡ. Tăng cường quản lý đất đai, hạn chế việc điều chỉnh phương án đền bù, ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án…